Chỉ những người âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào Hải Phòng, Quảng Ninh

07/07/2021 16:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Từ 12h00’ ngày 8/7 Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện, tuyệt đối không để lọt những người từ vùng dịch vào thành phố.

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 7/7: Hà Nội thêm 2 trường hợp dương tính tại Khu công nghiệp Thăng Long

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 7/7: Hà Nội thêm 2 trường hợp dương tính tại Khu công nghiệp Thăng Long

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ 30 ngày 6/7 đến 6 giờ ngày 7/7 Việt Nam có thêm 277 ca mắc COVID-19.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới trong nước đã vượt ngưỡng 1000 ca/ngày, đặc biệt dịch bệnh bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; những ngày qua liên tục có ca dương tính trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh về Nội Bài, trong đó có một số ca F1 là người của Hải Phòng, nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố là rất lớn. Để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố, UBND thành phố yêu cầu:

Một là, từ 12h00’ ngày 7/7/2021 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về Hải Phòng từ thành phố Hồ Chí Minh.

Hai là, đối với các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố: từ 12h00’ ngày 8/7/2021: Chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện, tuyệt đối không để lọt những người từ vùng dịch vào thành phố; thực hiện việc đưa đi cách ly tập trung theo quy định hoặc thông báo kịp thòi cho các địa phương để áp dụng cách ly tại nhà.

Chú thích ảnh

Ba là, đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc cử cán bộ đi công tác tại các tỉnh phía Nam và vùng có dịch; quy định chặt chẽ việc khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương sở tại hoặc trạm Y tế gần nhất để được quản lý, cách ly và xét nghiệm theo quy định.

Bốn là, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những người về địa phương từ vùng dịch, đặc biệt các tỉnh phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... quản lý chặt chẽ những trường họp cách ly tại nhà, tuyệt đối không bỏ sót những người đến từ vùng dịch mà không được quản lý. Lãnh đạo các quận huyện chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Năm là, Sở Y tế cập nhật kịp thời các vùng dịch, các địa điểm đang phong tỏa tại các tỉnh, thành phố; thông báo đến các chốt, các địa phương và phổ biến rộng rãi để Nhân dân thành phố biết và thực hiện. Chủ trì, cùng UBND các quận, huyện có liên quan bố trí địa điểm, nhân lực làm xét nghiệm test nhanh với vi rút SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố.

Các nội dung không đề cập tại văn bản này tiếp tục thực hiện theo các văn bản chỉ đạo trước đây của UBND thành phố.

Chú thích ảnh

QUẢNG NINH: Thí điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại 3 chốt kiểm soát

Trước tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương trong cả nước rất phức tạp, nhất là TP Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua tăng cao, ngày 7/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp trực tuyến với 13 địa phương để triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm kiên quyết giữ vững thành quả phòng, chống dịch và thực hiện “mục tiêu kép” năm 2021.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh Quảng Ninh, chủ trì cuộc họp.

Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày thế giới đã ghi nhận 386.000 ca mắc mới, 7.800 ca tử vong mới. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 739 ca mắc mới (so với tuần trước tăng khoảng 400 ca mắc mới/ngày); tử vong thêm 18 người. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp ở khu vực các tỉnh Miền Trung, miền Nam, đặc biệt là các địa phương có mật độ dân số cao, tập trung nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Hà Tĩnh. Riêng TP Hồ Chí Minh, từ ngày 30/6 đến ngày 6/7 đã ghi nhận 3.796 ca mắc mới, đỉnh điểm vào ngày 3/7 đã ghi nhận 714 ca mắc mới và dịch bệnh ngày càng có xu hướng phức tạp, khó kiểm soát hơn. Các địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh gồm Hải Phòng, Lạng Sơn và Bắc Giang cũng ghi nhận các ca mắc mới.

Tại Quảng Ninh, ngoài 8 ca dương tính (3 ca nhiễm cộng đồng; 5 ca nhiễm nhập cảnh) phát hiện từ ngày 24/6 đến 26/6, đã trải qua 11 ngày chưa phát hiện ca dương tính mới.

Trong tuần qua, tỉnh Quảng Ninh duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đơn vị thực hiện xét nghiệm lấy mẫu, xét nghiệm 17.093 mẫu của học sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc với tổng số 1.516 người tại 28/56 đơn vị trong khu công nghiệp; thực hiện xét nghiệm tự nguyện cho 84.224 lượt người. Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát tại các chốt kiểm soát liên ngành đối với người, phương tiện vào tỉnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra xử lý người vi phạm quy trình phòng, chống dịch...

Chú thích ảnh

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay tại các địa phương trong cả nước, với biến chủng Delta Plus xuất hiện có khả năng lây lan nhanh, mạnh, Quảng Ninh đang có nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập do phải đối mặt với tình trạng di dân của người lao động, học sinh trở về từ các tỉnh dịch bệnh đang bùng phát.

Nhằm kiên quyết giữ vững địa bàn an toàn và thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã được tỉnh chỉ đạo tại các văn bản; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược siết chặt kiểm soát bên ngoài và duy trì hoạt động bên trong có kiểm soát.

Tại 9 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ vào tỉnh đều phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện theo đúng quy định của tỉnh, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 cho kết quả âm tính khi vào tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các địa phương nghiên cứu phương án thực hiện thí điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại 3 chốt kiểm soát dịch COVID-19 (chốt cầu Bạch Đằng, chốt cầu Đá Bạc và chốt tại Cổng tỉnh), từ việc bố trí nhân lực, phương tiện, địa điểm đặt xét nghiệm nhanh, điều tiết giao thông. Các địa phương cũng phải tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để kiểm soát các lịch trình di chuyển, điểm dừng, điểm cuối của các xe hàng hóa, xe container khi vào tỉnh.

Đối với các hoạt động nội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhanh chóng rà soát người dân từ TP Hồ Chí Minh đã vào tỉnh Quảng Ninh trong 7 ngày qua để nắm bắt tình hình sức khỏe, lịch trình và yêu cầu xét nghiệm nếu cần thiết.

Tiếp tục củng cố vai trò Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trên địa bàn tỉnh để kiểm soát người đến từ các vùng dịch về địa phương; yêu cầu bắt buộc khai báo bằng QR code tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tầm soát chủ động trên diện rộng nhằm ngăn chặn các nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Liên quan đến công tác cách ly, thực hiện nghiêm cách ly 21 ngày đối với người từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ vào tỉnh.

Sở Y tế tiếp tục làm tốt công tác tham mưu liên quan đến mua sắm vật tư y tế, vắc xin tiêm chủng; vật tư y tế phục vụ tiêm chủng. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo phát huy hiệu quả và có sự liên thông trong toàn quốc.

Công tác thông tin, truyền thông cần tăng cường hơn nữa để nâng cao ý thức của người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Cùng với tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh, cần tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ về các chính sách, các quy định kiểm soát dịch bệnh của tỉnh.

Chủ tịch UBND các địa phương nghiên cứu tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định 5K tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu đơn vị, cá nhân nào không chấp hành nghiêm, có chế tài xử lý nghiêm.

Để chung tay cùng với TP Hồ Chí Minh chống dịch, tỉnh sẽ cử lực lượng y tế để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các địa phương rà soát, tổng hợp lại năng lực cách ly để lên phương án cách ly khi có người trở về từ các tỉnh có dịch bệnh đang bùng phát.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm