01/08/2020 04:17 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông, vùng biển quần đảo Trường Sa có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.
Đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện mùa mưa, bão 2020
Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 94/TWPCTT gửi Bộ Công Thương về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện.
Theo đó, hiện nay đã bước vào giai đoạn chính vụ mùa mưa, bão năm 2020, đặc biệt dự báo mưa lũ lớn diện rộng đầu tháng 8, để chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho các công trình và hạ du hồ chứa thủy điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Chủ hồ thủy điện khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác an toàn đập, công trình điều tiết và các trang thiết bị phục vụ vận hành xả lũ, phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn; chuẩn bị mọi điều kiện để triển các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo…). đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị nêu trên kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống theo dõi giám sát phục vụ vận hành, điều tiết lũ như: các camera giám sát xả nước, thiết bị đo mực nước, lưu lượng tự động và thực hiện kết nối truyền dữ liệu về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương liên quan và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý kịp thời tình huống xảy ra, đặc biệt là sự cố gây mất an toàn.
*** Hồi 13 giờ ngày 31/7, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão, BÁO SỐ 2. Đến 13 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh. Vịnh Bắc Bộ, huyện đảo Bạch Long Vĩ từ ngày 1/8 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-4m, biển động mạnh. Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, huyện đảo Phú Quý có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2-4 mét.
Từ 13 giờ ngày 1/8 đến 13 giờ ngày 2/8, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, hướng vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo số liệu về các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận Việt Nam do NOAA (Tổng cục Hải Dương và Khí quyển Hoa Kỳ) ghi nhận, trong hơn 70 năm qua, thành phố Đà Nẵng (41 cơn bão) và tỉnh Khánh Hòa (32 cơn bão) có số lượng các cơn bão đi qua nhiều nhất. Tính trung bình, ở hai tỉnh này, mỗi năm có một cơn bão trực tiếp đi qua địa phận tỉnh. Mức độ cảnh báo của một cơn bão được định nghĩa bởi thuật ngữ Advisory do Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoa Kỳ soạn thảo.
Trong thang điểm hiện tại, mức độ cảnh báo được phân cấp từ 1-100, bão mạnh thường có mức cảnh báo từ 45-50. Theo đó, trong hơn 70 năm qua có thể thấy, thành phố Hải Phòng, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An luôn phải hứng chịu những cơn bão có mức độ cảnh báo rất cao. Trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng các thông tin về mức độ cảnh báo bão sẽ giúp các nhà hoạch định lựa chọn chính xác các nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương hơn, đặc biệt khả năng chống chịu gió mạnh và mưa lớn.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Trị và Tây Nguyên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các khu vực trên cả nước đang hứng chịu đợt mưa trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Khu vực Bắc Bộ từ đêm 1-5/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị từ ngày 1-3/8 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt. Các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm/đợt.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, huyện đảo Phú Quốc từ ngày 1-3/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100- 200 mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên 200-300 mm/đợt.
Mưa lớn kéo dài khiến trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7 m, hạ lưu từ 2-5 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao (sông Hồng), sông Hoàng Long, sông Bôi, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1- báo động 2, có nơi trên báo động 2. Các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 2- báo động 3. Hạ lưu các sông ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Riêng hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội và Phả Lại dưới báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Nguy cơ cao ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị và thành phố như: Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Việt Trì, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Dự báo thời tiết đêm 31/7 và ngày 1/8
Phía Tây Bắc Bộ có mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh đồng bằng và ven biển từ chiều 1/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C, riêng đồng bằng và ven biển 29-31 độ C.
Khu vực Hà Nội nhiều mây, có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; từ chiều 1/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, cao nhất 29-31 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, riêng Thanh Hóa đến Quảng Trị từ chiều 1/8 có mưa to đến rất to, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Phía Bắc gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3, phía Nam gió Tây đến Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, phía Nam có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông kèm nguy cơ xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ ở Tây Nguyên thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 27-30 độ C. Nhiệt độ ở Nam Bộ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất