12/05/2019 07:42 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Hồi thập niên 1990, trong khi Mỹ tự hào khi có Nirvana, với thủ lĩnh Kurt Cobain được ngợi ca là người phát ngôn của thế hệ, thì ở phía bên kia Đại Tây Dương, một đối trọng không hề thua kém là Oasis, hay còn từng được gọi là những Mr. Wonderwall vì những lý do nửa vui nửa buồn.
1. Wonderwall là một bài hát của ban nhạc Oasis (Anh quốc), bài hát này được phát hành ngày 30/10/1995, được xem là đĩa đơn thứ ba của album mang tên “(What's the Story) Morning Glory”?
Sau khi phát hành Wonderwall nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, sau đó nó được đề cử vào nhiều giải thưởng âm nhạc lớn như Grammy, Brit… lọt vào danh sách bài hát xuất sắc nhất mọi thời đại của nhiều tổ chức.
Về thương mại, Wonderwall gặt hái được nhiều thành công, từng đứng đầu bảng xếp hạng ca khúc ở các quốc gia: Australia, New Zealand và Tây Ban Nha. Giành vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và nằm trong Top 10 ở rất nhiều quốc gia khác như: Hà Lan, Na Uy, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ireland, Canada…
Khi Oasis phát hành ca khúc vào năm 1995, nó là giai điệu lừng lẫy và thành công nhất ở Anh mọi thời đại, là lựa chọn không thể bỏ qua trong những buổi karaoke hay hát hò nghiệp dư về đêm.
Chẳng cần là người hâm mộ Britpop - dòng nhạc đối trọng với alternative rock những năm 1990 - hẳn nhiều người cũng quen thuộc với giai điệu của Wonderwall bởi đây là “thánh ca” của nửa xanh thành Manchester.“I said maybe, you're gonna be the one that saves me/ And after all, you're my wonderwall” (tạm dịch: Có lẽ, em là người sẽ cứu rỗi anh/ Nhưng sau tất cả, em chỉ là bức tường diệu kỳ) là câuhát mà các cổ động viên Manchester City thường hát để ăn mừng mỗi khi đội nhà chiến thắng.
“Tương truyền” rằng, lý do nó là ca khúc yêu thích của Sky Blues là từ sau một trận derby thành Manchester, khi nửa xanh giành thắng lợi nhờ lập được bức tường thành phòng ngự kiên cố để bảo toàn tỷ số. Báo Anh sau đó đã giật tít rằng đây là một “wonderwall”. Tuy nhiên, cũng có thể đơn giản bởi Wonderwall là ca khúc đình đám nhất của Oasis, những đứa con cưng của thành Manchester xanh. Nhưng dù là gì, thì có một điều chắc chắn, Wonderwall không phải là ca khúc về… bóng đá.
Wonderwall ban đầu có tên là Wishing Stone (Thạch ước), tuy khác nhau, nhưng đều mang ý niệm mơ mộng. Năm 1996, Noel Gallagher tiết lộ anh viết nó cho bạn gái vợ anh sau này) là Meg Mathews. Tuy nhiên, sau khi Noel chia tay Mathews năm 2001, anh đã quay ngoắt 180 độ: “Truyền thông đã nhảy bổ vào làm chệch ý nghĩa ban đầu của tôi. Và làm sao bạn có thể nói với cô nàng của mình rằng bài hát này không phải về cô, khi mà cô đã đọc nó? Đây là bài hát về một người bạn tưởng tượng sẽ đến và cứu bạn khỏi chính mình”.
2. Bản thân từ “wonderwall” không có trong từ điển. Tác giả giải thích rằng đây đơn thuần là “bất cứ thứ gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, làm ngày của bạn tươi sáng hơn. Tất cả những điều nhỏ bé nhất từ người bạn yêu thương”.
Sâu xa hơn, ca khúc lấy ý tưởng từ bộ phim cùng tên do cựu tứ quái The Beatles là George Harrison viết nhạc phim. Album nhạc phim này mang nặng âm hưởng nhạc dân gian Ấn Độ, do đó, dù Noel rất hâm mộ The Beatles nhưng rõ ràng ý tưởng đến từ nội dung phim hơn là nhạc phim.
Trong phim, nhà bác học lập dị Oscar Collins tình cờ phát hiện ra một lỗ thủng trên tường, từ đó, nhìn thấy bạn gái của gã nhiếp ảnh phòng bên. Collins mê đắm cô gái, đục thêm nhiều lỗ thủng để được ngắm cô mọi nơi, coi cô như cứu vớt của đời mình. Nhưng ngược lại, khi cô gái tự tử, chính Oscar là người phát hiện và cứu vớt cô. Tình yêu của Collins có phần gàn dở, nhưng ai dám nói đó không phải là tình yêu?
Kỹ thuật thu âm ca khúc này cũng khá đặc biệt. Noel đã sử dụng hiệu ứng “brickwalling” để tăng cường độ âm thanh. Nhìn vào sóng âm của Wonderwall sẽ thấy dày đặc những điểm biên độ lớn còn thông qua tai nghe, sẽ thấy giọng Liam ngân dài nhưng giữ nguyên độ lớn chứ không có sự uyển chuyển, gần xa. Tất cả tạo nên một ca khúc bộc trực, đập vào tai người nghe, như một người sáng mắt sau ảo mộng.
Ca khúc cũng phản ánh bế tắc chung của thanh niên thời đó, khi đông đảo trong số họ buồn chán cuộc sống và sa vào những ảo tưởng. Nhưng có ảo tưởng nào không kết thúc. Và kết thúc nào không mang dư vị đắng?
Ngay chính ca khúc Wonderwall, dù vô cùng thành công, sau cùng lại là trái đắng với chính Oasis.Sau nhiều năm liên tục bị bật quá sức không thương tiếc và gần như bị bóp chết bởi đài phát thanh, đến cả Liam Gallagher, giọng ca chính của Oasis, cũng chán ngấy Wonderwall.
“Tôi không tài nào chịu nổi bài hát chết tiệt này” - anh nói với MTV Anh. “Mỗi lần phải hát, tôi chỉ muốn đập phá. Vấn đề là, đó là một giai điệu lớn, rất lớn với chúng tôi…”.
Đây dường như là hậu quả tất yếu của những ca khúc quá đình đám, giống như Smell Likes Teen Spirit của Nirvana, “đối thủ” của Oasis, từ đứa con cưng dần thành con ghẻ. Dù vậy, nó vẫn luôn là bất hủ, chỉ cần đừng nghe quá nhiều bởi “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”…
Ca khúc biểu tượng của Anh quốc Oasis là ban nhạc rock của Anh, thành lập tại Manchester năm 1991. Được phát triển từ nhóm nhạc Rain gồm Liam Gallagher, Paul “Bonehead”Arthurs, Paul “Gugsy” McGuigan và Tony; về sau, được hoàn thiện với sự xuất hiện của thành viên nòng cốt là Noel Gallagher (anh trai Liam). Tên của nhóm thường gắn với những kỷ lục: ví dụ album Be Here Now (1997) là album bán chạy nhất lịch sử Anh còn hai đêm diễn của họ tại Knebworth năm 1996 là sự kiện có nhu cầu cao nhất lịch sử Anh. Oasis từng có 8 đĩa đơn và 8 album đứng số 1 ở Anh, giành 17 giải NME, 9 giải Q, 4 giải MTV châu Âu và 6 giải Brit; phá kỷ lục Guinness thế giới cho nghệ sĩ thành công nhất tại Anh trong giai đoạn từ năm 1995 tới 2005. Tuy vậy, nhóm cũng lừng lẫy với những bất đồng rất chợ búa giữa hai anh em nhà Gallagher. Sự tan rã của nhóm năm 2009 cũng chính vì lục đục này. Noel hiện đã tách riêng ra với dự án solo Noel Gallagher’s High Flying Birds còn các thành viên khác, dẫn đầu là Liam, quyết định tiếp tục dưới tên Beady Eye. Hơn 10 năm kể từ khi họ đường ai nấy đi, người hâm mộ vẫn không ngừng hy vọng về một sự hòa giải và tái hợp. Wonderwall nằm trong album thứ hai của nhóm, (What’s The Story) Morning Glory?, đứng thứ hạng cao trên nhiều BXH khắp thế giới, đạt nhiều chứng chỉ bạch kim, nhận 2 đề cử Grammy. Không chỉ là đỉnh cao của Oasis, nó cũng là một trong những ca khúc biểu tượng của Anh khi được biểu diễn tại bế mạc Olympic London 2012. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất