Đội tuyển Bồ Đào Nha: Khi thiếu kỷ luật đã thành truyền thống

21/06/2014 13:16 GMT+7 | Bảng G

(Thethaovanhoa.vn) - Bồ Đào Nha sắp gặp đội bóng mà 12 năm trước đã cho Thế hệ Vàng của họ thua muối mặt. Nhưng thất bại đó cũng chỉ là một phần trong quá trình thể hiện vô kỷ luật của người Bồ khi đi thi đấu quốc tế.

Màn trình diễn gây xấu hổ của Bồ Đào Nha trong ngày ra quân World Cup chỉ càng viết thêm một trang màu đen nữa vào lịch sử của đội tuyển này ở các giải đấu quốc tế. Không những thua đậm 0-4, họ còn mất Pepe do húc đầu vào Thomas Mueller.

Loạn ở Mexico 86

Với ĐT Bồ Đào Nha, các kỳ World Cup của họ thực ra chẳng có nhiều ký ức đẹp, và nếu có thì cũng đã xa xôi. Người ta vẫn còn nhớ đến màn ngược dòng hạ Bắc Triều Tiên 5-3 ở World Cup 1966, ngày Eusebio tỏa sáng và được trợ giúp bởi sự ngây thơ của các cầu thủ Triều Tiên sau khi đã ghi 3 bàn. Hay World Cup 2006, người Bồ lọt đến bán kết trước khi thúc thủ trước tuyển Pháp và thua Đức trong trận tranh hạng Ba.

Những lần dự World Cup còn lại, BĐN thường ra về trong thất bại và điều đáng nói là có rất nhiều chuyện hậu trường đằng sau những thất bại ấy. Năm 1986, BĐN đến dự World Cup ở Mexico để rồi phát hiện ra rằng khu tập luyện ở Saltillo đang ở trong tình trạng sập sệ. Điều duy nhất tích cực về sự sắp xếp của LĐBĐ BĐN cho đội tuyển, đó là... gái mại dâm được tự do vào khách sạn.

Các tuyển thủ BĐN sau đó đình công vì vấn đề tiền thưởng. Họ thể hiện sự phản đối bằng cách mặc ngược áo tập để che đi logo của nhà tài trợ khi ra sân tập. Cuộc nổi loạn này sau đó được tạm dẹp yên và BĐN mở màn vòng chung kết bằng thắng lợi 1-0 trước tuyển Anh, nhưng sau đó thua Ba Lan và Morocco nên bị loại.

Sau giải đấu, 8 tuyển thủ đã bị treo giò, tuy nhiên 14 thành viên khác đã tuyên bố ủng hộ những đồng đội bằng cách cũng từ chối thi đấu cho ĐTQG. Một sự kiện gây xấu hổ khác, đó là tuyển thủ Antonio Veloso có phản ứng dương tính với steroid trước giờ lên đường do dùng steroid để dưỡng cơ bắp.

Sang thế kỷ mới vẫn không chừa

Sau sự xấu hổ ở Mexico 1986, bóng đá BĐN chào đón lứa tuyển thủ được đánh giá là Thế hệ Vàng, với những Luis Figo, Rui Costa, Fernando Couto trong đội hình. Thế nhưng họ một lần nữa gây ra tranh cãi khi đến World Cup 2002 trong tình trạng chuẩn bị nghèo nàn. Daniel Kennedy dương tính với chất kích thích, trong khi địa điểm đóng quân cho loạt giao hữu là tại Macao, nơi các tuyển thủ bận... đi sòng bạc và mua sắm hơn là tập luyện.

Sự nhục nhã lên đến đỉnh điểm trong ngày ra quân. BĐN bị Mỹ đánh bại 3-2, với tỷ số đã là 3-0 chỉ sau 36 phút. Đó là một trong những chiến thắng đáng nhớ nhất trong lịch sử đội tuyển Mỹ, và sự kiện ấy càng xát thêm muối vào vết thương người Bồ khi đội tuyển của họ để thua một ĐTQG mới học đá bóng chưa quá 20 năm.

Tình hình sau đấy không quá tệ khi BĐN thắng Ba Lan 2-0, và họ sẽ vào vòng sau nếu cầm hòa chủ nhà Hàn Quốc ở trận cuối của vòng bảng, còn Ba Lan thắng Mỹ. Mọi việc ban đầu diễn ra đúng dự tính, Ba Lan thắng Mỹ 3-1. Thế nhưng về phần BĐN, họ mất hai cầu thủ do thẻ đỏ, và cuối cùng để cho Park Ji-Sung chọc thủng lưới, qua đó chính thức rời giải.

Sự vô kỷ luật còn được thể hiện qua mối quan hệ giữa các cầu thủ và ban huấn luyện đội tuyển với các quan chức LĐBĐ. Năm 2010, 3 quan chức của cơ quan chống doping có mặt rất sớm ở khu tập huấn của BĐN chuẩn bị cho World Cup 2010. HLV Carlos Queiroz, tức giận vì phải đánh thức các học trò vào sáng sớm, văng tục và chửi Chủ tịch liên đoàn Luis Horta. BĐN sau đó bị loại ở vòng 2 bởi TBN, và Queiroz sau đó bị sa thải.

3 Bồ Đào Nha đã vắng mặt 3 kỳ World Cup liên tiếp sau sự kiện Saltillo, từ 1990 cho đến 1998.

1 Bồ Đào Nha là đội đầu tiên trong lịch sử World Cup lọt vào bán kết và không vượt qua vòng loại ở kỳ World Cup tiếp theo (năm 1970).

2 Mỹ đang là đội thắng thế trong đối đầu trực tiếp với BĐN. Họ thắng 2 thua 1 trong 3 trận.


Đỉnh Nguyễn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm