Ván cờ siêu cân não của van Gaal và Sabella

11/07/2014 07:11 GMT+7 | Bán kết

(Thethaovanhoa.vn) - Đó tất nhiên là một trận đấu không mang tới nhiều cảm xúc như trận Brazil-Đức đã diễn ra trước 1 ngày.

Thất bại 1-7 của đội chủ nhà đã nhấn chìm cả thế giới bóng đá trong sự hưng phấn, niềm vui không tưởng với những người yêu Đức và sự cay đắng, nỗi buồn bất tận với Brazil. Đó cũng là một cơn mưa bàn thắng, với rất nhiều bàn đẹp mắt.

Một bài thuyết trình chiến thuật xuất sắc

Cuộc đọ sức giữa Hà Lan và Argentina ở Sao Paulo kết thúc với 120 phút mà khán giả không được chứng kiến bàn thắng nào, với một thế trận chặt chẽ cực kỳ khó chịu, nhưng một trận hòa 0-0 cũng có vẻ đẹp riêng của nó.

Trận chiến cân não giữa hai HLV Louis van Gaal và Alejandro Sabella không sôi động và kịch tính, nhưng đã diễn ra như một bài thuyết trình về chiến thuật bóng đá. Từng cầu thủ trên sân thật sự là những quân cờ trong một ván cờ chặt chẽ giữa hai siêu đại kiện tướng mà kết quả cuối cùng chính là một thế trận bế tắc, khi không ai có thể vượt hẳn lên so với người kia.

Những tính toán chiến lược về khoảng trống, vị trí của các tiền vệ, kèm người và các pha phản công sẽ khiến những ai theo dõi kỹ Argentina nhớ lại trận thắng Colombia 2-1 ngay tại Barranquilla hồi tháng 11/2011, khi vòng loại World Cup ở khu vực Nam Mỹ chỉ mới bắt đầu.

Chiến thắng đó được coi là cột mốc giúp Sabella xoay chuyển tình hình ở đội bóng áo sọc trắng-xanh sau 2 trận tệ hại thua Venezuela và bị Bolivia cầm chân ngay trên sân nhà. Colombia chơi không khác nhiều so với những gì họ đã thể hiện ở Brazil, tốc độ, gây sức ép liên tục và các pha phản công cực kỳ lợi hại, nhưng Sabella đã đảm bảo để đội bóng của ông giữ được cự ly đội hình, lấp đầy các khoảng trống và bẻ gẫy những nỗ lực ra đòn chớp nhoáng của đối phương, như Argentina đã làm với Hà Lan tối qua.

Và Van Gaal cũng không thua kém. Với quyết định rút Bruno Martins Indi ra thay bằng Daryl Jamaat sau hiệp 1, đồng thời giữ nguyên sơ đồ 3-5-2 mà phần lớn trận đấu vận hành như 5-3-2, ông đã khép chặt mọi ngả đường vào khung thành Hà Lan, dù trong 45 phút đầu đội bóng áo cam đã tỏ ra thất thế.

Cả hai đội chỉ muốn “dìu” nhau đến chấm phạt đền

Trong suốt 120 phút ở Sao Paulo, chỉ có 3 tình huống đáng gọi là cơ hội rõ ràng, bao gồm quả đá phạt của Lionel Messi trong hiệp 1. Đó là một ván cờ bóng đá thật sự, khi 2 HLV coi những cầu thủ trên sân chỉ đơn thuần là những người triển khai ý tưởng của họ. Argentina và Hà Lan chưa từng thiếu những cầu thủ chơi đầy ngẫu hứng mà mệnh lệnh của các HLV chỉ “mang tính tham khảo”.

Trong đội hình hiện giờ của Argentina ít nhất có Ezequiel Lavezzi, Angel Di Maria (tiếc là anh vắng mặt), và tất nhiên, Messi. Còn Hà Lan là Robin van Persie, Arjen Robben và Wesley Sneijder. Nhưng tất cả những cá nhân đó đã phục tùng các cá tính lớn hơn, Sabella và Van Gaal, để rồi cả Sneijder và Messi đều chơi như những tiền vệ trung tâm thuần túy, chứ không phải kiến tạo.

Cả hai đội rất kiên nhẫn và thận trọng, ngay cả khi có bóng. Những pha tấn công của Hà Lan hiếm khi nào có sự tham gia của nhiều hơn 4 người, trong khi Argentina, có phần chủ động hơn ở đầu trận, cũng không dâng quá cao bởi họ hiểu một pha phản công dưới sự lĩnh xướng của Robben có thể nguy hiểm thế nào. Điều đó giải thích tại sao cả hai có tới 15 cú sút từ ngoài vòng cấm địa (8 bên phía Argentina và 7 cho Hà Lan).

Những cuộc chiến tay đôi gay cấn diễn ra liên tục khắp trên sân, cũng giống như 16 quân tốt đối đầu trên bàn cờ vua: Sneijder và Lucas Biglia, Georginio Wijnaldum và Javier Mascherano, Nigel De Jong và Messi, Lavezzi và Daley Blind, Dirk Kuyt và Enzo Perez. Khu trung tuyến ngập người và nhất cử nhất động của các cầu thủ tham gia vào cuộc chiến đó đều không thoát ra được cả một mạng lưới những tính toán chiến thuật của hai người chơi cờ ngồi trên băng ghế chỉ đạo.

Dễ hiểu vì sao một trận đấu như vậy lại kết thúc trên chấm luân lưu.

1 Hà Lan chỉ tung ra đúng một cú sút trúng đích về phía Argentina (không tính… đá penalty!), điều chưa từng xảy ra tính từ năm World Cup 1966 đến nay.

2 Chỉ có một đội bóng từng thắng 2 loạt đấu súng trong cùng một kỳ World Cup, và đó chính là Argentina năm 1990.

71 Hà Lan đã thua 5 trong tổng số 7 lần giải quyết thắng thua trên chấm luân lưu họ tham dự ở World Cup và EURO, tỉ lệ thất bại lên đến 71%.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm