World Cup trên sân nhà: Hãy cổ vũ cho khát vọng châu Á

29/11/2022 06:01 GMT+7 | World Cup 2022

Rất khó để đội bóng châu Á nào đó lập lại kỳ tích vào đến bán kết như Hàn Quốc của 20 năm về trước. Vì thế, ở VCK World Cup 2022, người hâm mộ chỉ cần các đại diện của châu Á tỏa sáng, có những chiến thắng "để đời", truyền cảm hứng cho cả châu lục trong cuộc trường chinh hội nhập với bóng đá thế giới.

1. Thực tế ở những trận đấu đã qua, các đội bóng châu Á đều thể hiện được gương mặt tươi tắn. 

Trận thắng của Saudi Arabia trước Argentina làm cho Messi cùng đồng đội "mướt mồ hôi" với mục tiêu giành vé đi tiếp. Trong khi đó, Nhật Bản cũng khiến đội tuyển Đức đứng trước nguy cơ ra về sau vòng bảng.

Người ta nói "trật tự" của bóng đá thế giới dường như bị đảo lộn, ít nhất ở những trận đấu cụ thể như thế cũng không sai.

Tuy vậy, các đội bóng châu Á không thể duy trì được mạch thắng cho những trận đấu tiếp theo. Ở lượt trận thứ 2 vòng bảng,  Saudi Arabia "hụt hơi" trước Ba Lan, cùng lúc Nhật Bản "trở lại mặt đất" sau trận thua Costa Rica.

Ở chiều ngược lại, Iran đã chơi tưng bừng để thắng được Xứ Wales, còn Australia vượt qua Tunisia để nuôi hy vọng đi tiếp. Từ những trận đấu như thế sẽ thấy rằng không phải dễ dàng cho chuyện có được vé vào vòng 16 đội cho các đại diện châu Á.

Vậy căn nguyên đến từ đâu, khiến những ĐTQG Saudi Arabia Nhật Bản phải khó khăn lắm mới có được 3 điểm hôm trước, hôm sau đã phải nhận những trận thua dưới cơ? 

Rồi ngoài chủ nhà Qatar đã sớm bị loại, những đội bóng châu Á còn lại có bao nhiêu phần trăm hy vọng giành vé đi tiếp?

Với những cảm nhận của mình, HLV Hoàng Văn Phúc cho rằng đẳng cấp chính là điều còn thiếu với các đội bóng châu Á ở sân chơi World Cup: "Chúng ta vui mừng, hoan hô, đánh giá cao những gì Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran, Australia đã làm được như thế. Đó là chiến thắng thuyết phục, xứng đáng dành cho họ.

Tuy nhiên, chỉ ở một trận đấu cụ thể mà thôi, còn để đá tốt, giữ phong độ cao, ổn định suốt cả 3 trận vòng bảng, thật khó cho các đội bóng châu Á. 

Đơn giản, nhìn toàn diện vấn đề, đẳng cấp chính là sự khác biệt lớn nhất của bóng đá châu Á so với châu Âu, Nam Mỹ tại đấu trường danh giá World Cup. Có thể trong một trận đấu cụ thể, các cầu thủ Saudi Arabia, Nhật Bản dồn hết tinh lực, những gì tốt nhất của mình vào đó từ chuyên môn cho đến tinh thần để chơi một trận "ra trò".

Cùng với đó, đấu pháp hợp lý, có những biến chuyển về lối chơi mang tính thời điểm, cộng thêm một chút may mắn đã giúp họ giành thắng lợi".

HLV Hoàng Văn Phúc cho rằng khi năng lực cầu thủ chỉ chừng đó, đội hình chưa ở mức đồng đều nhất, việc có ít ngôi sao và ít những cầu thủ "chinh chiến" tại châu Âu như Nam Mỹ hay châu Phi sẽ khiến các đội bóng châu Á có phần "ngợp" trước những trận đấu quyết định: "Chẳng hạn như đội tuyển Nhật Bản, xét trên lý thuyết, ai cũng nghĩ họ sẽ thắng được Costa Rica và có tấm vé vào vòng trong. Nhưng rồi, ở thời khắc quyết định, Nhật Bản đã "hụt hơi" so với chính mình khi không duy trì được phong độ, sức ép.

Có thể khi đá với đội tuyển Đức, các cầu thủ Nhật Bản dễ chơi, thoải mái mà chơi với tâm thế "cửa dưới". Lúc đó, họ chủ động đá phòng ngự phản công và ứng biến theo tình thế trên sân.

Ngược lại, gặp Costa Rica, đội tuyển Nhật Bản ở vai "kèo trên" sẽ rất khó đá bởi không có mảng miếng để chơi linh hoạt, đa dạng với tư thế đó. Khác với trận thắng Đức, Nhật Bản ở trận này thiếu hẳn sự sắc sảo để biến cơ hội thành bàn thắng.

World Cup trên sân nhà: Hãy cổ vũ cho khát vọng châu Á - Ảnh 1.

Đội tuyển Nhật Bản (trái) thắng được đội tuyển Đức nhưng lại bất ngờ để thua đội tuyển Costa Rica (phải), khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bị loại ngay sau vòng bảng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tấn công ồ ạt nhưng không thể ghi bàn, từ sai lầm hàng thủ, Nhật Bản nhận đòn "hồi mã thương" của Costa Rica ở thời điểm cuối trận".

2. Iran và Australia đã nhanh chóng "rũ bùn" đứng dậy ở lượt trận thứ 2. Iran đã thắng ngọt đội tuyển Xứ Wales với tỷ số 2-0. Khác với một Iran "run rẩy" trước đội tuyển Anh, đại diện châu Á đã lột xác hoàn toàn khi gặp Xứ Wales, tạo ra một thế trận lấn lướt để rồi kết liễu đối thủ bằng 2 bàn thắng ở những phút bù giừ.

Đến lượt Australia, dù có trận mở màn không thành công khi để thua nhà ĐKVĐ Pháp 1-4, nhưng nhanh chóng đứng dậy, Australia đã có chiến thắng 1-0 trước Tunisia và đó cũng là chiến thắng thứ 4 của một đội bóng châu Á, chạm tới cột mốc đã được thiết lập trước đó tại vòng loại của các kỳ World Cup 2002, 2010 và 2018.

Tựu trung lại với với những gì thể hiện cho đến lúc này tại World Cup 2022, bóng đá châu Á hoàn toàn có thể tự hào với những trận thắng "huy hoàng" trước những "ông lớn" của bóng đá thế giới.

Cơ hội đi tiếp vẫn mở ra dành cho cả 5 đội tuyển Iran, Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc ở lượt trận cuối cùng. Câu chuyện đặt ra ở đây là họ có đủ năng lực để tận dụng cơ hội đó hay không?

HLV Hoàng Văn Phúc nhìn nhận rằng trận thua trước Costa Rica có thể dập tắt hy vọng đi tiếp của đội tuyển Nhật Bản: "Đáng lo hơn, họ đang đối mặt nguy cơ bị loại từ vòng bảng bởi ở trận cuối phải gặp Tây Ban Nha.

Giữa lúc niềm hưng phấn của người hâm mộ châu Á lên cao nhất thì "Samurai xanh" lại cắt mạch cảm xúc của người yêu bóng đá châu Á. Trận thua của Nhật Bản như dội một "gáo nước lạnh" vào sự hưng phấn đang lên cao độ của người hâm mộ. Bởi lẽ, đây là kỳ World Cup các đại diện châu Á nỗ lực chứng minh rằng họ không phải là "kẻ lót đường".

Trong khi đó, HLV Hoàng Văn Phúc cho rằng cơ hội để Iran đi tiếp là 50/50: "Đánh bại và nhiều khả năng sẽ tiễn luôn Xứ Wales về nước, đội tuyển số 1 châu Á Iran có quyền tự quyết ở trận đấu với đội tuyển Mỹ. Tuy nhiên, phong độ của đội tuyển Mỹ đang lên sau khi cầm hòa đội tuyển Anh. Sẽ không dễ để Iran có được 3 điểm để giành vé đi tiếp.

Đội tuyển Australia cũng có 3 điểm đầu tiên khi hoàn toàn lấn lướt trước đại diện châu Phi Tunisia, để qua đó thắp sáng hy vọng trong cuộc cạnh tranh chiếc vé nhì bảng D sau Pháp (lượt cuối chỉ cần thắng Đan Mạch hoặc hòa và Tunisia không thắng Pháp). Lý thuyết là vậy nhưng tôi cho rằng "cửa" đi tiếp của Australia không sáng lắm". 

HLV Hoàng Văn Phúc nói rằng một vài bất ngờ có thể xảy đến từ vòng bảng nhưng càng vào sâu, trật tự cũ sẽ được thiết lập lại. Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran hay các đội bóng trung bình của châu Phi, Nam Mỹ đã và đang "rải quân" để "chinh chiến" ở châu Âu, đó chính là gốc rễ của thành công bước đầu nơi các đội bóng này: "Hiện đã có rất nhiều cầu thủ châu Á thành danh ở các CLB châu Âu. Đấy là những người "đi mở cõi". Bóng đá châu Á sẽ dần tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao trình độ, thiết lập đẳng cấp từ những tiêu chí cốt lõi như thế qua mỗi mùa World Cup".

Ngay cả các quốc gia từng nhiều lần tham dự World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran cũng còn bị "ngộp thở". Thành tích tốt nhất của bóng đá châu Á là việc Hàn Quốc lọt đến bán kết World Cup 2002. Nhưng đấy là năm mà Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng chủ nhà đăng cai, vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi. Kể từ đó, các đại biểu châu Á xác lập được vị thế "ngựa ô" đã là hiếm.

Về cơ bản, bóng đá châu lục cũng đã có sự phát triển đáng ghi nhận, cần sự kiên nhẫn, bền bỉ phấn đấu. Chỉ lưu ý rằng, đoạt vé dự World Cup và chơi hiên ngang, sòng phẳng ở đấu trường này là hai vấn đề khác nhau. Vậy nên, hãy tiếp tục ghi nhận, trận trọng và cổ vũ cho những khát vọng của họ, cũng là khát vọng của bóng đá châu Á.


Trần Tuấn (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm