13/06/2018 09:06 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Đối với không ít người, đấy là một giải đấu trong mơ. Người ta luôn phải đợi chờ suốt 4 năm đằng đẵng, để rồi chỉ trong một tháng, lại sống trong nhịp bóng lăn cùng bao cảm xúc. Vui, buồn, đau đớn, thất vọng, hoặc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Đôi khi, chìm trong giải đấu cũng là cách để quên đi những điều phiền muộn trong cuộc đời.
Messi nghĩ gì trước khi trái bóng World Cup sắp lăn, khi anh bước vào tuổi 31 và có thể đấy sẽ là giải đấu lớn cấp thế giới cuối cùng trong sự nghiệp của anh? Thật khó quên cái nhìn đầy ám ảnh của Messi vào chiếc Cúp vàng khi anh và các đồng đội thất trận chung kết World Cup 2014 đi qua, trước khi chứng kiến người Đức giơ cao nó trong một đêm đầy ánh sáng. Số 10 ấy đã trải qua mọi đắng cay với màu áo xanh-trắng, và vươn tới chiến thắng ở World Cup này không chỉ là khát vọng của riêng anh, mà còn của cả một quốc gia hầu như World Cup nào cũng ca bài “Don’t cry for me, Argentina”.
Cristiano Ronaldo mơ thấy gì trong đêm trước World Cup? Những bàn thắng sẽ đến với anh, sau chỉ 3 bàn anh ghi được trong 3 giải World Cup đã góp mặt? Một niềm sung sướng trào dâng với chiếc Cúp vô địch thế giới được anh giơ lên trên tay trong đêm chung kết ở Moskva sau đây tròn một tháng? Đấy chính là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp cầu thủ đầy rẫy những danh hiệu cá nhân và CLB, nhưng không thành công lắm ở đội tuyển, nơi người ta coi anh như một huyền thoại sống và đã có đóng góp lớn lao trong hành trình chinh phục EURO 2016, dù trên thực tế, anh đã đau đớn rời sân trong nước mắt từ giữa hiệp 1 trận chung kết ấy. Ở tuổi 33, Ronaldo không còn nhiều thời gian trước mắt nữa, và một tháng World Cup này hoặc có thể sẽ là bản anh hùng ca của người con của đảo Madeira, hoặc sẽ tiếp tục là một bản án khẳng định rằng, anh không có duyên với sân khấu lớn này.
Và nữa, Andres Iniesta, chắc chắn cũng sẽ chơi giải World Cup cuối cùng trong sự nghiệp của mình, đang nghĩ gì? Người đã đưa Tây Ban Nha lên đỉnh vinh quang ở World Cup 2010 bằng bàn thắng bằng vàng vào lưới Hà Lan đã giã từ Barcelona tháng trước với những kỷ niệm đẹp. Và chắc chắn, sẽ không có gì tuyệt vời hơn khi anh chia tay sự nghiệp quốc tế sau World Cup này với một danh hiệu lớn nữa. Cũng không thể không nhắc đến Neymar. Bốn năm trước, một cú thúc từ phía sau của Zuniga đã đẩy anh và sau đó Brazil vào thảm kịch với trận thua Đức tới 1-7. Bốn tháng trước, một chấn thương khác đã loại anh khỏi vòng chiến trong vòng gần 100 ngày. Thế rồi, anh trở lại, bùng nổ rực rỡ trong thời gian trước World Cup. Đêm trước World Cup, anh nghĩ gì? Một cuộc trả nợ sòng phẳng với số phận bằng cách đưa Brazil lên thiên đường với cú “Hexa” (chức vô địch thế giới lần thứ 6), với những bàn thắng trong đôi chân ma thuật của anh?
Tất cả cùng cầu Chúa đem đến cho họ sức mạnh, sự tự tin, sự tập trung và cả may mắn để chiến thắng, và rồi, trở nên bất tử khi đi vào ngôi đền của những huyền thoại đã được vinh danh vô địch World Cup. Nhưng chỉ có một, hoặc cũng có thể không ai trong số những người được kể trên, toại nguyện. 736 cầu thủ của 32 đội bóng cầu nguyện cho vinh quang. Có những người biết chắc rằng, những lời khẩn cầu của họ cũng sẽ không thể ứng nghiệm. Cũng có không ít người mơ mộng rằng, họ có thể làm nên những điều thú vị của giải đấu, khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện ở World Cup (Iceland, Panama). Nhưng có những người tin rằng, sức mạnh về tinh thần của cá nhân, trong một tập thể mạnh, có thể đem đến nghị lực để vượt qua mọi đối thủ và cuối cùng giương cao chiếc Cúp vàng.
Ba World Cup gần nhất chứng kiến ba nhà vô địch đã đánh bại đối phương hoặc trên chấm phạt đền (Italy) hoặc trong hiệp phụ (Tây Ban Nha và Đức). Trong giấc mơ của không ít người hâm mộ đã từng chứng kiến những chiến thắng ấy, vẫn còn in đậm nụ cười rạng rỡ của những người hùng trong trái tim họ. Những nụ cười như thơ trẻ, hạnh phúc dâng đầy. Những nỗi đau đớn vì thất bại của các đội bóng và dân tộc khác, những cơn ác mộng đã ám ảnh họ vì không thành công, tạm thời không được nhắc đến trong thời khắc ấy, khi những nhà vô địch đăng quang.
Trong những giấc mơ của tôi về World Cup trước kia tràn ngập những cảm xúc về người hùng. Họ là bất cứ ai chiến thắng hoặc chiến bại, để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong cả cuộc đời. Đấy là những giọt nước mắt tức tưởi của Maradona sau trận chung kết Italia 90; là những dòng lệ rơi trên má Gascoigne sau khi Anh thua Đức cũng ở giải đấu trên đất Ý ấy; là mái đầu gục xuống trên chấm phạt đền của Roberto Baggio sau khi cú sút luân lưu của anh đi cao gần gấp đôi xà ngang, không xa anh thời khắc ấy là thủ môn Taffarel đang giơ hai tay lên trời, tạ ơn Chúa; là những cú đánh đầu đưa Pháp đến chức vô địch France 98 và cú húc đầu vào ngực Materazzi ở World Cup 2006; là những nỗi đau Brazil ở World Cup 2014.
Xen lẫn trong những giấc mơ chiến thắng cùng những người anh hùng là những nỗi ám ảnh về bao thất bại của những đội bóng tôi đã yêu, hoặc những đội bóng lớn tôi không hâm mộ, nhưng vẫn cảm thấy buồn cho họ, khi trong lòng dậy lên nỗi trắc ẩn. Ai đó có lần bảo tôi rằng, Champions League bây giờ hay hơn World Cup nhiều. Tôi lắc đầu. Champions League năm nào cũng có, nhưng World Cup phải 4 năm mới có một lần, làm sao có thể so sánh cảm xúc và nỗi khắc khoải đợi chờ được.
Rồi trái bóng cũng sẽ lăn cho trận khai mạc. Nga đá với Saudi Arabia. Hai đội bóng có thứ hạng thấp bậc nhất trên bảng xếp hạng FIFA thời điểm này sẽ đối đầu nhau trong ngày mở màn. Đã có người nói rằng, đấy là món khai vị cho một giải đấu chắc chắn sẽ hấp dẫn. Có lẽ thế, cũng có thể là không. World Cup luôn đem đến rất nhiều câu chuyện, niềm hy vọng và nỗi thất vọng khi trái bóng thôi lăn. Người ta bảo rằng, Italia 90 là giải đấu rất nhạt, thậm chí là tệ nhất trong lịch sử các World Cup. Nhưng trên thực tế, đấy lại là giải đấu đặt nền móng cho những cuộc cách mạng về luật chơi. Người ta cũng nói rằng, bóng đá thế giới bây giờ đã trở nên nhàm chán hơn, khi việc mở rộng World Cup lên 32 đội và tới đây, có thể lên tới 48 đội, đang giết chết tính hấp dẫn và cạnh tranh của nó.
Nhưng không thể phủ nhận được rằng, chúng ta vẫn chờ đợi World Cup, háo hức ăn nó ngấu nghiến, tranh cãi, mâu thuẫn và đôi khi có thể đánh mất tình bạn vì nó, những xung đột vũ trang trên thế giới cũng có thể sẽ ngưng lại đôi chút để các bên tham chiến xem một vài trận đấu. Thế giới toàn cầu hóa là một khái niệm đã được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng World Cup đã là một hình thức sơ khai của nó, khi trái bóng lăn đầu tiên trên đất Uruguay ở giải đấu năm 1930. Đây đã là World Cup thứ 21 của thế giới và là đầu tiên của nước Nga, đầu tiên của kỷ nguyên Vladimir Putin. Trong giấc mơ của vị Tổng thống Nga ở đêm trước World Cup, liệu có hình bóng chiến thắng của đội tuyển Nga?
Có lẽ không. Vì đội Nga rất yếu, nhưng mơ đến chiến thắng của nước Nga thì chắc chắn có. Tổ chức một World Cup thành công và làm rạng ngời hình ảnh của nước Nga trong khi đang bị Phương Tây bủa vây và cô lập là khát vọng của ông và người dân Nga. World Cup này là của chúng ta, nhưng cũng là của họ, và nhà vô địch cuối cùng cũng sẽ là họ, những người đang dang rộng cánh tay, đón chúng ta vào nhà, mời chúng ta một bữa tiệc bàn thắng kéo dài cả tháng…
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất