Nước Nga và bài toán 'hậu World Cup'

16/07/2018 17:25 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng và cải tạo các sân vận động, nước Nga đã thành công trong việc tổ chức World Cup 2018. Nhưng câu chuyện gì sẽ xảy ra khi trái bóng Telstar ngừng lăn trên xứ sở Bạch dương, đó vẫn là một dấu hỏi lớn.

Bài học từ những quốc gia đi trước, như Hy Lạp với Olympic 2004, Bồ Đào Nha với EURO 2004 hay mới nhất là Brazil với World Cup 2014 và Olympic 2016, vẫn còn đó. Ngay tại nước Nga, Olympic mùa Đông ở Sochi năm 2014 cũng đã đặt ra những bài toán thực tế về việc sử dụng hiệu quả các công trình thể thao sau các sự kiện lớn.

Sochi, thành phố nghỉ dưỡng ven bờ Biển Đen với vỏn vẹn khoảng 350 nghìn dân, đang có một sân vận động sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, và được cơi nới thành 47.000 chỗ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu World Cup của FIFA. Bên cạnh đó là hàng loạt nhà thi đấu phục vụ cho các môn thi ở Olympic mùa Đông, tất cả nằm trong quần thể Công viên Olympic rộng tới hơn 200 hec-ta.

Tuy nhiên, mỗi năm nơi đây chỉ tổ chức vài trận bóng đá, một vòng đua Công thức một, vài sự kiện văn hóa - nghệ thuật, còn lại đóng cửa im lìm. Công viên Olympic trở thành một địa điểm tham quan miễn phí cho du khách, nơi kinh doanh dịch xe điện và đạp xe, thả bộ đi dạo của người dân. Những điều này không phải là công năng chính của các công trình thi đấu thể thao.

Trong khi đó, thành phố vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu USD mỗi năm để duy tu, bảo dưỡng. Bài toán kinh tế hậu sự kiện trở thành một gánh nặng không nhỏ với Sochi, và điều đó cũng có thể xảy ra với nhiều nơi khác, như Saransk với chưa đầy 300.000 dân và mức thu nhập trung bình còn rất thấp. Sân vận động sức chứa 44.000 chỗ với kinh phí đầu tư 260 triệu USD sẽ trở thành sân nhà của một câu lạc bộ ở giải hạng Nhì của Nga.

World Cup 2018 thiếu dấu ấn cá nhân: Những ngôi sao lạc loài ở nước Nga

World Cup 2018 thiếu dấu ấn cá nhân: Những ngôi sao lạc loài ở nước Nga

World Cup đã không còn chỗ cho những ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Leo Messi hay Neymar Jr, bởi vì tài năng của họ đã quá nhỏ bé trước những tập thể đã được định hình để giành chiến thắng.

Kinh phí duy trì hoạt động của sân vào khoảng ba đến bốn trăm nghìn USD mỗi năm sẽ là một gánh nặng với thành phố Saransk, nơi người dân chỉ có thu nhập trung bình 240 USD mỗi tháng, khi ngân sách liên bang ngừng đài thọ sau hai đến ba năm nữa.

“Nước Nga sẽ không để xảy ra tình trạng mà Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo là các sân vận động biến thành những cái chợ. Nhờ hiệu ứng tích cực và cảm xúc thăng hoa từ World Cup, mối quan tâm đến nền thể thao nói chung và bóng đá nói riêng sẽ tăng lên. Sau World Cup các sân vận động sẽ được sử dụng cho các giải đấu địa phương”, Tiến sĩ Tatyana Sokolova thuộc Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga khẳng định với phóng viên TTXVN trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Bà Sokolova cũng cho rằng, các sân vận động có thể sử dụng không chỉ cho các hoạt động thể thao, mà các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các chương trình biểu diễn lớn. Điều đó cũng mang lại hiệu quả cho phát triển văn hóa khu vực, và đóng vai trò quan trọng trong nâng cao vai trò của thể thao đối với thanh niên. Như vậy, hiệu quả xã hội, chính trị sẽ đến trước, còn hiệu quả kinh tế sẽ đến sau, và dài hạn.

Nếu thực tế diễn ra như quan điểm lạc quan của bà Sokolova, thì nước Nga thực sự sẽ có một World Cup thành công trọn vẹn. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới kiểm chứng được điều này.

Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm