'Why Always Me?' đi vào dĩ vãng

03/03/2014 14:26 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Một quy định mới đã được chấp thuận và từ ngày 1/6 tới, bất cứ cầu thủ nào truyền thông điệp qua áo lót bên trong áo đấu sẽ đối mặt với án phạt.

Hình thức phạt không còn thuộc thẩm quyền của trọng tài như trước, nó sẽ được phán quyết bởi ban tổ chức giải đấu sau khi trận cầu kết thúc.

Sẽ không còn “Why Always Me?”

Cuộc họp của Ủy ban chịu trách nhiệm ban hành luật trong bóng đá (IFAB) tại Zurich, Thụy Sĩ đã kết thúc vào cuối tuần qua. Các bên đã đồng nhất quan điểm về một số vấn đề, trong đó có kiến nghị về thông điệp trên áo lót của cầu thủ. Hai năm tranh cãi, họp bàn chán chê, IFAB cuối cùng đưa ra phán quyết, sẽ phạt bất cứ cầu thủ nào truyền thông điệp qua áo lót. Không chần chừ, án cấm này sẽ được thực thi ngay tại World Cup 2014 diễn ra ở Brazil. Các danh thủ sẽ không còn cơ hội vạch áo ăn mừng, để khán giả, ký giả và máy quay cùng chăm chú dõi theo những dòng chữ trên chiếc áo phông màu trắng.

IFAB gồm có 8 đại diện, trong đó 4 người đến từ các Liên đoàn bóng đá quốc gia trực thuộc Liên hiệp Anh (gồm Anh, Bắc Ai Len, Scotland và xứ Wales) và 4 người đến từ FIFA. Cơ quan này được thành lập năm 1886, 18 năm trước khi FIFA ra đời nên không chịu sự điều khiển của FIFA.
“Từ bây giờ, sẽ không còn các dòng chữ hay hình ảnh, hay bất cứ thứ gì trên áo lót. Quy định này sẽ được áp dụng vào ngày 1/6 tới”- Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke tuyên bố.

Thông điệp áo lót vốn đã bị Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cấm từ lâu. Nhưng nhiều cầu thủ vẫn không ngại lĩnh thẻ vàng chỉ để thực hiện khát khao truyền thông điệp, đôi khi là lời chúc mừng sinh nhật gửi đến người thân, lời động viên đồng đội trong cơn hoạn nạn hay khoe mẽ sự chào đời của một “quý tử”.

Không ai trách cứ những thông điệp đầy ý nghĩa và tình nhân văn như vậy. Có khi, nó còn tạo nên sự hài hước và cả cơn sốt trong dư luận như trường hợp của tiền đạo Mario Balotelli với dòng chữ “Why Always Me?”.

Vậy tại sao lại phải cấm?

Bị cấm vì “biến tướng”

FIFA bắt đầu lo lắng về vấn đề này khi một số cầu thủ bộc lộ các thông điệp chính trị và tôn giáo, như năm 1997 khi Robbie Fowler của Liverpool mặc một chiếc áo ủng hộ những công nhân bốc vác bị sa thải ở Merseyside. Sau khi xem xét, FIFA chính thức quyết định rằng mọi cầu thủ ăn mừng như thế sẽ phải nhận thẻ vàng.

Nhưng án cấm đó không ngăn được Carlos Tevez ăn mừng với dòng chữ “Lugano 1 y 2”, ám chỉ khu nhà tập thể ở Buenos Aires mà anh lớn lên. Còn Nasri, vốn có gốc Algeria, mặc áo lót với dòng chữ “Eid Mubarek”, một lời chúc mừng quen thuộc của dịp lễ Hồi giáo lớn Eid ul-Fitr. Thủ thành Artur Boruc của Celtic trong trận gặp Rangers năm 2008 viết dòng chữ “Chúa phù hộ cho Giáo hoàng”. Mọi việc nhạy cảm do mối kình địch Rangers-Celtic còn bắt nguồn từ lý do tôn giáo khi một bên là Tin lành, một bên là Công giáo La Mã.

Đôi khi, cầu thủ mượn thông điệp trên áo lót để quảng cáo bất hợp pháp cho hãng mà họ đại diện. Một số công ty thậm chí còn trả tiền để các cầu thủ mặc áo lót có logo mà họ khoe ra sau khi ghi bàn và quảng cáo miễn phí, khiến những nhà tài trợ bỏ hàng triệu USD cho quảng cáo chính thức không khỏi thấy phiền lòng.

Một số cầu thủ còn sử dụng áo lót để “chửi” kình địch như trường hợp của cầu thủ Swansea, Trundle sau khi ghi bàn vào lưới Carlisle năm 2006. Anh chàng đã khoe bức hình vô cùng khiếm nhã in trên áo lót: một nhân vật hoạt hình mặc áo Swansea “tè” lên áo đấu của Cardiff.

“Chúng tôi bị chỉ trích vì án cấm nhưng định nghĩa của một thông điệp tốt đẹp là gì?” – ông Valcke nhấn mạnh trong bài phát biểu.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm