World Cup của tiền, tiền và rất nhiều tiền

09/11/2022 09:51 GMT+7 | World Cup 2022

Lịch thi đấu |  Kết quả | Bảng xếp hạng

Khi một quốc gia đăng cai VCK World Cup, chi phí đầu tư luôn là vấn đề được nói đến nhiều nhất. Có điều, ở một nước như Qatar, đây không phải là vấn đề của họ, nếu không muốn nói họ vui mừng khi có thể bỏ ra nhiều tiền để tạo nên kỳ World Cup 2022 đáng nhớ và tốn kém nhất trong lịch sử.

Năm 2010, FIFA thông báo rằng màn trình diễn bóng đá lớn nhất thế giới sẽ lần đầu tiên xuất hiện trên đất Trung Đông. Kể từ đó, World Cup 2022 chìm trong tranh cãi. Từ những cáo buộc hối lộ và lạm dụng nhân quyền đến những lo ngại về ngân sách, giải đấu đã khiến nhiều người chỉ trích FIFA về việc tại sao lại có thể trao quyền đăng cai cho Qatar với một loạt vấn đề như vậy.

Còn Qatar, họ mô tả việc vận động đăng cai lên FIFA như là một "canh bạc mạo hiểm" nhằm đưa bóng đá thế giới đến với quốc gia vùng Vịnh. Vấn đề ở đây là canh bạc đó được bảo lãnh bởi gói cơ sở hạ tầng ước tính hơn 200 tỉ USD, vào thời điểm đó, được coi là quan trọng đối với lợi ích quốc gia và các mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Trước đó một chút, năm 2008, Qatar đã công bố dự án Tầm nhìn Quốc gia Qatar, nhằm xây dựng đất nước trở thành một "xã hội tiên tiến có khả năng duy trì sự phát triển và cung cấp mức sống cao cho người dân". Và một trong những nền tảng chính cho tương lai này sẽ là thể thao.

Kể từ đó, Qatar đã vận động thành công để đăng cai cả ASIAN Cup 2011 và Đại hội thể thao Arab. Họ cũng làm cho sự hiện diện của mình được cảm nhận trong bóng đá châu Âu. Qatar Airways đã trả 163 triệu USD để tài trợ trang phục thi đấu của Barcelona vào năm 2010 và các khoản đầu tư trực tiếp vào Paris Saint-Germain thông qua Qatari Travel Authority với tổng số hơn 1,08 tỉ USD.

200 tỉ USD - World Cup 2022 tốn kém nhất

Khi một quốc gia giành quyền đăng cai tổ chức một sự kiện thể thao lớn như Olympic hay World Cup, chi phí hầu như luôn là một vấn đề. Điều này áp dụng cho các tình huống có cơ sở hạ tầng quan trọng hiện có và thậm chí còn hơn thế nữa khi yêu cầu xây dựng đáng kể.

Dưới đây là chi phí cho World Cup kể từ khi một quốc gia lớn như Mỹ đăng cai tổ chức vào năm 1994:

QUỐC GIA

CHI PHÍ

Mỹ 1994

0,5 tỉ USD

Pháp 1998

2,3 tỉ USD

Nhật Bản 2002

 7 tỉ USD

Đức 2006

4,3 tỉ USD

Nam Phi 2010

3,6 tỉ USD

Brazil 2014

15 tỉ USD

Nga 2018

11,6 tỉ USD

Qatar 2022

220 tỉ USD

Chi phí liên quan đến các SVĐ mới của Qatar đã được báo cáo trong khoảng 6,5 tỉ đến 10 tỉ USD - một mức tăng đáng kể so với 4 tỉ USD được đề xuất khi vận động xin đăng cai. Tuy vậy, con số trên vẫn là rất nhỏ so với dự toán khoảng 210 tỉ USD. Phần lớn chi phí cơ sở hạ tầng cho World Cup là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Qatar 2030: Xây dựng một trung tâm đổi mới với các khách sạn, phương tiện giao thông ngầm phức tạp, sân bóng và sân bay. Vì thế, mặc dù World Cup đã thúc đẩy các dự án này, tất cả phần lớn là các khoản đầu tư cho dài hạn.

World Cup của tiền, tiền và rất nhiều tiền - Ảnh 2.

 440 triệu USD - Tiền thưởng World Cup 2022 nhiều nhất lịch sử

World Cup lớn nhất, World Cup tốn kém nhất thì đương nhiên, Qatar 2022 cũng phải là World Cup có giá trị tiền thưởng tương xứng. Theo đó, FIFA đã phân bổ 440 triệu USD tiền thưởng cho World Cup 2022 tại Qatar. Con số này tăng 40 triệu USD so với giải đấu năm 2018, trong khi chỉ có 358 triệu USD tiền thưởng được đưa ra tại World Cup 2014 ở Brazil.

Mặc dù đây là một khoản tiền rất lớn, nhưng FIFA có ngân sách doanh thu là 4,6 tỉ USD vào năm 2022, trong đó bản quyền phát sóng đã có trị giá tới 2,6 tỉ USD. Nhờ đó thì hồi tháng 4 vừa qua, FIFA xác nhận rằng, nhà vô địch World Cup 2022 sẽ nhận được số tiền thưởng kỉ lục 42 triệu USD (á quân là 30 triệu USD). Con số này tăng 4 triệu USD so với năm 2018 và tiếp tục xu hướng chứng kiến các gói tiền thưởng dành cho đội chiến thắng tăng ồ ạt trong 40 năm qua.

Nên nói thêm là trước năm 2006, các đội vô địch World Cup không bao giờ bỏ túi nhiều hơn 10 triệu USD, trong đó nhà vô địch năm 1982 là Italy thậm chí chỉ nhận số tiền ước tính là 2,2 triệu USD cho những nỗ lực của họ.

Dù sao thì năm 2002, đã có một sự thúc đẩy lớn từ các đội tuyển để FIFA tăng tiền thưởng theo đề nghị và với việc doanh thu từ World Cup ngày càng tăng đã đảm bảo khoản lợi nhuận đó được chuyển giao cho các đội vô địch kể từ đó.

TIỀN THƯỞNG CHO ĐỘI VÔ ĐỊCH WORLD CUP

2022

42 triệu USD

2018

38 triệu USD

2014

35 triệu USD

2010

30 triệu USD

2006

20 triệu USD

2002

08 triệu USD

1998

06 triệu USD

1994

04 triệu USD

1990

3,5 triệu USD

1986

2,8 triệu USD

1982

2,2 triệu USD

1.600 USD cho vé chung kết World Cup - Đắt nhất lịch sử

World Cup 2022 khai mạc ngày 20/11 với trận đấu giữa chủ nhà Qatar và Ecuador trên sân vận động Al Bayt. Trận chung kết - trận đấu thứ 64 của giải - sẽ diễn ra vào ngày 18/12 tại sân vận động Lusail ở Doha.

Nói về vé, Qatar đã cung cấp vé ở nhiều hạng mục khác nhau cho người hâm mộ. Loại 1 là chỗ ngồi có giá cao nhất, ở những khu vực đắc địa trong sân. Vé loại 4 được dành cho cư dân Qatar, bao gồm cả công dân Qatar và những người có giấy phép lao động. Ngoài ra, vé Hỗ trợ tiếp cận đã được cung cấp cho những người hâm mộ ngồi trên xe lăn hoặc có vấn đề về di chuyển.

Vé đắt nhất dành cho chỗ ngồi loại 1 tại trận chung kết, có giá 5.850 rials Qatar (tương đương 1.600 USD). Để so sánh, giá vé đắt nhất tại kì World Cup trước ở Nga là 1.100 USD cho trận chung kết.

Cụ thể hơn, vé trận khai mạc có các loại từ 2.250 rials Qatar (khoảng 617 USD) đến thấp nhất là 54 USD. Vé các bảng khác từ 220 USD đến thấp nhất là 10 USD. Vé vòng 1/8 từ 275 USD đến thấp nhất là 19 USD. Vé vòng tứ kết từ 425 USD đến thấp nhất là 82 USD. Vé bán kết từ 955 USD đến thấp nhất 137 USD. Vé tranh hạng ba từ 425 USD đến thấp nhất 82 USD.

* 20.000 USD mỗi người - World Cup đắt nhất với người hâm mộ

Được đến World Cup để xem đội tuyển của họ đấu với những đội bóng xuất sắc nhất thế giới là giấc mơ của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những người hâm mộ bóng đá. Tuy nhiên, giấc mơ đó sẽ nằm ngoài khả năng của nhiều người trong năm nay, vì World Cup ở Qatar sẽ là giải đấu đắt giá nhất từ trước đến nay đối với các du khách tiềm năng. Theo nghiên cứu từ công ty dịch vụ tài chính Conotoxia của Ba Lan, không chỉ vé xem các trận đấu ở Qatar đắt nhất trong lịch sử World Cup mà giá cả đi lại và ăn ở cũng cao ngất ngưởng.

Ngoài vé, Conotoxia ước tính rằng chuyến đi 10 ngày rẻ nhất đến Doha trong thời gian diễn ra giải đấu gồm vé máy bay, chỗ ở, thuê xe và tiền ăn uống sẽ có giá 5.400 USD. Hay một nghiên cứu riêng biệt của Hull Financial Planning cho biết người hâm mộ nên dành 9.600 USD mỗi người cho một chuyến đi tương tự. Tuy nhiên, với việc các chuyến bay và chỗ ở nhanh chóng được bán hết, mức giá đó có thể cao hơn nhiều, đặc biệt nếu người hâm mộ muốn tham dự các trận đấu sau vòng bảng.

Theo Booking.com, thời gian lưu trú 7 ngày tại Doha với các chuyến bay từ New York, Mỹ trong tuần thứ ba của giải đấu có giá từ 4.600 đến 18.500 USD / người. Đó là chưa tính tiền vé trận đấu và tiền chi tiêu. Qatar Airways cũng đang cung cấp các gói hạng sang bao gồm chuyến bay, chỗ ở và vé trận đấu. Giá khởi điểm là 3.500 USD / người nhưng có thể lên tới 7.000 USD.

Được biết, chỗ ở rẻ nhất cho người hâm mộ trong thời gian diễn ra giải đấu là tại ngôi làng dành cho người hâm mộ, nơi có những chiếc cổng có phòng tắm riêng tạm thời dành cho hai người, có giá khoảng 200 USD một đêm. Tuy nhiên, một lần nữa, hầu hết các ngày đều đã được bán hết.

Nếu chưa đủ, liệu người hâm mộ có sẵn sàng bỏ ra chừng này tiền cho mỗi ngày ở Qatar: Bia 330ml trung bình sẽ có giá 11,25 USD nếu như có thể tìm thấy địa điểm bán. Một số sẽ có giá từ 9,61 USD tại một cửa hàng đóng chai đến 13,52 USD trong quán bar khách sạn. Hay một cốc capuccino bình thường sẽ có giá 4,75 USD và một bữa trưa tự chọn tại một nhà hàng giá cả phải chăng sẽ có giá khoảng 9,77 USD… 

  

Mạnh Hào

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm