5 năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô: Đau đầu nhất vẫn là bảo tồn di tích

05/08/2013 09:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, sự hội tụ của văn hóa Thăng Long, văn hóa Xứ Đoài và văn hóa Sơn Nam (vùng đất phía Nam Thăng Long từ thời Lê), văn hóa Hà Nội đã có một diện mạo mới.

Để nhìn lại những biến chuyển đã qua của văn hóa thủ đô sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, TT&VH có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội.

Tập trung cho “vùng đất mới”

* Khái quát một cách chung nhất, theo bà, 5 năm qua, văn hóa Hà Nội đổi thay như thế nào?

- Nhớ lại những ngày đầu, khi thực hiện Nghị quyết 15, trong chúng tôi có sự háo hức, xen lẫn lo ngại. Sau đó, những hoạt động văn hóa, thể thao và những tour du lịch chúng tôi tập trung phát triển mạnh về những “vùng đất mới” của thủ đô.

Chúng tôi không thể quên những buổi đầu khi nhân dân huyện Mê Linh được xem chiếu phim miễn phí. Những ánh mắt và gương mặt rạng ngời đã khiến chúng tôi rất vui khi xóa nhòa khoảng cách về việc hưởng thụ văn hóa. Và cứ thế, bộ mặt văn hóa thủ đô đã từng bước đổi thay trong suốt chặng đường 5 năm.

Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội
* Hà Nội mở rộng có cả những địa phương thuộc dạng “vùng sâu vùng xa”, vậy trong suốt 5 năm qua, chúng ta đã làm gì để khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa những địa phương này với người nội đô rút ngắn lại, thưa bà?

- Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hơn 400 xã làm nông nghiệp, gần 80% dân số thủ đô là nông dân. Và chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện đề án tham mưu cho UBND thành phố quy chế quản lý và đầu tư. Hy vọng năm 2014 sẽ được đầu tư bước đầu để mỗi một thôn làng, mỗi một xã sẽ có những thiết chế văn hóa, thể thao để khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trong thủ đô được rút ngắn lại.

Khó khăn vì quá nhiều di tích

* Sau chặng đường 5 năm, nhìn một cách công tâm nhất thì đâu là lĩnh vực văn hóa của Hà Nội mà những người quản lý văn hóa vẫn phải đau đầu?

- Một áp lực rất lớn mà chúng tôi nghĩ là thách thức chung của đất nước chúng ta đặt lên vai người quản lý văn hóa là sức ép trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Khối lượng di sản vật thể và phi vật thể rất khổng lồ đang đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Đầu tư không phải chỉ vật chất mà còn phải đầu tư cả tinh thần và trí lực trong việc chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị.

* Việc xếp chồng quá nhiều nếp văn hóa lên nhau chắc hẳn cũng tạo ra những khó khăn trong công tác quản lý. Vậy Sở đã làm gì để giải bài toán khó trên?

- Đây không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, nó đòi hỏi một khoảng thời gian đủ dài để giải quyết rốt ráo vấn đề. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ đặc thù, quy mô của từng di tích, tầng văn hóa để quản lý hiệu quả. Cùng với sự thống nhất chung trong chỉ đạo, UBND thành phố cũng phân cấp quản lý di sản. Điều này đã tạo ra sự chủ động trong bảo tồn và khai thác giá trị di tích ở những địa điểm khác nhau với những đặc thù khác nhau.

Trên địa bàn thủ đô hiện tại có hơn 5.000 di tích, nguồn kinh phí không đủ để bảo tồn như ý muốn. Nên chúng tôi đang tiến hành phân loại, đánh giá sự xuống cấp và sự cần thiết để có những ưu tiên trong tu bổ, bảo tồn di sản.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

“Chúng tôi không thể quên những buổi đầu khi nhân dân huyện Mê Linh được xem chiếu phim miễn phí. Những ánh mắt và gương mặt rạng ngời đã khiến chúng tôi rất vui về việc xóa nhòa khoảng cách về việc hưởng thụ văn hóa với thủ đô mới mở rộng” - Bà Lê Thị Tân Trang (Phó GĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội trao đổi với TT&VH).


Yên Khương- Mỹ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm