Ngẫm từ Hồ Trúc Bạch

20/09/2010 11:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Sơn tụ nghĩa, thủy tụ nhân”, quy luật cuộc sống muôn đời được cha ông ta đúc kết dựa trên địa thế đất Việt. Trong loạn lạc binh đao nương vào thế núi, thái bình dựa vào thế sông hồ mà phát triển, thăng hoa. Hà Nội là nơi “Tụ thủy - tụ nhân”, được Thái tổ Lý Công Uẩn chọn làm đất định đô muôn đời.

Một nét đặc trưng mà bất cứ ai từng ở Hà Nội cũng hoài nhớ là những mặt hồ lung linh soi bóng. Hồ Gươm linh thiêng với tháp rùa trầm mặc, hồ Tây lãng đãng mênh mông, hồ Thuyền Quang ngạt ngào hoa sữa... Đó là những dòng ngưng đọng của sông Cái tạo bồi nên đất ngàn năm văn hiến, đó là con mắt xanh yêu kiều giữ cho Hà Nội luôn duyên dáng trữ tình mà không già nua theo năm tháng.

Người Hà Nội có cuộc sống gắn liền với những mặt hồ, tạo tác đã dành cho thủ đô một sự cân bằng vô giá mà chúng ta phải giữ lấy. Mặt hồ không chỉ lặng lẽ thanh lọc không khí cho Hà Nội, mà nó âm thầm len lỏi vào từng tâm hồn con người vẫn hằng tiệm cận với nó để giữ lại phần nào sự trầm mặc, sâu lắng rất riêng của mỗi người Hà Nội.


Hồ Trúc Bạch. (Nguồn: Internet)
Hồ Trúc Bạch vốn là một phần phía Đông Nam của hồ Tây xưa. Sau những biến thiên khi dân làng Yên Hoa, Yên Quang đắp đê Cổ Ngư, phía Đông Nam ấy mới tách riêng trở thành hồ Trúc Bạch - dải lụa đẹp đất kinh kì. Cũng như bao hồ nước Hà Nội, dải lụa ấy bị ô nhiễm, vấy bẩn bởi những xú uế, những cặn thải trong đời sống thường nhật của một thủ đô đất chật người đông. Hồ vẫn đó nhưng linh hồn tàn tạ, chết dần theo những con số khô cứng mà người ta “lọc” ra từ dòng nước đen ngòm.

Ngày 17/9 vừa qua, nhân dịp Đại lễ nghìn năm, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP. Hà Nội khởi công dự án xử lý ô nhiễm nước hồ bằng cách sử dụng các chế phẩm tổ hợp khoáng tự nhiên và chế phẩm vi sinh. Một dự án mà bao người dân thủ đô mong chờ để cứu lấy hồ Trúc Bạch. Từ dự án này đã gợi bao suy ngẫm bởi Hà Nội còn nhiều hồ khác cũng đang “thoi thóp”.

Hồ Trúc Bạch vẫn có một trạm xử lý nước do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lý, tuy nhiên, trạm này chỉ xử lý được một phần nhỏ nước thải phía Nam hồ. Nước thải từ 3 phía Đông, Tây và Bắc hồ đều xả trực tiếp vào hồ mà không qua xử lý. Đó là nước từ mương Ngũ Xã - đường thoát nước chính của nhiều cơ sở sản xuất nhôm và hàng nghìn nhà hàng và hộ dân sống trên lưu vực này.

“Những con số khô cứng” mà Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội lọc ra từ nước hồ, hiện hồ Trúc Bạch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng, hầu hết các chỉ số đo được đều vượt từ hàng chục đến hàng trăm lần so với quy chuẩn Việt Nam. Hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn từ 12,5 đến 25 lần, hàm lượng amoni (NH4) vượt từ 7,8 đến hơn 32 lần, nitrit (NO2) vượt từ 48,5 đến 113 lần...

Gần 12 tỷ đồng được Bộ Khoa học và Công nghệ trích ra từ ngân sách cho một hồ thuộc dạng trung bình của nội thành. Vậy cần bao nhiêu tỉ để làm sạch tất cả những hồ của Hà Nội. Chưa biết chính xác nhưng chắc chắn con số là rất lớn. Vấn đề là số tiền ấy có thấm gì khi chúng ta cứ cố làm sạch trong khi nước thải vẫn tiếp tục chảy vào hồ. Nhiều người tự hỏi, nếu không ngăn chặn tận gốc những nguồn thải này, nước hồ sẽ trong sạch được bao lâu? Có lẽ chí ít cũng qua dịp đại lễ nghìn năm không còn quá xa nữa...

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm