Cử tri Hà Nội gửi nhiều kiến nghị chống tham nhũng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

29/11/2017 23:18 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc gần 200 cử tri là đại diện cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hà Nội; ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Đại biểu TP đến dự có bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP; bà Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã được nghe Đoàn ĐBQH báo cáo về kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV và kết quả thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động của Tổ ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời các câu hỏi của cử tri. Ảnh:  Minh Anh

Vấn đề phòng chống tham nhũng, chủ trương của thành phố với khu đất tại 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là những nội dung chính được các cử tri quan tâm tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng nay.

Theo cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã, Ba Đình), Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thông qua tại Kỳ họp là kịp thời, được cử tri hoan nghênh nhưng thực tế tinh giản biên chế, cải cách hành chính chưa tốt. Cử tri đề nghị phải xử lý nghiêm khắc lãnh đạo nào ký cấp phó vượt quy định.

Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần đưa ra chỉ tiêu, số liệu cụ thể hơn trong lộ trình và số biên chế cần phải giảm từ nay cho đến cuối năm 2021.

Theo cử tri Nguyễn Văn Dũng, hàng năm Quốc hội ban hành khá nhiều luật, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của nhưng áp dụng luật vào cuộc sống còn yếu vì văn bản dưới luật chậm, thiếu kịp thời; việc phổ biến luật ở một số nơi còn thiếu và yếu; có luật có hiệu lực nhiều năm nhưng nhiều người còn chưa biết; do đó cử tri đề nghị Quốc hội ngoài việc ban hành luật còn phải có cơ chế giám sát, kiểm tra xem luật đó được phổ biến, thực thi ra sao.

Cử tri Phan Văn Nhâm (phường Thụy Khuê) không hài lòng khi xử lý tội phạm tham nhũng nhưng không thu được tài sản, làm cho kẻ tham nhũng nhờn luật, sẵn sàng "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ), phòng chống tham nhũng vẫn "trên nóng dưới lạnh", thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương.

Cử tri Bùi Đình Chí (phường Giảng Võ, Ba Đình) thì bày tỏ mong muốn công tác kiểm tra giám sát trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí phải thực hiện thường xuyên hơn nữa để xử lý kịp thời các cá nhân tổ chức sai phạm; cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về công tác cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu...

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Đảng, Nhà nước cần thực hiện phòng, chống tham nhũng không dừng, không ngừng, không nghỉ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung trả lời các câu hỏi của cử tri. Ảnh: Minh Anh

Sau phần phát biểu của cử tri, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin về một số kết quả thực hiện Năm "Kỷ cương hành chính 2017", gắn với việc chấn chỉnh thái độ phục vụ, ứng xử của công chức, viên chức; về chủ trương của thành phố với khu đất tại 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Tính đến ngày 30/10/2017, TP.Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng wan liên thông từ thành phố đến 18 sở, 30 quận huyện và 584 phường xã; 607 thủ tục được thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và 4. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ đạt 32% dịch vụ công cấp độ 3, 4 và 100% vào năm 2020, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.

Về việc cung cấp trang thiết bị đồng bộ cho các cán bộ làm thủ tục hành chính, thời gian qua tại một số đơn vị có sự gián đoạn, nguyên nhân do TP đang trong quá trình chuyển giao, số hoá dữ liệu cũ để chuyển sang mạng wan mới. Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung khẳng định việc cung cấp trang thiết bị sẽ hoàn tất trong năm 2018.

Về khu đất 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định, thành phố nhất quán thu hồi khu đất tại 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, giao quận Tây Hồ lập dự án xây dựng trường mầm non công lập. Dự án đã đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2018-2020 và sẽ thông qua tại phiên họp HĐND TP tháng 12 tới. Sau đó, TP sẽ thu hồi đất giao cho quận thực hiện; đồng thời bố trí khu vực khác để Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC làm dự án khác.

Về việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp mà cử tri nêu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói, việc quy hoạch sông Hồng gắn liền với thực hiện lập quy hoạch phân lũ các tuyến sông đi qua Hà Nội; quy hoạch hai bên bờ sông Hồng chảy qua nội đô; đồng thời thực hiện quy hoạch các tuyến giao thông thành phố hai bên bờ sông Hồng (có hai tuyến đường: Từ đầu cầu Thăng Long qua bãi, kết nối đoạn cầu Vĩnh Tuy; tuyến kết nối từ cầu Thăng Long chạy sát bờ sông Hồng qua địa bàn huyện Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, đến cầu Chương Dương); vì vậy, những quy hoạch này phải bảo đảm đồng bộ. TP đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện quy hoạch nhưng phải thận trọng. Việc quy hoạch  sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết, ở bãi thuộc địa bàn phường Tứ Liên, Phú Thượng (quận Tây Hồ) và một số vị trí phường Phúc Xá (quận Ba Đình) có tình trạng một số đối tượng, trong đó có cả sự tham gia của xã hội đen, lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà cấp 4 để bán, TP đã nắm rõ tình trạng này và chỉ đạo quận Tây Hồ xử lý. Thời gian tới, các trường hợp lấn chiếm sẽ bị xử lý nghiêm.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng khi các ý kiến cử tri đều ghi nhận những kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ tư.

Tổng Bí thư đánh giá đây là một trong những kỳ họp thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt. Kỳ họp tiếp tục có những đổi mới, cải tiến theo tinh thần thật sự dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành, xây dựng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Kỳ họp thành công nhờ toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đồng tâm nhất trí thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước với tỷ lệ tán thành cao. Ngoài ra, trình độ ĐBQH khá đồng đều, chất lượng ngày càng cao, đóng góp các ý kiến sâu sắc. Công tác nhân sự tại Kỳ họp cũng đạt được sự thống nhất tuyệt đối. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tương đối vững chắc và thành công của sự kiện APEC 2017 đã tạo bầu không khí tốt, tác động đến thành công của Kỳ họp" .
Về những hạn chế mà các cử tri đã nêu tại buổi chất vấn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Quốc hội cần tiếp tục cải tiến trong thời gian tới như phần phát biểu của ĐBQH cần ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề; thời gian cho toàn bộ Kỳ họp nên rút ngắn...

Trước nhiều kiến nghị của cử tri về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, Trung ương đã có nhiều Nghị quyết, những gì đã làm đạt hiệu quả hơn, bài bản hơn nhưng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm và chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì làm được. Tổng bí thư nhấn mạnh: “Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, kiên trì, kiên quyết, không nóng vội và các bước đi phải bảo đảm chắc chắn, giữ được sự ổn định". Tổng Bí thư cũng cho biết, về công tác lập pháp, việc sửa Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tập trung để "nhốt quyền lực vào lồng lập pháp"; giao quyền nhưng cũng “cho roi, có đòn để anh không dám làm, không muốn làm người sai phạm".

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 23/10. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Minh Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm