19/10/2012 13:44 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Ta sẽ dừng lại kỹ hơn ở các nội dung được Ngọa Triều (Vũ Trọng Phụng) đề cập trong mục “Đếm xỉa người và vật” trên Hà Nội Báo năm 1936 - 1937. Những tác động chính trị của chính phủ bình dân Pháp đến Đông Dương được Vũ Trọng Phụng theo dõi sát sao và nêu ra một loạt hiện tượng đặc thù.
Phẫn nộ trước cái chết của bác thợ xẻ
Vũ Trọng Phụng lên án báo Trung Bắc khi đưa tin về việc một số thợ xẻ đình công đòi chủ tăng lương, đã cho rằng đó là một vụ “đình công có tổ chức” khiến sở liêm phóng mở điều tra; người ta tìm thấy trong túi áo bác thợ Cả Bản một mảnh giấy có mấy câu vè khuyên anh em thợ nên đồng lòng với nhau để việc xin tăng lương thành công. Bị buộc phải khai ai là tác giả bài vè kia, nhưng người ấy đã bỏ trốn, bác thợ bèn thắt cổ tự vẫn!
Vũ Trọng Phụng, dưới bút danh Ngọa Triều, phẫn nộ:
“Sao báo Trung Bắc cả gan gọi một bài vè là một sự tổ chức đến nỗi công chúng phải ngộ nhận là một vụ rối loạn, một việc rất thường?
Báo ấy có ý buộc tội cho phái người phản đối ông Phạm Huy Lục mà báo ấy gọi là cộng sản, là quá khích, để họ vào tù chăng? Nếu quả đã có sự tổ chức của một đảng nào thì sự “tổ chức” lại bằng một bài vè điệu Tống Trân-Cúc Hoa được ư?
Dù sao nữa, ta chỉ biết rằng, giữa lúc chính phủ Bình dân ban hành những luật lao động mới, giữa lúc người trong nước ai cũng nói đến chánh kiến với nguyện vọng, thì một người thợ xẻ đã thiệt mạng, đã phải tự tử, chỉ bởi cái lỗi dám kêu xin các ông chủ thí cho mình mỗi ngày thêm vài xu, nuôi vợ và nuôi con.
Cái sự thực khốn nạn là như thế.
Cái tâm địa của phái chủ nhân ông đối với thợ thuyền thật đã rõ rệt.
Chúng tôi muốn biết: ai sẽ có trách nhiệm về cái chết kia?
Chúng tôi muốn hiểu: làm rối loạn trật tự là bọn chủ hay bọn thợ thuyền?”
(Tội ác của báo “Trung Bắc” // H.N. B., s. 43, ngày 28.10.1936)
Ngọa Triều tường thuật các phiên họp của Viện Dân biểu Bắc Kỳ như những màn hài kịch: một dân biểu hỏi sở lục lộ vì sao để vỡ đê, viên chánh kỹ sư lục lộ im lặng không chịu giải đáp, viên đổng lý thay mặt Thống sứ trả lời thay rằng đê vỡ là tại trời mưa, tại nước, tại sóng! Một ông nghị khác hỏi vụ một viên chánh lục lộ tỉnh nọ ăn hối lộ, bị đổi đi nơi khác rồi lại thôi; viên chánh kỹ sư lục lộ phủ nhận việc ấy, nhưng lại đe dân biểu nọ hãy liệu chừng sự trả đũa của viên chánh lục lộ kia! Dẫu có những màn kịch… hề như vậy, Ngọa Triều vẫn ghi nhận:
“Dân viện năm nay xem ra tranh biện có vẻ kịch liệt hơn mọi năm nhiều. Người ta tranh luận về việc cho tự do mở trường tư, xin giảm thuế, về thái độ kiêu căng của ông chánh kỹ sư lục lộ, v.v…
Chẳng biết rằng những cuộc tranh luận kịch liệt này có thể ảnh hưởng cho những điều yêu cầu được chút nào không? - nghĩa là không biết những điều yêu cầu có sẽ vì những cuộc tranh luận kịch liệt này mà không đến nỗi bỏ xó như những điều yêu cầu của mọi năm không – Nhưng nó đã đủ tỏ ra rằng ngày nay viện Dân biểu đã đỡ “gật”, viện đã chú trọng đến chính trị trong nước hơn trước. Viện Dân biểu Trung Kỳ, cũng như Viện Dân biểu Bắc Kỳ năm nay, ở trong cái tình thế và hoàn cảnh hiện thời, mà làm được hăng hái như thế, kể cũng là trọn bổn phận vậy”
(Từ Dân viện Trung kỳ… đến Dân viện Bắc Kỳ // H.N.B., s. 43, ngày 28.10.1936)
Về những sự việc trong nước do không khí chính trị cởi mở, Ngọa Triều vui mừng ghi nhận sự kiện một số đông chính trị phạm được tha, đồng thời cũng “kêu” giúp họ vì sự quản thúc gây cản trở họ làm ăn sinh sống. (Chính trị phạm được tha // H.N.B., s. 44, ngày 4.11.1936). Ông ghi nhận sự tích cực của việc mở trường tự do. Ông không quên ghi việc nhân tài về nước nhân Hoàng Xuân Hãn trở về với tấm bằng agrégé (thạc sĩ), … Tất nhiên, ngòi bút châm biếm dưới bút danh Ngọa Triều không thể bỏ qua những hiện tượng phản cảm, từ việc viên thượng thư bộ Lại ra lệnh cấm sách ngay khi có lời rao nhan đề cuốn sách ấy trên báo, mặc dù nó còn chưa hề được viết ra (Cấm, cấm và cấm // H.N.B., s. 44, ngày 4.11.1936), đến việc Đốc lý Hà Nội Virgiti tính toán luẩn quẩn: định lấp hồ Bảy Mẫu để làm nhà ở vì dân cư Hà Nội đông, nhưng để có tiền san lấp lại toan đánh thuế cư trú, thứ thuế sẽ đuổi cư dân khỏi Hà Nội (Ông Đốc lý Virgiti trù với tính // H.N.B., s. 50, ngày 16.12.1936), rồi chuyện giám thị nhà máy sợi Nam Định đánh trụy thai một lao động nữ (Nhà máy sợi // H.N.B., s. 45, ngày 11.11.1936).
Mục “Đếm xỉa...” trên Hà Nội Báo |
Chất vấn nhà báo "chính quốc"
Điều đặc biệt đáng kể là Ngọa Triều dám chất vấn nhà báo kỳ cựu người Pháp Ernest Babut (1878-1962), nhà hoạt động nhân quyền, ra báo chữ Pháp ở Đông Dương để bênh vực dân thuộc địa; điều Ngọa Triều muốn hỏi ông chủ nhiệm tờ Pháp-Việt tạp chí (Revue Franco-Annamite) là: ông là đảng viên xã hội, vậy vì sao ông lại gián tiếp bài xích phong trào Đông Dương đại hội qua việc bài xích tất cả những tờ báo cơ quan của phong trào này, trong khi chi nhánh đảng xã hội Pháp ở Nam Kỳ lại hết sức tán thành Đông Dương đại hội? (Ông Ernest Babut cũng trong đảng xã hội đấy! // H.N.B., s. 41, ngày 14.10.1936).
Cuộc “chất vấn” này không có kết thúc, tuy E. Babut có lời đáp, nhưng chỉ là một câu hỏi bâng quơ đối với tờ báo chữ Việt mà ông coi là “nhỏ”; có lẽ đằng sau chuyện này là những khoảng cách khá lớn đương thời giữa 2 làng báo Pháp và Việt, giữa quan niệm và hành động của những nhóm đảng viên xã hội khác nhau, v.v… mà nhà văn trẻ tuổi Vũ Trọng Phụng (năm ấy ông 24 tuổi) còn chưa thấy ra những uẩn khúc của nó.
Báo chí đồng hành cùng với văn chương
Tờ Hà Nội Báo bị cấm sau số 55 (20/1/1937) đã khiến dòng văn chính luận đang có đà mạnh mẽ này bỗng nhiên bị chững lại. Nhưng chừng đó cũng đã đủ để thấy cả khuynh hướng lẫn sự nhiệt thành của nhà văn Vũ Trọng Phụng đối với các vấn đề xã hội đang sôi động đương thời.
Ta cũng đừng quên, chùm văn báo chí này được viết và công bố ngay sau khi tiểu thuyết Giông tố và phóng sự Cơm thầy cơm cô vừa đăng xong, và tiểu thuyết hoạt kê Số đỏ thì đang xuất hiện từng chương trên Hà Nội Báo, cùng với chùm bài này.
Nó chẳng những cho thấy dòng văn nghệ thuật ở một cây bút như Vũ Trọng Phụng có thể đồng hành với dòng văn báo chí chính luận, mà còn cho thấy người đang sáng tạo những giá trị nghệ thuật sẽ còn lại muôn đời cũng là người không quên lên tiếng tranh đấu cho những lợi ích sống còn trước mắt của đồng bào, đồng loại, trước hết là những người bị thiệt thòi, những người lao động, những người đau khổ.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất