Nước Mỹ rầm rộ kỷ niệm sinh nhật Vua rock ’n’ roll

09/01/2010 10:40 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hôm qua (8/1), tại Mỹ đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Elvis Presley (1935-1977). Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là sự kiện chính được tổ chức ở Graceland, Memphis, Tennessee (Mỹ) - nơi Vua rock ‘n’ roll gắn bó nhất lúc sinh thời.

Người hâm mộ đã tập trung rất đông ở Graceland để dự buổi lễ tưởng nhớ Elvis Presley, sự kiện được truyền trực tiếp trên website chính thức của ông. Bên cạnh đó còn có những tour đặc biệt tới tư dinh của Vua rock ’n’ roll cùng nhiều chương trình hòa nhạc. Memphis cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện mang tên Elvis Presley, trong đó có chương trình do dàn nhạc thính phòng của thành phố biểu diễn và một “bữa tiệc” ở Beale Street, nơi tất cả các hộp đêm sẽ chơi những ca khúc gắn với tên tuổi Vua rock ’n’ roll.


Huyền thoại Elvis Presley
Tại Aria Resort & Casino ở Las Vegas, đoàn xiếc Cirque Du Soleil đang thực hiện chương trình Viva ELVIS. Đúng vào ngày sinh của ông, triển lãm mang tên Elvis 21 tại Bảo tàng Grammy ở Los Angeles đã được khai mạc nhằm giới thiệu 56 bức ảnh của Alfred Wertheimer, tay máy từng theo sát Presley trước khi ca sĩ này trở thành ngôi sao. Dự kiến, triển lãm trên sẽ chu du qua 9 thành phố khác ở Mỹ trong hơn ba năm. Washington cũng không muốn bỏ lỡ dịp này và vào tháng 3, tại bảo tàng The Newseum sẽ khai mạc cuộc triển lãm nêu bật ảnh hưởng của Presley tới nền văn hóa đại chúng. Tại đây sẽ trưng bày các trang phục cùng nhiều vật dụng cá nhân của ông được mượn từ Graceland...

Dù Presley đã qua đời hơn 3 thập kỷ, năm ngoái di sản của nghệ sĩ này vẫn giúp thu về đến 55 triệu USD và ông trở thành ngôi sao quá cố kiếm được nhiều tiền thứ tư. Chỉ riêng các chuyến tham quan tới ngôi nhà của ông và nhiều đồ lưu niệm gắn với hình ảnh Vua rock ’n’ roll đã mang về cho Elvis Presley Enterprises khoảng 30 triệu USD/năm.


Bộ sưu tập về Elvis của một người hâm mộ
Presley sinh năm 1935 trong một gia đình nghèo ở Tupelo, bang Mississippi. Nếu sống đến giờ, có lẽ huyền thoại âm nhạc này sẽ mang hình dáng một ông già béo tròn với mái đầu bạc phơ như người bạn da màu thời thơ ấu của mình ở quê nhà, Sam Bell. Khi còn bé, họ thân thiết và gắn bó như hình với bóng mặc dù ở thời điểm đó, tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn còn rất nặng nề tại miền Nam nước Mỹ. Mỗi lần đi xem phim thì Bell và Presley phải vào rạp bằng hai lối riêng rẽ. “Nhưng khi đèn tắt thì Elvis thường trèo qua rào chắn để ngồi cạnh tôi”, ông Bell nhớ lại.

Năm học lớp 5, Presley đã biểu diễn trước công chúng lần đầu tiên tại một cuộc thi ở hội chợ. Lúc đó, Presley phải đứng trên ghế thì mới chạm được tới microphone khi ông hát bài ballad buồn về một chú chó đã chết. Tuy nhiên, Presley không thành công và chiến thắng thuộc về người khác.

TOP TEN CỦA TẠP CHÍ BILLBOARD
TOP ALBUMS

1.I Dreamed A Dream (Susan Boyle)
2.The Fame (Lady Gaga)
3.The Element Of Freedom (Alicia Keys)
4.Stronger With Each Tear (Mary J.Blige)
5.Fearless (Taylor Swift)
6.My World (Justin Bieber)
7.Alvin And The Chipmunks: The
Squeakquel (nhạc phim, nhiều nghệ sĩ)
8.The E.N.D. (Black Eyed Peas)
9.The Fame Monster (Lady Gaga)
10.Ocean Eyes (Owl City)

Năm 1948, ông đã hát một ca khúc tạm biệt mái trường Milam ở Tupelo với cây đàn có giá chỉ 7 USD và chuyển tới Memphis cùng gia đình. Năm 1953, Presley tốt nghiệp trung học và làm nghề lái xe tải. Sau đó, chàng trai 18 tuổi đã tới hãng Sun Records với 4 USD trong túi để thu âm một bài ballad. Presley hy vọng sẽ được gặp nhà sản xuất huyền thoại Sam Phillips, người đã mở đường cho các nghệ sĩ nổi tiếng B.B. King va Chester Burnette. Nhưng thay vào đó, ông đã gặp viên thư ký Marion Keisker. “Anh hát như thế nào?”, Keisker hỏi. “Tôi hát chẳng giống ai”, Presley trả lời.

Keisker có ấn tượng tốt với chàng trai trẻ, nhưng Phillips thì không. Một năm sau, nhà sản xuất này mời Presley tới thu âm chỉ vì đang khuyết một ca sĩ. Tại buổi thu đó, ban đầu Presley tỏ ra lúng túng. Chỉ đến khi ban nhạc nghỉ ngơi lúc giữa đêm thì ông mới hết e ngại và cầm lấy microphone rồi thả mình vào bản That’s All Right - vốn được thu đĩa đầu tiên bởi ca sĩ blues Arthur Crudup.

Tối hôm sau, ca khúc này phát trên radio tới 14 lần nhưng thính giả vẫn liên tục gọi điện thoại đến đài phát thanh để yêu cầu được nghe lại. Tuy nhiên, họ không thể tưởng tượng được rằng nhạc phẩm đó lại do một người da trắng thể hiện. Chỉ trong vòng hai năm, Presley đã trở thành một siêu sao. Ông đã chinh phục công chúng với lối trình diễn đầy cuốn hút và phong cách nhạc của người da màu, xuất hiện trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình. Và từ đấy, một ông vua đã bước lên ngai vàng vĩnh cửu trong làng nhạc thế giới.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm