Thịt bẩn “tăng tốc” vào thành phố những ngày giáp Tết

18/01/2013 15:04 GMT+7 | Y tế

Liên tiếp những vụ vận chuyển thịt gia súc trái phép vào thành phố tiêu thụ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Càng về cuối năm, tình trạng thịt “lậu” ồ ạt tràn vào thành phố càng "nóng" và phức tạp.

Thịt bẩn “tăng tốc”

Một buổi sáng đầu tháng 1/2013, chiếc xe khách chất lượng cao BKS 75B – 003.66 của nhà xe Phi Long đang chạy trên quốc lộ 1A hướng về thành phố thì bị CSGT dừng xe kiểm tra. Lái xe Phan Đình Tý (40 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) bình thản trình các loại giấy tờ. Nhân viên Trạm kiểm dịch Thủ Đức xuất hiện, phối hợp với CSGT Đội Rạch Chiếc yêu cầu tài xế Tý mở khoang hành lý để kiểm tra. Cửa khoang chứa đồ mở ra, lực lượng chức năng phát hiện 11 thùng xốp chở hơn 200 con heo sữa trong tình trạng đã bốc mùi, chảy nước. Tổ liên ngành đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với chiếc xe khách chở heo “lậu” và tịch thu toàn bộ số hàng không rõ nguồn gốc này đem tiêu hủy.


Thịt không rõ nguồn gốc "núp bóng" trong xe khách chất lượng cao

Tiếp đến là xe khách BKS 43X - 4836 chạy tuyến Đà Nẵng - Bến xe An Sương, TPHCM) do ông Trương Hùng Lâm (39 tuổi, ngụ Quảng Nam), bị Đội CSGT Rạch Chiếc và Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức chặn lại kiểm tra tại quốc lộ 1A. Trên xe có 30 thùng xốp chứa heo sữa, da mỡ heo và ruột non heo đi từ Quảng Ngãi về TPHCM tiêu thụ. Trong lô hàng này, chỉ có 507kg thịt heo sữa có dấu kiểm soát giết mổ, có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y Quảng Nam. Số còn lại không rõ nguồn gốc buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Sau đó không lâu, 23 thùng xốp chứa 324 con heo sữa với tổng khối lượng 1.426 kg cũng bị lực lương chức năng phát hiện trên xe khách chất lượng cao chạy từ Miền Trung về TPHCM. Trong đó, một số con bị xuất huyết điểm ở phần dưới da, tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhiều thùng heo sữa đã bốc mùi hôi thối. Số hàng trên được chuyển từ Quảng Ngãi vào quận 11 và huyện Hóc Môn tiêu thụ.

Cũng trong những tháng cuối năm 2012, các nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã bắt giữ xe tải mang biển số 54V-1725 lưu thông theo hướng từ Đồng Nai về TPHCM chở 1.250 kg phụ phẩm động vật, chủ yếu là lòng, mỡ, da lợn, nội tạng bò đã bốc mùi, đang trong quá trình phân hủy.

Số hàng này được đưa từ chợ Biên Hòa (Đồng Nai) về chợ Gò Vấp (TPHCM) để tiêu thụ và vụ chở “lậu” 13 con bò thịt, 544kg mỡ bò, 25 tấm da bò (965kg)…


Gian nan chống thịt bẩn


Nhân viên Trạm kiểm dịch xử lí số hàng vi phạm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường đi của thịt “bẩn” từ các địa phương trước khi đổ về TPHCM phải qua 4 cửa ngõ của TP: Trạm Xuân Hiệp (quốc lộ 1K), Trạm Hóc Môn (trên quốc lộ 22), Trạm An Lạc (từ các tỉnh miền Tây về) và Trạm KDĐV Thủ Đức.

Do đóng tại cửa ngõ phía Đông nên Trạm KDĐV Thủ Đức luôn là điểm “nóng” về thịt “lậu”. Hàng chục tấn thịt mỗi ngày từ rất nhiều địa phương đổ về như: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý, ngăn chặn các vụ vận chuyển như trên rất khó khăn bởi các đối tượng vận chuyển ngày càng tinh vi hơn. Đa phần các loại thịt “bẩn” được vận chuyển giữa đêm khuya với địa điểm tập kết phía bên kia chân cầu Đồng Nai để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Thậm chí còn có tình trạng nhà xe cho người đi trước dò đường, nếu phát hiện cán bộ kiểm dịch đi kiểm tra thì né tránh hoặc phân nhỏ hàng vận chuyển bằng xe máy qua các đường tiểu ngạch.

Bà Đặng Thị Tuyết - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết; những tháng cuối năm tình hình vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện các đơn vị chức năng liên quan đã được chỉ đạo phải tăng cường tiến hành kiểm tra các lò giết mổ tập trung, đồng thời tăng cường kiểm tra thực phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố chế biến, tiêu thụ.

Nhiều xe mang danh nghĩa là xe chất lượng cao, trên xe chở đầy khách nhưng chứa bên dưới khoang chứa đồ chứa toàn thịt thối, phụ phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài phương tiện xe khách, các đối tượng còn ngụy trang để vận chuyển trên xe buýt, xe đông lạnh, xe tải, thậm chí cả xe du lịch hạng sang.

Theo Trạm thú y huyện Bình Chánh, việc xử lý hiện nay vẫn là tịch thu tiêu hủy tang vật và xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Để chấn chỉnh trong thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Nên có đầy đủ lực lượng chức năng, nhất là có công an thì người vi phạm mới chấp hành. Thực tế nhiều lần, nhân viên kiểm dịch đến kiểm tra, thu giữ thịt gia súc vi phạm đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của các đối tượng manh động.

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm