Nói không với rác thải nhựa: Bắt đầu từ ý thức và thói quen của cộng đồng

26/08/2019 13:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Cùng chung nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ, đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Nhưng để “Nói không với rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và mang lại hiệu quả cao nhất, phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân. Với mục đích đó, TTXVN mở chuyên mục "Nói không với rác thải nhựa".

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới

Phong trào chống rác thải nhựa đang lan tỏa với nhiều hoạt động, mô hình, sáng kiến đã được thực hiện để giảm thiểu loại rác này.

Hình thành ý thức cho thế hệ trẻ

Với việc hàng trăm, hàng nghìn năm rác thải nhựa mới có thể phân hủy, ngay từ bây giờ phải hình thành ý thức, thói quen “Nói không với rác thải nhựa” với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Đặc biệt là tác động mạnh mẽ tới các thế hệ trẻ. Bởi vậy, “Nói không với rác thải nhựa” nên bắt đầu từ ngành Giáo dục.

Sự việc bé Nguyệt Linh, một học sinh lớp năm đã gửi thư tới 40 hiệu trưởng với đề nghị không thả bóng bay dịp khai giảng để bảo vệ môi trường trước nạn ô nhiễm nhựa là một sáng kiến nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Nhờ vậy, nhiều trường đã cam kết không thả bóng bay cũng như giảm sử dụng các sản phẩm nhựa.

Năm học 2018-2019, cả nước trên 23 triệu học sinh, trong đó cấp tiểu học chiếm nhiều nhất trên 8,3 triệu học sinh. Với quy mô giáo dục tăng, số lượng học sinh năm học 2019-2020 cũng tăng theo. Nếu những quy định về sách vở, đồ dùng học tập thay đổi, lượng nhựa, nylon sẽ được giảm thiểu rất nhiều.

Chú thích ảnh
Sự tiện lợi của đồ nhựa dùng một lần chính là điều làm cho người dân ưa dùng. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Một trong những quy định đã tồn tại nhiều năm là bọc sách, vở cho toàn bộ sách, vở cho năm học mới. Ngày trước, học sinh bọc sách, vở bằng báo cũ. Nhà nào có “điều kiện”, sách vở được bọc họa báo với nhiều hình ảnh in màu, bắt mắt rất đẹp. Song bọc báo cũ cũng rất nguy hiểm vì báo cũ chứa nhiều chì không tốt cho sức khỏe. Với sự tiện lợi của nhựa, bọc sách vở bằng bao nhựa nylon với chi phí hiệu quả, dễ sử dụng và thuận tiện cho lưu trữ được sử dụng cho học sinh. Nếu mỗi học sinh phải bọc sách, vở bằng bao nilon, lượng nylon thải ra là quá lớn, chưa kể các loại kẹp file bằng nhựa dùng đựng bài của cô và trò…

Tháng 8/2019, học sinh nhiều trường đã tựu trường sớm, một số phụ huynh lên tiếng và nhiều trường đã không bắt buộc học sinh dùng nylon bọc sách, vở. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp còn e dè, ngại lên tiếng vì đó là quy định của trường. Trước thềm năm học mới, một cô giáo chủ nhiệm sang trường mới còn có ý tưởng mua thêm mỗi học sinh 2 rổ nhựa (giống với trường cũ) để sách vở tiếng Anh và tiếng Việt dưới ngăn bàn vì sợ các con tiểu học chưa gọn gàng, sẽ mất thời gian sắp xếp, nhặt đồ nếu rơi khỏi ngăn bàn.

Điều đáng mừng là ý tưởng này đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Chị Nguyễn Hoàng Hoa (Thanh Xuân) cho rằng: “Thay vì những ý tưởng như bọc sách, vở bằng nylon cho đẹp, mua thêm rổ nhựa, chúng ta nên tập trung rèn ý thức gọn gàng, ngăn nắp cho các con. Mỗi một túi nhựa hay túi nylon cũng tăng thêm đồ nhựa. Dù đồ nhựa này bền nhưng tương lai lại tăng thêm rác thải nhựa”. Phụ huynh này lo lắng “hành tinh nhựa gần thành hiện thực rồi” và kêu gọi các phụ huynh khác cùng vào cuộc nêu ý kiến để hủy bỏ các quy định liên quan đến tăng thêm đồ nhựa, nylon trong trường học. Đồng tình với ý kiến này, cô giáo Hà Thị Toan (Cầu Giấy) chia sẻ: Hiện nay, kỹ thuật in ấn tiên tiến, bìa sách, vở màu sắc đẹp, rất bắt mắt, giờ bọc lại sẽ che mất, vừa thêm chi phí không cần thiết vừa ảnh hưởng đến môi trường nếu dùng bìa nylon.

Năm học mới cận kề, ngành Giáo dục nên hủy bỏ những quy định liên quan đến các sản phẩm nhựa và nylon, đưa nội dung bảo vệ môi trường nói chung, nói không với sản phẩm nhựa nói riêng vào chương trình học, tổ chức các phong trào thi đua với ý nghĩa thiết thực, tạo thành ý thức cho mỗi học sinh - tương lai của đất nước ngay từ nhỏ.

Chú thích ảnh
Một người bán đồ nhựa gia dụng đựng trong túi nylon cho khách trên phố Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Lan tỏa phong trào

Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nylon mang lại các tiện ích nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát thải khoảng 2 triệu tấn rác thải nhựa.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, trong đó giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiên phong “nói không với rác thải nhựa”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại nhiều hội nghị, hội thảo. Bộ phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nylon” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nylon sử dụng một lần”.

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế, từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nylon khó phân hủy trong đơn vị.

Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nylon. Liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 9 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập vào tháng 6/2019 và đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 30 doanh nghiệp lớn tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Các hãng Hàng không Vietjet, Bamboo sẽ đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động, sáng tạo, hành động mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình sáng tạo “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”… Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Một số cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

Phong trào chống rác thải nhựa với những hành động “Thử thách dọn rác”, “Thử thách thay đổi” lan truyền mạnh mẽ trên khắp các vùng miền đất nước mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. Cuộc thi “Thử thách dọn rác” góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Chú thích ảnh
Việc sống chung với rác thải chủ yếu là nilon và đồ nhựa dùng một lần như là điều hết sức bình thường của người dân ở xã Đất Mũi, huyện Đất Mũi (Cà Mau). Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Tiến tới luật hóa nghĩa vụ

Hiện chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý, vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hay ưu đãi về vay vốn, về thuế… để doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa sang các sản phẩm dễ phân hủy… Do đó, nhằm hạn chế rác thải nhựa, giải pháp đầu tiên cần hạn chế các sản phẩm làm từ đồ nhựa.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các phong trào, mô hình, các hoạt động về chống rác thải nhựa; đề xuất các sáng kiến nhằm thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường khuyến khích người dân sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần và thân thiện môi trường; kịp thời biểu dương, tôn vinh khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, sáng kiến có giá trị.

Cùng với các biện pháp nâng cao ý thức, Nhà nước cần thêm các chính sách, chiến lược cụ thể về vấn đề sản xuất và sử dụng sản phẩm dễ tiêu hủy. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường; kiểm soát chất thải… Cơ quan chức năng nên nhân rộng các mô hình phạt xả rác bằng camera tạo ý thức tốt trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt là cần tiến tới luật hóa nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.

Mỗi người dân hãy thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, hình thành ý thức nói không với sản phẩm nhựa, túi nylon, ngay hôm nay và ngay bây giờ vì một Việt Nam xanh, vì Trái đất xanh.

Minh Nguyệt/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm