Giả dạng người Trung Quốc để thành công

08/11/2015 07:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Dù thường xuyên nói rằng "bản sắc phương Đông" là nguồn cảm hứng để bản thân sáng tạo, nghệ sĩ Đào Hoằng Cảnh, nhân vật đang sống và làm việc ở Trung Quốc, lại là dân da trắng 100%.

Theo tiểu sử bản thân được phân phát tại các buổi triển lãm của Đào Hoằng Cảnh (Tao Hongjing), anh tự nhận mình là một người Trung Quốc, "theo đúng khuôn mẫu".

Những chiếc túi giả và nghệ sĩ Trung Quốc "rởm"

"Thay đổi lớn diễn ra khi cha đẻ mua TV, chiếc đầu tiên ở trong xóm. Kể từ đó, Đào có thể nhìn thấy thế giới và thấu hiểu đất nước mình" - tờ tiểu sử có ghi.

Mọi thứ nghe có vẻ bình thường, ngoại trừ một điểm duy nhất: Trung Quốc không phải đất nước của Đào. Nhân vật Đào Hoằng Cảnh chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Alexandre Ouairy, một nghệ sĩ sinh ở Nantes, Pháp.

Anh đã dùng "nghệ danh" này cách nay một thập kỷ để bán được nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn là tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, vốn vạch rõ việc anh là một nghệ sĩ nước ngoài xa lạ ở Trung Quốc.


Nghệ sĩ Alexandre Ouairy, tên khác là Đào Hoằng Cảnh, đứng bên các tác phẩm do anh tạo ra trong thời gian sống tại Trung Quốc

Tuần này, Ouairy đã mở cuộc triển lãm mang tên Cái chết tìm về nhà ở Bắc Kinh. Các tác phẩm của anh khai thác chủ nghĩa tượng trưng  dễ tiếp thu của Trung Quốc, vốn quen thuộc với các khán giả phương Tây, thể hiện qua các bức tượng Phật mạ vàng, các bản in có hình ảnh của những đồng tiền vàng mã, các bức tranh vẽ hoạt động xây dựng bằng mực đỏ...

Ý tưởng sử dụng cái tên Đào Hoằng Cảnh xuất hiện cách nay 10 năm, khi thị trường nghệ thuật đương đại của Trung Quốc cất cánh, nhưng triển lãm của Ouairy lại chẳng thu hút được mấy người xem.

"Công chúng chả ai quan tâm cả. Nguyên nhân chỉ vì tôi là người nước ngoài" - anh kể - "Các nhà sưu tầm ở Trung Quốc đều là người nước ngoài như  tôi và họ muốn mua tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc đích thực. Họ tin rằng đó là khoản đầu tư tốt".

"Tại Thượng Hải, tôi thấy rất nhiều hàng nhái thương hiệu sang trọng như Louis Vuitton và Prada. Tôi nói với mình rằng: Nếu họ có thể làm những cái túi giả, tại sao tôi không thể tạo ra một nghệ sĩ Trung Quốc rởm?" - anh chia sẻ.

Cái tên Đào Hoằng Cảnh được sử dụng sau đó, dựa theo tên của một triết gia Trung Quốc sống trong thế kỷ thứ 5, người sinh thời rất thích pha trò cười.


Các tác phẩm của Ouairy đã rất ăn khách sau khi anh giả dạng nghệ sĩ Trung Quốc

Lập tức ăn khách với danh tính giả

Nhưng ngoài khía cạnh gây cười thì "chiêu" của Ouairy đã rất hiệu quả. Anh bắt đầu bán được từ một tới hai tác phẩm mỗi tháng, thay vì từ một đến hai tác phẩm sau mỗi cuộc trưng bày.

"Tự giới thiệu mình như người Trung Quốc đã tạo nên sự khác biệt lớn" - anh chia sẻ - "Có cả một hoạt động kinh tế không nhỏ liên quan tới các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc và lợi ích tài chính cũng rất khác".

Nhưng đổi lại sự thành công, Ouairy không được gây chú ý. Anh phải tránh không tự khai trương các buổi triển lãm của mình. Anh thường chỉ giới thiệu bản thân là "trợ lý của Đào".

Các cuộc phỏng vấn của báo chí với Ouairy cũng chỉ thực hiện qua điện thoại, không bao giờ qua con đường phỏng vấn trực tiếp. Anh nói rằng một người của phòng trưng bày đã giả dạng mình để nhận cuộc gọi.

Thời thế đã thay đổi

Mấy năm gần đây, các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc đã gây chú ý lớn trên toàn cầu. Các tác phẩm của họ thường được đẩy giá lên rất cao, nhờ tác động không nhỏ của các đồng hương mới phất, rất thừa tiền.

Theo cơ sở dữ liệu nghệ thuật Artprice, 17 trong số 50 nghệ sĩ có tác phẩm bán chạy trong vòng một năm, tính tới tháng 6/2015, đều là người Trung Quốc. Các nghệ sĩ Trung Quốc chiếm 21% tổng doanh số bán hàng nghệ thuật đương đại, chỉ đứng sau có Mỹ.

Yang Yang, sáng lập viên gallery Yang ở Bắc Kinh, tự tin nhận xét: "Nghệ thuật đương đại gắn chặt với một vùng lãnh thổ, thế nên cái gọi là "quốc tế hóa nghệ thuật" không tồn tại. Việc tác phẩm có quốc tịch nào hiển nhiên là rất quan trọng".

Triển lãm của Ouairy diễn ra sau khi nhà thơ Michael Derrick Hudson, một người Mỹ da trắng, đã gây tranh cãi nảy lửa. Các bài thơ của Hudseon, gửi đi dưới tên ông, đã bị từ chối xuất bản tới 40 lần.

Tuy nhiên sau khi gửi tác phẩm với bút danh Yi-Fen Chou, thơ của ông đã được sử dụng. Năm nay tác phẩm của ông còn ra tranh giải "Bài thơ hay nhất Mỹ".

Về phần mình, các tác phẩm Ouairy trưng bày tại cuộc triển lãm ở Bắc Kinh mới đây có giá cao tới 200.000 NDT (hơn 30.000 USD), lớn hơn rất nhiều mức 1.500 NDT thời anh bán tác phẩm dưới tên thật.

Ouairy cho biết anh đang có ý định công khai danh tính thực, bởi cảm thấy đã khai thác đủ tiềm năng của cái tên giả. Anh nói rằng thời thế đã thay đổi và nay anh không cần dùng tên giả để bán tranh của mình.

"Sự khác biệt về văn hóa giữa người Trung Quốc và người nước ngoài giờ đã rất nhỏ" - anh nói - "Ngoài ra, hiện nay tôi đã khá nổi tiếng".

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm