“Người bay” Thụy Sĩ lập kỷ lục mới

13/05/2011 11:11 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bạn lao vút lên không như một con đại bàng, gió mạnh táp vào mặt bạn, khiến mái tóc tung bay. Bạn nhìn xuống dưới và thấy thiên hạ đang há hốc mồm nhìn mình. Rồi đột ngột bạn rơi khỏi giấc mơ. Với phần lớn chúng ta, bay lượn như chim quả thực là một giấc mơ quá đỗi xa xôi, ngoại trừ một người đàn ông Thụy Sĩ có tên Yves Rossy.

Hôm 11/5, Yves Rossy, viên phi công có biệt danh “người bay”, đã ra thông báo cho biết ông vừa tung cánh lần đầu trên bầu trời nước Mỹ vào cuối tuần trước và ngay lập tức đã ghi kỷ lục bay qua Hẻm Núi lớn (Grand Canyon) thành công.

Lần đầu bay qua Hẻm Núi Lớn và thành công

Rossy, nhân vật tiên phong trong ngành hàng không hay chỉ là một kẻ diễn trò kiếm tiền?

Công ty Breitling, nơi tài trợ cho các nỗ lực ghi kỷ lục của Rossy, nói rằng ông đã nhảy xuống khỏi một chiếc trực thăng từ độ cao 3.000 mét và bắt đầu bay với tốc độ 304km/h từ phía Tây của Hẻm Núi Lớn, nơi thuộc về Khu bảo tồn Hualapai, tới đầu bên kia mà không gặp bất kỳ sự cố gì. Khi cạn nhiên liệu, Rossy mới bung dù và hạ cánh xuống đất một cách an toàn, khoảng 8 phút sau khi bắt đầu bay bằng đôi cánh tự chế của ông.

“Chuyến bay đầu tiên của tôi ở Mỹ chắc chắn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời, không chỉ bởi vẻ đẹp ngất ngây của Hẻm Núi Lớn mà còn vì niềm vinh dự được bay trên vùng đất thiêng của những người Anh điêng” - Rossy nói trong thông báo gửi tới báo giới - “Cám ơn Đất mẹ và bộ tộc Hualapai đã giúp giấc mơ bấy lâu của tôi trở thành hiện thực”.

Theo kế hoạch dự kiến của Breitling, Rossy lẽ ra đã ghi kỷ lục từ ngày 6/5. Công ty đã mời một đội ngũ phóng viên, nhiếp ảnh gia và các đội quay phim của nhiều đài truyền hình tới chứng kiến việc ghi kỷ lục của Rossy. Tuy nhiên tới cuối ngày hôm đó, báo giới được cho biết rằng Rossy đã hủy lịch bay vì lấy được giấy phép của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) quá trễ nên không có thời gian chuẩn bị đủ cho việc ghi kỷ lục.

Phát ngôn viên FAA Ian Gregor phân trần rằng cơ quan này chỉ biết về dự định của Rossy và đã làm hết sức để giúp ông mau chóng có giấy phép bay. Theo Gregor, khó khăn nằm ở chỗ người ta không thể xếp đôi cánh gắn động cơ phản lực của ông vào dạng phương tiện gì bởi nó không giống với bất kỳ loại máy bay nào đang tồn tại.

Cuối cùng, FAA cũng cấp phép cho Rossy bay vào ngày 6/5, nhưng Rossy chỉ thực hiện được kỷ lục một hôm sau đó, dưới sự chứng kiến của rất ít người. “Hoàn toàn không có gì bí mật trong nỗ lực lập kỷ lục kiểu này” - Rachel Jones- Pittier, phát ngôn viên quan hệ công chúng của Breitling nói - “Việc ít người chứng kiến kỷ lục chỉ vì chúng tôi đã không thể mời được bất kỳ cơ quan báo chí nào tới hiện trường trong buổi tổ chức sự kiện thay thế”.

Breitling có đưa ra một đoạn video, trong đó có cảnh Rossy với đôi cánh nổi tiếng của ông đang nhảy ra từ chiếc trực thăng rồi bay lượn trên trời trong một quãng ngắn. Công ty cũng dẫn lời nhân chứng Robert Bravo, 47 tuổi, người là giám đốc Tập đoàn Nhà nghỉ cao cấp Hẻm Núi Lớn thuộc sở hữu của bộ tộc Hualapai, cho biết ông cùng con cái đã tận mắt chứng kiến màn trình diễn của Rossy. Tuy nhiên đoạn video và những bức ảnh kèm theo vẫn cần phải được sự kiểm tra của một cơ quan độc lập, trước khi người ta có thể kết luận rằng Rossy thực sự đã bay qua Hẻm Núi Lớn.

Bức ảnh do Breitling công bố cho thấy “người bay” đang băng qua Hẻm Núi Lớn


Nhà tiên phong về hàng không hay kẻ diễn trò mạo hiểm?

Là cựu phi công máy bay chiến đấu và hiện là cơ trưởng của hãng hàng không Swiss International Airlines, Rossy đã mơ ước có thể bay lượn được như chim. Để thực hiện ước mơ, ông tự sản xuất ra một đôi cánh riêng cho mình, làm từ vật liệu cứng nhưng nhẹ và được lắp 4 động cơ phản lực Jet- Cat P200 chạy nhiêu liệu kerosene.

Giới phân tích nói rằng chế tạo một đôi cánh như Rossy không phải việc đơn giản. Người ta phải trả lời vô số câu hỏi, đơn cử như việc phải làm sao để viên phi công không bị sức nóng của động cơ phản lực thiêu cháy đôi chân khi bay.

Cần biết rằng các thiết bị bay bằng động cơ phản lực đầu tiên đã xuất hiện trong Thế chiến II, do người Đức sản xuất. Thiết bị này mang tên “Himmersturmer” có thể giúp người đeo nó “nhảy” lên được độ cao tới 60m trong một khoảng thời gian ngắn. Nó được thiết kế để giúp binh lính băng qua bãi mìn hoặc rào thép gai, với các động cơ phản lực được gắn ở trước mặt và sau lưng phi công, cách xa cơ thể một đoạn. Tuy nhiên tới cuối chiến tranh, khi bí mật về Himmersturmer được người Mỹ tìm thấy và chuyển về cho nhà sản xuất máy bay Bell Aerosystems ở Mỹ để thử nghiệm, đã không ai có đủ sự dũng cảm đeo nó vào người và kết quả là cỗ máy này nhanh chóng bị lãng quên.

Thay vì sử dụng động cơ phản lực, các nhà khoa học Mỹ nghĩ ra ý tưởng chế tạo ra thiết bị bay cá nhân dùng động cơ tên lửa. Nhiên liệu phục vụ các động cơ này là nitơ lỏng và khí hydro peroxide. Khi hai chất này kết hợp với nhau và được thêm chất xúc tác là bạc, phản ứng hóa học sẽ xuất hiện và tạo nên một dòng nhiệt nóng lên tới 700 độ C. Kết quả là người ta có một thiết bị bay tạo ra sức đẩy mạnh 800 mã lực.

Nhưng cũng giống như Himmersturmer, thiết bị bay này không thể tiến xa hơn mức thử nghiệm và chỉ xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood như 007: Thunderball. Nguyên nhân do khí hydro peroxide rất đắt đỏ và cháy quá nhanh, khiến phi công chỉ bay được chừng 30 giây là... rớt vì hết nhiên liệu. Ngoài ra, việc dùng động cơ tên lửa cũng tạo nên những tiếng ồn lớn, có thể chọc thủng màng nhĩ phi công.

Trong mấy thập kỷ qua, nhiều công ty đã nỗ lực sản xuất các thiết bị bay phản lực dành cho cá nhân đáng tin cậy, nhưng không thành công. Vì thế, có thể thấy đôi cánh do Rossy tạo ra vô cùng ấn tượng. Để làm nên đôi cánh này, Rossy sử dụng chất liệu sợi carbon có độ cứng lớn, nhưng nhẹ cân và dùng các động cơ phản lực mạnh. Để bảo vệ đôi chân mỗi khi bay, ông mặc một bộ đồ chống nhiệt lớn giống như của lính cứu hỏa. Ngoài ra, ống xả của động cơ cũng được nối dài ra để chúng gây ít tác động lên người Rossy.

Được biết, ngoài Hẻm Núi Lớn, Rossy đã bay thành công qua eo biển Manche nối Anh với Pháp hồi năm 2008. Nhưng ông đã được một phen uống nước biển trong nỗ lực bay ngang qua Eo biển Gibralta hồi năm 2009.

Khi quan sát Rossy và các lần lập kỷ lục của ông, một số nhà phân tích đã buông lời chê bai thậm tệ. “Ông ta chỉ là một người diễn trò mạo hiểm. Ông ta cần thu hút sự chú ý của dư luận và sau mỗi sô diễn, khi đã thu đủ tiền, ông ta sẽ diễn lại kịch cũ, lặp đi lặp lại không biết chán” - Richard Laermer, giám đốc điều hành công ty quan hệ công chúng RLM PR ở New York đánh giá - “Không thứ gì ông ta làm mang lại giá trị thực sự. Tất cả chỉ vì mục đích đánh bóng tên tuổi và vì tiền”.

Nhưng không ít người khác đã đánh giá Rossy là nhà tiên phong về hàng không, xếp ông đứng ngang hàng với những nhân vật ưa mạo hiểm như Richard Branson và Steve Fossett. Họ nói rằng trong hàng thiên niên kỷ, con người đã luôn có ước mơ rời khỏi mặt đất và bay lên không trung. Các nhà phát minh từ thời của Leonardo da Vinci tới anh em Wright đã hiện thực hóa giấc mơ của nhân loại. Và Rossy được xem là nhân vật gỡ bỏ không gian chật hẹp của chiếc máy bay, giúp con người lần đầu tiên thoải mái chao lượn trong không khí như một chú chim.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm