Bàn tròn: Châu Âu có thể chinh phục Nam Mỹ chưa?

13/07/2014 14:18 GMT+7 | Chung kết

(Thethaovanhoa.vn) - Liệu người Đức có thể phá giải lời nguyền rằng một đội bóng châu Âu không thể đăng quang ở Nam Mỹ ở trận chung kết sắp tới? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bàn tròn với các khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh và nhà báo Đinh Đức Hoàng (báo Lao Động).

“Có ai làm bóng đá như người Nam Mỹ nữa đâu”

Phạm An: Trận chung kết lại là châu Âu - Nam Mỹ. Nhàm chán quá phải không các anh?

Đức Hoàng: Tôi thì cho rằng đây là cuộc chiến giữa Nam Mỹ và phần còn lại của thế giới. Bây giờ ở Bắc Mỹ hay châu Á người ta cũng làm bóng đá theo kiểu châu Âu, có còn ai như Nam Mỹ, muôn đời chờ đợi một ngôi sao đâu.

Người ta đều xây dựng một hệ thống đào tạo để tạo ra những cầu thủ đồng đều rồi.

Phạm An: Nhưng trên đất Nam Mỹ thì nếu chiếu theo lịch sử, điều anh Đức Hoàng nói có thể là vô nghĩa: Đây là trận chung kết thứ sáu một đội châu Âu gặp một đội Nam Mỹ ở chung kết, và cả 5 lần trước thì chiến thắng đều thuộc về đội Nam Mỹ, từ những chiến thắng kiểu khủng bố như Brazil đánh bại Thụy Điển 5-2 ở World Cup 1958 cho đến chiến thắng kiểu cực kỳ nhọc nhằn như Italy thua Brazil trên chấm phạt đền năm 1994.

Hà Quang Minh: Thời ấy qua rồi Phạm An ạ. Tôi cho rằng bây giờ là thời của bóng đá châu Âu. Khi mà người Âu làm bóng đá khoa học hơn, bước tiến họ xa hơn, họ sẽ dần dần thống trị bóng đá thế giới thôi.

Đức Hoàng: Nhưng đây là một trận chung kết rất đặc biệt khi mà Argentina dù được tiếng là chơi tại Nam Mỹ nhưng thực chất là chơi trên sân của kẻ thù. Người Brazil căm ghét họ. Messi từ vòng bảng đã phải nhận những lời thóa mạ từ khán đài rồi. Và trận chung kết này, những người Brazil đã "trót" mua vé sẽ tìm đủ mọi cách để Đức chiến thắng.

Phạm An: Ngoài yếu tố khán giả, thì thời tiết đặc biệt của Nam Mỹ cũng là một lợi thế. Tôi có cảm tưởng như người châu Âu đem quân đi chinh phạt ở nơi rừng thiêng nước độc vậy.

Hà Quang Minh: Nếu xét về đặc thù thì tôi thấy đúng là đáng lo cho châu Âu. Nhưng nên nhớ, người đối diện và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh do đặc thù môi trường sinh ra sẽ là kẻ chiến thắng. Nếu xét đặc thù, Đức có thể không thắng nổi Brazil phải không? Hai đội vào chung kết chính là hai đội có quãng đường di chuyển giữa các trận đấu ngắn nhất trong số 4 đội ở bán kết.

Đức Hoàng: Anh An nói cũng có phần đúng: Một loạt cầu thủ Đức đã ốm, đấy là thực tế. Khí hậu đúng là khắc nghiệt thật. Nhưng lối chơi của họ không phụ thuộc nhiều vào những pha chạy nước rút đến hoa mày chóng mặt như Argentina hay các đội Nam Mỹ khác, mà di chuyển hợp lý và giữ sức tốt hơn. Họ thậm chí đã chạy nhiều hơn Brazil 5,3km ở trận bán kết, hẳn các anh đã biết.

“Nam Mỹ giờ cũng phải theo châu Âu”

Phạm An: Tôi cho rằng sự nửa mùa đã triệt tiêu bản sắc của bóng đá Nam Mỹ. Có lẽ làn sóng Âu hóa đã khiến Nam Mỹ đánh mất đi cái chất và cả sự tự do tự tại ở trên mảnh đất của chính họ: Chúng ta khó mà tìm ra một Rene Higuita, Carlos Valderrama đầu xù, hay Jorge Campos nữa.

Đức Hoàng: Họ không thể giữ được cái "chất" Nam Mỹ nữa đâu, tôi tin rằng như thế. Cái chất ấy được tạo ra từ những chú bé nghèo đá quả bóng nhựa hay nùi giẻ ngoài phố, cái chất ấy được tạo ra từ những khu ổ chuột ở ngoại ô Rio hay Buenos Aires.

Hà Quang Minh: Tôi nghĩ nên hiểu ý Hoàng như thế này: Chức vô địch World Cup của một đội bóng thì còn nhiều yếu tố khác để suy xét vì nó chỉ đơn giản là làm sao chơi hiệu quả ở 7 trận đấu trong 1 tháng. Còn vị thế vô địch của một cách làm bóng đá thì phải nhìn vào nền tảng, quá trình. Kể cả Đức không thắng Argentina đi nữa, mô hình Đức nói riêng và châu Âu nói chung vẫn là lý tưởng nhất, vẫn là VÔ ĐỊCH.

Đức Hoàng: Cái chất của bóng đá Nam Mỹ, được tạo ra từ một mô hình đào tạo chẳng giống ai là ra phố nhặt một thằng bé vốn đã biết đá bóng về, trao cho nó đôi giày rồi để nó tiếp tục tự phát huy. Bây giờ, khi đã giàu có, khi đã xây lên những học viện bóng đá hoành tráng, thì họ cần một mô hình khác.

Phạm An: Tôi không phản đối, anh Hà Quang Minh, bởi đó là cách đào tạo thật bài bản, quy củ, nhưng nếu chỉ đào tạo cầu thủ và hệ thống, lối chơi theo kiểu châu Âu, chúng ta sẽ không còn thưởng thức những cảm xúc tột đỉnh của bóng đá nữa. Bóng đá mê say được là nhờ Nam Mỹ, nhưng tiếc thay, đó lại là "lúa trời", mà lúa trời thì có hạn, phải không các anh?

Đức Hoàng: Đúng vậy anh Phạm An ạ. Vậy tôi mới nói rằng họ khó mà giữ được chất của mình. Họ sẽ phải thay đổi theo hướng chung của châu Âu. Thời của "Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" Nam Mỹ đã qua rồi.

Hà Quang Minh: Tôi lại phản đối anh An. Bóng đá không được mê say nhờ vào Nam Mỹ. Nó nhờ vào ấn tượng đầu tiên mà mỗi con người được cảm nhận bóng đá.

Cách đào tạo Nam Mỹ là phát huy bản năng, kỹ năng thành một phản xạ nhuần nhuyễn. Còn cách đào tạo của châu Âu là cân bằng giữa kỹ năng với tư duy mà phần nào đó, tư duy được xem trọng hơn mỗi khi cầu thủ bước vào sự nghiệp chuyên nghiệp hơn.

Xét lại, Nam Mỹ có Pele, Garrincha, Di Stefano, Maradona, Messi, Ronaldinho, Ronaldo, Romario là những cầu thủ kỹ thuật cá nhân xuất chúng hàng đầu thế giới. Châu Âu có Puskas, Kopa, Cruyff, Platini, Eusebio, Figo, Zidane, Totti, Stoichkov, Hagi, Ribery cũng đâu có thua kém gì về kỹ năng chơi bóng đâu. Nhưng tư duy thì châu Âu giỏi hơn. Các anh nhớ cái cách mà Zidane đã đá với các kỹ thuật gia Brazil ở World Cup 2006 chứ? Sự vượt trội của châu Âu là ở đó chứ ở đâu nữa.

“Châu Âu đã thắng, dù Đức có vô địch hay không”

Phạm An: Tôi muốn hỏi thêm các anh: Chúng ta có một thiên tài là Lionel Messi ở chung kết, và chúng ta có cả một đội tuyển là sản phẩm của gần 2 thập kỷ thực hiện cách mạng, dựa trên những gì đã có, các anh nghĩ rằng đã đến lúc, người châu Âu có thể chinh phục được Nam Mỹ chưa?

Đức Hoàng: Tôi quả thật không dám đưa ra dự đoán về trận chung kết. Messi thực ra hoàn toàn có thể chiến thắng. Bóng đá ngoài là cuộc chơi của các quy luật còn là của các khoảnh khắc.

Nhưng như chính anh đã thừa nhận: châu Âu đã chinh phục Nam Mỹ rồi, họ khiến người Nam Mỹ cũng phải đá thứ bóng đá chặt chẽ hơn (dù chưa tới nơi tới chốn).

Hà Quang Minh: Tôi đã khẳng định rồi MESSI LÀ SẢN PHẨM CHÂU ÂU CHÍNH HIỆU.

Phạm An: Vậy thì rõ ràng là châu Âu đã chiến thắng, ngay cả khi họ có thể không lên ngôi ở World Cup lần này rồi. Xin cám ơn các anh.

Chiến thắng của cộng đồng nói tiếng Esperanto

Có một sự trùng hợp thú vị liên quan tới cộng đồng nói tiếng Esperanto (quốc tế ngữ) và World Cup: Chức vô địch thế giới sẽ thuộc về quốc gia nào đăng cai Universala Kongreso (sự kiện lớn nhất của cộng đồng nói tiếng Esperanto) trong năm đó.

World Cup 1998, Pháp giành chức vô địch thế giới trong năm mà Universala Kongreso được tổ chức ở Montpellier (Pháp). 4 năm sau đó, Universala Kongreso được Fortaleza (Brazil) đăng cai và đội tuyển Brazil đã vô địch thế giới trên đất châu Á. Năm 2006, Italy vô địch thế giới tại Đức khi Universala Kongreso được tổ chức ở Florence (Italy). Tại Nam Phi 2010, Tây Ban Nha vô địch thế giới nhưng Universala Kongreso trong năm này lại được tổ chức ở Havana, Cuba. Tuy nhiên, Cuba không tham dự World Cup này trong khi Cuba từng là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Universala Kongreso năm 2014 được tổ chức ở Buenos Aires (Argentina), điều này cũng có nghĩa là Albiceleste sẽ vô địch thế giới?


Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm