30/10/2013 13:31 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1996, một cô gái trẻ da đen đã xả thân bảo vệ một người đàn ông da trắng khỏi việc bị đám đông giận dữ hành hình vì nghĩ anh ta ủng hộ phong trào phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan. Đó là một hành động tử tế và can đảm khác thường và tới nay vẫn còn truyền cảm hứng cho rất nhiều con người thời hiện đại.
Keshia Thomas mới chỉ 18 tuổi khi Ku Klux Klan (KKK), lực lượng cho rằng người da trắng là dân tộc thượng đẳng, tổ chức một cuộc tuần hành tại thị trấn quê nhà của cô ở Michigan vào ngày 22/6/1996.
Người dám chống lại đám đông
Tuy nhiên, mang tư tưởng tự do, cấp tiến và chấp nhận đa văn hóa, thị trấn Ann Arbor là một địa điểm không thể tệ hơn để KKK tổ chức tuần hành. Hàng trăm người dân của thị trấn đã có mặt để phát đi thông điệp cho KKK biết rằng họ không được hoan nghênh ở thị trấn.
Bức ảnh gây sốc chụp hành động xả thân bảo vệ người khác chủng tộc của Thomas |
Thế rồi tình hình trở nên mất kiểm soát khi một người phụ nữ cầm loa phóng thanh hét to: "Có một gã KKK trong đám đông". Những người có mặt lập tức quay lại nhìn và thấy một người đàn ông da trắng, trung tuổi, đang cố bước ra xa khỏi đám đông. Nhưng đám đông, gồm Thomas, đã cố đuổi theo ông ta.
Không rõ người đàn ông có mang tư tưởng ủng hộ KKK hay không. Nhưng bộ quần áo của ông và đặc biệt những hình xăm ông mang trên người, lại đại diện cho thứ mà đám đông đang chống lại. Cụ thể bộ quần áo ông mặc có lá cờ Liên minh các bang miền Nam Hoa Kỳ, đại diện cho sự thù ghét và phân biệt chủng tộc. Trong khi đó các hình xăm mang nội dung ủng hộ phát xít Đức trên cánh tay của ông ta đại diện cho sự phân biệt chủng tộc hoặc tệ hơn.
Từ đám đông, đã có những tiếng hô "giết gã phát xít" và người đàn ông vội cắm cổ chạy. Nhưng ông ta nhanh chóng bị đẩy ngã xuống đất. Một đám đông lập tức vây quanh, đá và đánh ông bằng những cây gậy gỗ.
Tâm lý đám đông bắt đầu xuất hiện. "Chuyện trở nên tàn bạo" - Thomas thổ lộ với phóng viên hãng tin BBC trong ngày 28/10 - "Khi người ta ở trong đám đông, họ sẽ làm những điều ít khi bản thân làm khi ở một mình. Ai đó phải bước ra khỏi đám đông và nói rằng: "Chuyện này không đúng"".
Vì thế Thomas đã lao thân mình che chở cho người đàn ông mà cô không quen biết, chắn cho ông ta khỏi bị đám đông đánh đập tới chết. "Khi ông ấy ngã xuống đất, cảm giác giống như có 2 thiên thần đã nhấc bổng tôi lên và đặt cơ thể tôi lên người ông ấy" - Thomas kể lại.
Người đàn ông da trắng nạn nhân đã cố chạy khỏi đám đông, nhưng không thành công
Sự tử tế thể hiện qua những điều nhỏ nhặt
Với Mark Brunner, một sinh viên đang theo học nhiếp ảnh đã vô tình chứng kiến sự kiện, hành động của Thomas thật vô cùng ấn tượng. "Cô ấy đã đặt cơ thể của mình trước rủi ro để bảo vệ một người, theo quan điểm của tôi, sẽ không làm điều tương tự cho cô ấy" - Brunner nói - "Liệu có ai trên thế giới này làm điều tương tự".
Vậy điều gì đã khiến Thomas bảo vệ người đàn ông da trắng? Với Thomas, đó là từ những trải nghiệm mang tính cá nhân của bản thân. "Tôi biết rằng cảm giác nhận được sẽ rất đau đớn" - cô kể với BBC - "Nhưng rất nhiều lần khi chuyện đó xảy ra với tôi, tôi đã mong ước có ai đó đứng lên bảo vệ mình.
Tình huống mà Thomas xả thân bảo vệ người đàn ông da trắng rất khác. Nhưng với cô bạo lực là bạo lực và người ta cần được kẻ khác bảo vệ. Sau sự kiện, Thomas không còn nghe tin tức gì về người đàn ông mà cô đã cứu. Nhưng có lần cô đã gặp một thành viên gia đình ông ta. Nhân vật này đã tới gặp cô trong một quán cà phê, nhiều tháng sau sự kiện, để nói lời cảm ơn. "Cảm ơn để làm gì" - Thomas hỏi lại. Chàng trai trẻ đối diện với cô trả lời: "Đó là cha tôi".
Với Thomas, việc người đàn ông đó có con trai đã khiến cô rất ấn tượng, bởi có thể cô đã ngăn chặn không cho một vòng xoáy bạo lực tiếp diễn cao hơn. "Hầu như những người gây tổn thương tới người khác từng bị tổn thương. Đó là một vòng tròn. Người ta nói rằng sẽ giết ông ấy hoặc khiến ông ấy bị tổn thương rất nặng nề. Con trai ông ấy sẽ cảm thấy ra sao? Liệu anh ta có tiếp tục vòng tròn bạo lực" - cô nói với BBC.
Hiện giờ Thomas, đang trong độ tuổi 30 và sống ở Houston, Texas, không nghĩ nhiều về những việc cô đã làm. Cô muốn tập trung về tương lai, thay vì nhớ tới quá khứ. "Tôi không muốn nghĩ rằng đây là điều tốt đẹp nhất mà tôi có thể làm. Trong cuộc sống, bạn luôn muốn hướng tới điều tốt đẹp hơn" - cô nói.
Thomas cho biết tới giờ cô vẫn làm nhiều điều để xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc trong nước Mỹ. Không phải điều gì lớn lao mà thường là những điều nhỏ nhặt, nhưng quan trọng. "Điều lớn lao nhất mà bạn có thể làm chỉ là trở nên tử tế với một con người khác. Điều đó có thể được thực hiện thông qua một ánh mắt hay một nụ cười" - cô nói - "Đó không cần phải là một hành động khổng lồ nào cả".
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất