Phiên chợ Gò chỉ họp sáng mùng 1 Tết ở Bình Định

14/02/2018 07:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Phiên Chợ Gò - Trường Úc, huyện Tuy Phước, Bình Định chỉ nhóm họp buổi sáng mùng 1 Tết hằng năm. Chợ đã tồn tại mấy trăm năm nay từ thời Tây Sơn đến giờ. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp Chợ Gò vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”…

Tại sao cả năm chợ chỉ nhóm mỗi sáng mùng 1 Tết? Nhóm trên nổng đất cao sát chân núi Trường Úc, một bên là sông Hà Thanh, phía trước là đường giao thông chính, sau thành Quốc lộ 1. Không lều trại, chợ nhóm từ mờ sáng, đến gần trưa thì chợ tan. Vậy mà tồn tại hàng trăm năm như một nét văn hóa, trải bao vật đổi sao dời?

Các bậc cao niên truyền đời rằng chợ có từ thuở Bắc bình vương Nguyễn Huệ cảm thương binh sĩ Tây Sơn Tết đến xa nhà, nên cho mở hội chợ để mọi người vui chơi. Cuộc vui Tết binh gia tuy chỉ ngắn ngủi vậy nhưng lưu lại nhiều cảm khái trong lòng dân, và phiên chợ năm nào còn mãi đến giờ?

Chú thích ảnh
Một buổi biểu diễn bài chòi cổ tại TP Quy Nhơn vào dịp Tết

Núi Trường Úc (tên cũ là Hàm Long, là Cần Úc sơn) tuy chỉ cao 92 mét nhưng rất đắc địa để dụng binh. Sông Hà Thanh chảy quanh 2 mặt Tây và Bắc của núi rồi đổ vào đầm Thị Nại, nơi từng có những trận thủy chiến bi hùng của các vương quốc cổ xưa, của thủy quân Tây Sơn với nhà Nguyễn.

Núi Hàm Long là tiền đồn quan trọng bảo vệ thành Hoàng Đế. Năm 1799,  thủy quân nhà Nguyễn vượt qua cửa Thị Nại, đánh úp chiếm được đồn Hàm Long. Quân Tây Sơn sau đó tiếp cứu, kịch chiến 2 ngày đêm, quân Nguyễn thắng lớn. Rồi thành Hoàng Đế thành thất thủ. Trận Hàm Long là một trong những trận đánh lớn của Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Năm 1885, quân Pháp đổ bộ vào bãi Thị Nại rồi kéo lên thành Bình Định. Nghĩa quân Cần Vương chận đánh tại chân núi Hàm Long. Trận giáp chiến có lúc quân Pháp phải dùng lưỡi lê, nghĩa quân mượn thế bờ sông đánh rất rát. Nhưng “đạn sắt” hơn “gan vàng”, trận đánh đẫm máu của nghĩa quân không thể cản bước tiến của quân giặc.

Quanh Trường Úc, nổng gò (làm chợ đến nay) và dòng sông bao quanh, là những trận đánh chất ngất máu xương.

Cũng ở khúc quanh của dòng sông này có vực sâu (Úc là vực sông), cũng trăm năm qua làm bến thuyền neo đậu ghe chở vỏ ốc biển về các lò trên bờ nung vôi. Vôi Trường Úc chở đi khắp nơi làm vật liệu xây dựng, và đặc biệt là vôi sạch cho những cơi trầu. Nổi tiếng đến mức ca dao Bình Định có câu: “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì em hết đứng hết ngồi với anh”. Vôi để dựng xây, vôi để thắm duyên lành!

Chợ Gò - Trường Úc, một trong những thứ bán mua sáng mùng 1 Tết không thể thiếu những thếp trầu xanh, những quả cau với bình vôi chờ sẵn. Cô gái mua trầu cau về cúng ông bà cũng là mua cái duyên lành đầu năm. Còn cô, khi đã thắm duyên tình, cũng lại tiếp tục gánh ca dao đi bán chợ Gò: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”.

Chú thích ảnh
Mỗi năm họp chợ 1 lần vào mùng 1 Tết, Chợ Gò là một trong số ít chợ đặc biệt của người Việt

Có những cụ bà như cụ Lê Thị Điệp của làng Phong Thạnh (quanh Trường Úc), đã 60 lần “gánh” hàng trầu cau về cho phiên chợ, không năm nào thiếu. Bà có cô cháu gái phụ giúp, tíu tít bán mua: khách thường chọn cau của bà cao niên như mua thêm thọ phúc. Mấy chục hàng trầu cau vậy mà chừng 2 giờ chợ sớm, rỗi cũng hết nhẵn.

Ngoài trầu cau, các sạp hàng (là những vỏ bao trải ra đất) còn bán những quả đu đủ xanh, những chùm trái sung, những bó rau xanh… Khách mua không trả treo giá cả. Mua, bán chỉ còn ý nghĩa thật vui vẻ là trao gửi cái lộc đầu năm.

Chú thích ảnh

Nhiều người dắt con đi chợ cho biết cái Tết truyền thống của quê hương. Các cháu bé đặc biệt thích thú trước gian hàng nặn tò he sặc sỡ, gian hàng hình thú xếp giấy, gian hàng trống rung lưng tưng, hàng đồ chơi các con vật đất nung… Cũng chỉ ở chợ Gò còn bày bán quà vặt cho con trẻ: kẹo bột, kẹo cà, kẹo chỉ, kẹo đường bông xù… mặc ngoài kia các quầy tạp hóa chưng đầy các hộp bánh thời văn minh đô thị.

Chú thích ảnh

Mấy năm nay chợ Gò còn phục hồi Hội đánh bài chòi ngày Xuân. Trò chơi đặc sắc của bài chòi dân gian này thu hút rất đông khách chơi, người thưởng lãm chật trong chật ngoài. Tiếng hô “câu thai” của các anh “hiệu” vần vè hấp dẫn, các nhạc cụ trống, mõ, sanh sứa, nhị, kèn… hòa cùng tiết nhịp rộn ràng. Giữa các ván bài là những tiết mục “bài chòi kể”, “bài chòi chiếu” quyến rủ, mời gọi khách tụ về.

Gần đây, UBND huyện Tuy Phước còn tổ chức bài bản Lễ hội Chợ Gò có trống hội, múa lân, biểu diễn võ thuật, ca nhạc… làm không khí hội Xuân thêm màu sắc. Hàng ngàn khách du Xuân mọi lứa tuổi được chuyến xuất hành cầu tài lộc đầy ắp cảm xúc. Những gặp gỡ chào nhau, chúc tụng đầu năm trên mắt môi người rạng rỡ, nhẹ nhõm niềm vui yên bình.

Phiên chợ Gò độc nhất vô nhị một buổi sáng đầu năm mà lưu giữ hồn cốt Tết xưa ở Bình Định, lạ lùng sao, trăm năm qua hiện hữu nơi khốc liệt chiến địa như một bù trừ, một tất yếu, tưởng vọng và hồi sinh.

Phải rồi, yên bình trên môi mắt mỗi người sáng Xuân chợ Gò như một cũ xưa “vôi thắm, tình nồng” và bao điều ước, là vẻ đẹp của hy vọng. 

(Còn tiếp)

Ngắm những chậu lan khổng lồ, giá trăm triệu chơi Tết

Ngắm những chậu lan khổng lồ, giá trăm triệu chơi Tết

Hoa mai, hoa đào là những loài hoa không thể thiếu trong dịp Tết. Nhiều năm trở lại đây, chơi hoa lan trong đón Tết cũng đã trở nên phổ biến bởi vẻ đẹp và những ý nghĩa của loài hoa này mang lại.

Lê Hoài Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm