Vụ SVB phá sản: Vì đâu nên nỗi?

14/03/2023 16:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Đã có những dấu hiệu cảnh báo từ trước khi xảy ra vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hồi tuần trước, nhưng không chỉ giới đầu tư và cả các cơ quan quản lý ngân hàng đã bỏ qua chúng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 13/3 cho biết sẽ xem xét, đánh giá lại một cách "toàn diện, minh bạch và nhanh chóng" công tác giám sát SVB và kết quả sẽ được công bố vào ngày 1/5 tới. Qua đó, Fed thừa nhận rằng cơ quan này đã có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giám sát của mình.

Tổng thống Joe Biden cũng đã cam kết xem xét toàn diện diễn biến sự việc, và sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý thắt chặt quy định trong lĩnh vực ngân hàng.

Vụ SVB phá sản: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Khách hàng chờ bên ngoài trụ sở ngân hàng SVB ở Santa Clara, California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Arthur Wilmarth, Giáo sư luật của đại học George Washington University, nhận định sự sụp đổ của SVB, và sau đó là Signature Bank, đã cho thấy những thiếu sót trong các cải cách về quy định được thực hiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhìn lại SVB, người ta có thể thấy được những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong mô hình kinh doanh của ngân hàng này, khi nó hoạt động tập trung quá nhiều vào các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ, vốn là một lĩnh vực nhiều rủi ro tương tự như lĩnh vực bất động sản thương mại hay các thị trường mới nổi. Các lĩnh vực này đã từng gây nhiều rắc rối cho các ngân hàng trong quá khứ.

Ông Wilmarth chỉ ra rằng SVB đã phát triển rất nhanh trong giai đoạn từ năm 2020-2022, và các loại trái phiếu có lãi suất cố định kỳ hạn dài đã khiến ngân hàng này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Đó gần như là một công thức chắc chắn cho sự thất bại. Nếu nền kinh tế biến động, bạn sẽ bắt đầu gặp rắc rối", và đáng lẽ các cơ quan quản lý phải chú ý đến những dấu hiệu này.

Vụ SVB phá sản: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhắc đến việc nới lỏng các điều luật được ban hành sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Đạo luật về cải cách và bảo vệ người tiêu dùng Dodd-Frank năm 2010 ban đầu ban hành các yêu cầu cao hơn về vốn, thanh khoản và các vấn đề khác đối với các ngân hàng có giá trị tài sản 50 tỷ USD trở lên. Nhưng đến năm 2018, với sự ủng hộ từ cựu Tổng thống Donald Trump, ngưỡng này được nâng lên mức 250 tỷ USD, và vì thế mà các quy định trên được áp dụng với ít ngân hàng hơn.

Tuy nhiên, bà Anna Gelpern, Giáo sư luật của đại học Georgetown University, cho rằng sự thay đổi về mặt luật pháp đó không thể bào chữa cho các cơ quan quản lý trong các vụ phá sản lần này. Theo bà, khi các yêu cầu trong quy định được nới lỏng vì cho rằng các tổ chức đó không gây ra nguy cơ cho hệ thống vì quy mô nhỏ hay các thể chế này dễ quản lý, công tác giám sát truyền thống càng phải chặt chẽ hơn vì đã không còn "báo động" tự động "reo lên" theo các yêu cầu.

Ông Michael Ohlrogge, Giáo sư luật của đại học New York University, cho biết các cơ quan quản lý thường rất ít hoặc không chú ý đến các yêu cầu về vốn ngân hàng đối với các loại chứng khoán có liên quan đến trái phiếu chính phủ vì chúng được xem là an toàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng "nhẹ tay" với các ngân hàng có người gửi tiền hơn 250.000 USD, mức hạn mức bảo hiểm tiền gửi liên bang, vì tin rằng ngân hàng đó có mối quan hệ làm ăn lớn với các khách hàng này. Vì thế, cần xem xét lại một cách nghiêm túc hơn về nguy cơ từ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.

Khánh Ly/TTXVN (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm