World Cup và vấn đề giới: Một hành trình dài đến bình đẳng

19/07/2023 08:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khẩu hiệu của World Cup nữ 2023 là "Beyond greatness", nghĩa là "Còn hơn cả vĩ đại". Sự vĩ đại ấy là gì và tại sao lại còn hơn vĩ đại? Một đồng nghiệp Mỹ nói với tôi rằng, phụ nữ chơi bóng đang biến giải đấu của họ thành một World Cup tuyệt vời là điều vĩ đại. Nhưng còn hơn vĩ đại là hướng đến việc thay đổi định kiến giới, điều không hề đơn giản.

Khi World Cup nữ đã cận kề và sự phát triển của bóng đá nữ đã lên một tầm cao mới, có một sự thật khó có thể phủ nhận: Phụ nữ tiếp tục phải đấu tranh bởi họ chưa hề đạt được điều muốn vươn tới.

Yêu bóng đá khác với yêu bóng đá nữ

Trường Đại học Stavanger (Na Uy) đã cho 600 người xem các đoạn băng ghi hình những trận đấu hay nhất của bóng đá nam và nữ. Kết quả: Người ta thích bóng đá nam hơn. Nhưng khi những người này được xem các hình ảnh cầu thủ nam và nữ với khuôn mặt bị làm mờ, do đó không thể phân biệt được giới, tỷ lệ này không còn thế nữa mà gần như tương đương. Kết luận: Việc biết được giới tính của các cầu thủ đã ảnh hưởng lên việc nhận xét về bóng đá của họ.

Một ví dụ khác từ quảng cáo đang rất nổi của hãng viễn thông Orange (Pháp). Nó bắt đầu một cách hoành tráng hệt như bất cứ quảng cáo thể thao bất kỳ nào, với hình ảnh phô diễn kỹ thuật của những ngôi sao có vẻ như Antoine Griezmann hay Kylian Mbappe. Dòng chữ trên màn hình: "Chỉ có đội Áo Lam mới đem lại những cảm xúc như thế. Nhưng không phải chúng ta vừa xem họ". Ở giữa đoạn clip dài 2 phút, người ta nhận ra đó là phim ghép, khi mặt của những ngôi sao trên được ghép vào cơ thể của những cầu thủ nữ nổi tiếng của Pháp, như Sakina Karchaoui hay Delphine Cascarino. Dòng chữ kết thúc: "Ở Orange, chúng tôi ủng hộ đội Áo Lam, nhưng cũng ủng hộ đội Áo Lam nữ". Quảng cáo được phát trước khi đội nữ Pháp lên đường dự World Cup 2023 và gây ấn tượng rất mạnh. Nó chỉ đơn giản dùng một chiêu thức cơ bản: Định kiến giới trong bóng đá.

Trên thực tế, những định kiến giới đã tồn tại trong bóng đá kể từ khi bóng đá hiện đại được chơi lần đầu ở thế kỷ 19. Khi ấy, bóng đá mặc định là của nam và những người phụ nữ mặc váy chưa có quyền đi bầu cử có nhiệm vụ chủ yếu là trong bếp và trên giường. Các World Cup nữ được coi như một hành trình lớn để dần xác lập vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trên sân cỏ. Và cứ mỗi 4 năm là một khẩu hiệu cho thấy FIFA cũng như chính các cầu thủ đang cố gắng phấn đấu. World Cup 2015: "Hướng tới mục tiêu lớn hơn". World Cup 2019: "Dám tỏa sáng". Và bây giờ, với "Còn hơn cả vĩ đại", bà Fatma Samoura, nguyên Tổng thư ký FIFA, nói rằng, FIFA muốn "bóng đá nữ phải chiếm được trái tim và tâm hồn của người hâm mộ bóng đá toàn thế giới".

Đó là ước mơ của họ và của những người phụ nữ đá bóng. Sẽ có 2 tỷ lượt khán giả theo dõi giải đấu này và World Cup này có một trọng trách lớn lao như bà Samour đã nói. Để được thế, nó phải đặc biệt hấp dẫn và kịch tính đến tận cùng, thậm chí có thể phải hơn những gì ta đã thấy ở trận chung kết World Cup 2022 ở Qatar.

World Cup và vấn đề giới: Một hành trình dài đến bình đẳng - Ảnh 1.

Đội tuyển nữ Mỹ giương cao ngọn cờ đòi quyền bình đẳng trong bóng đá

 Hành trình dài đến bình đẳng

Khi Mỹ đăng quang ở World Cup 2019, trong lễ ăn mừng, họ đã hô vang "Equal Pay" (trả thù lao bằng nhau). Đó là lúc họ đang theo đuổi cuộc chiến đòi LĐBĐ Mỹ (USSF) phải trả thù lao cho họ ngang bằng với các tuyển thủ nam. Tháng 2/2022, cuộc chiến ấy thành công khi USSF chấp thuận. Chiến thắng ấy mở đường cho những cuộc đấu tranh của các nữ cầu thủ Canada và Australia. FIFA cũng tuyên bố sẽ trả thù lao tương đương giữa các cầu thủ nam và nữ kể từ World Cup nam 2026 và World Cup nữ 2027. Nhưng hành trình để đạt được sự bình đẳng cũng như đi vào tim người hâm mộ, vì rất nhiều những lý do khác nhau, còn có định kiến giới, còn rất dài và gian nan.

Đã từng có một bộ phim đình đám về một cô gái gốc Ấn Độ, vì mê David Beckham và những bàn thắng của anh quá mà dán ảnh anh đầy tường nhà. Tình yêu ấy đưa cô đến sân bóng, trở thành một cầu thủ và thỏa ước mơ của đời mình. "Bend it like Beckham" (Đá bóng vòng cung như Beckham) trở thành một tuyên ngôn, một bộ phim biểu tượng về việc các cầu thủ nổi tiếng (và đẹp trai) trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho một thế hệ các cô gái xỏ giày và đá bóng. Có rất nhiều phim truyện khác về các cô gái đá bóng, nhưng đa phần là các phim hài nhẹ hoặc chủ yếu nói về việc các cô gái đã vượt qua sự chế giễu của các bạn nam để vươn tới thực hiện ước mơ của mình. Có cả những cảnh về việc đội bóng nữ đã thắng đội bóng nam ra sao. Các phim ấy chỉ đơn giản thể hiện những gì đã và đang xảy ra trong thế giới hiện tại.

Đến bao giờ mới có một bộ phim về bóng đá nữ, mà người ta đến rạp không phải vì vẻ đẹp của các diễn viên biết đá bóng, mà vì chính thứ bóng đá mà họ chơi? 


Trương Anh Ngọc (phóng viên TTXVN tại Auckland, New Zealand)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm