08/04/2023 15:12 GMT+7 | Đời sống
Trong bối cảnh có tới gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động có tâm lý xa lánh xã hội, nhà chức trách cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đang nỗ lực tận dụng không gian mạng để giúp các hikikomori (những người tự giam mình trong nhà và không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình liên tục trong ít nhất 6 tháng) kết nối trở lại với thế giới, tiến tới tái hòa nhập hoàn toàn với xã hội.
Ngoài việc cung cấp hỗ trợ tư vấn và việc làm tại nhà, các chính quyền địa phương và công ty tư nhân của Nhật Bản đang nỗ lực tạo ra "các hoạt động câu lạc bộ" độc đáo dựa trên lợi ích chung nhằm giúp các hikikomori "kích hoạt lại" tính năng kết nối với xã hội. Đơn cử kể từ tháng 6/2022, chính quyền tỉnh Kyoto đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trên không gian mạng 2 lần/tuần cho các hikikomori.
Khi truy cập không gian ảo, hình đại diện của các cá nhân tham gia sẽ được sắp xếp tại một chiếc bàn có cây cối bao quanh. Điều đặc biệt khi tham gia các cuộc gặp gỡ, những người này sẽ thoải mái trò chuyện mà không cần tiết lộ khuôn mặt hay tên thật của mình. Công ty Kizuki - điều hành các trường luyện thi cho trẻ gặp khó khăn, đã thay mặt chính quyền tỉnh Kyoto quản lý cộng đồng ảo này.
Các nhân viên của Kizuki cùng những người tham gia cộng đồng ảo xem trò chơi điện tử trực tiếp trên YouTube, nói ra những gì mình nghĩ, hoặc trao đổi về món ăn ưa thích, thời tiết trong khu vực, cùng nhiều chủ đề khác. Theo một quan chức địa phương, đôi khi thông qua những cuộc trò chuyện này, các hikikomori đã nói lên những tâm tư, suy nghĩ thầm kín - vốn họ không định chia sẻ cùng ai.
Kết quả của một cuộc khảo sát được tiến hành năm 2017 tại tỉnh Kyoto cho thấy có tới 1.100 người ở tỉnh này đã "ngắt" kết nối với xã hội và 44% trong số này không nhận được hỗ trợ.
Năm 2020, công ty, do anh Tokyoite Kunio Yamada, 37 tuổi, điều hành chuyên phát triển và cung cấp các bài kiểm tra năng lực nghề nghiệp, đã ra mắt dịch vụ việc làm mang tên "Comoly" cho các hikikomori dựa trên năng lực và kinh nghiệm của họ. Nhiều người có thể kiếm được 60.000 yen (450 USD) mỗi tháng.
Anh Yamada chia sẻ công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng nhập liệu, sao chép và phát triển ứng dụng. Anh đã nảy ra việc cung cấp dịch vụ việc làm cho các hikikomori sau khi một người bạn thời tiểu học của anh không thể tìm được việc làm và sống tách biệt với xã hội sau khi tốt nghiệp. Yamada đã khuyên bạn theo học máy tính để có thể làm việc ở bất kỳ đâu. Hiện cả hai đều quản lý Comoly, với sự tham gia của khoảng 750 người trên khắp cả nước. Không chỉ cung cấp việc làm tại nhà, Comoly còn có nhiều hoạt động, trong đó có "các bữa tiệc vũ trụ ảo metaverse", các hoạt động câu lạc bộ trực tuyến...
Tại Câu lạc bộ Nấu ăn của Comoly, với đa phần nữ giới tham gia, các thành viên đã đăng tải ảnh và công thức nấu ăn do họ tự sáng tạo. Trong khi đó, một hikikomori - vốn từng khao khát trở thành người chơi cờ vây chuyên nghiệp, đã trở thành người đứng lớp dạy các thành viên trong Câu lạc bộ Cờ vây.
Thậm chí, một số hikikomori tham gia Comoly đã mạnh dạn bước ra thế giới thực để làm việc. Ở Kamiyama, tỉnh Tokushima, miền Tây Nhật Bản, các hikimori đã tham gia thu hoạch giống cam quýt yuzu đặc sản của vùng, sau khi loại quả này bị "bỏ rơi" do tình trạng thiếu nhân công.
Chính quyền tỉnh Kanagawa cũng đang lên kế hoạch tổ chức một không gian ảo tương tự như ở tỉnh Kyoto nhằm giúp các hikikomori tái hòa nhập với cuộc sống xã hội trong tài khóa 2023.
Ngày 3/4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy có tới gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước này có tâm lý xa lánh xã hội, trong đó khoảng 20% bị cho là do áp lực từ đại dịch COVID-19. Hiện số hikikomori tại Nhật Bản chiếm khoảng 2% số người trong độ tuổi từ 15 đến 62.
Khoảng 20% số người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 15-39 cho biết đã "ngắt" kết nối với xã hội trong khoảng từ 6 tháng tới 1 năm. Hơn 20% cho biết gặp vấn đề trong quan hệ với người khác, trong khi khoảng 18% nói đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến họ không còn hứng thú với giao tiếp xã hội. Trong khi đó, khoảng 44,5% số người trong độ tuổi từ 40-64 tham gia khảo sát cho biết hành vi xa lánh xã hội của họ bắt nguồn sau khi nghỉ việc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất