Vụ Suarez: Tình yêu mù quáng?

25/12/2011 10:41 GMT+7

(TT&VH) - Bóng đá từ trước đến giờ là một trong những môn thể thao tiên phong của phong trào chống phân biệt chủng tộc, nhưng phản ứng mới đây của 2 CLB hàng đầu nước Anh đã khiến nhiều người thất vọng.

Mới cách đây không đầy 5 tháng, khi Liverpool đá trận giao hữu đầu mùa với đội bóng Na Uy Valerenga ngày 1/8, các cầu thủ của họ ra sân với tấm biển đề dòng chữ “thẻ đỏ cho phân biệt chủng tộc”, như một sự bày tỏ thái độ với vụ tấn công kinh hoàng tại quê hương của đối thủ họ do kẻ cuồng sát cực hữu Anders Behring Breivik tiến hành, làm 77 người, hầu hết là thanh thiếu niên, thiệt mạng.


Suarez phải nhận án treo giò 8 trận - Ảnh Getty

Tất nhiên, không thể nói rằng các cầu thủ áo đỏ đã phản bội lại lời kêu gọi của họ, nhưng cách mà Liverpool chính thức ủng hộ Luis Suarez, người vừa bị cấm đá 8 trận vì có lời lẽ phân biệt chủng tộc với Patrice Evra, khiến nhiều người thấy phiền lòng. Vẫn biết tình yêu là mù quáng, nhưng khi các CĐV áo đỏ giơ cao những biểu ngữ ủng hộ tiền đạo người Uruguay ở sân DW của Wigan vào cuối tuần, tất cả các cầu thủ Liverpool đều mặc áo tập có hình Suarez, ban lãnh đạo đội bóng quyết liệt bảo vệ cầu thủ của mình và khẳng định sẽ kháng án đến cùng, có vẻ như The Kop đang đi quá giới hạn. Tương tự như vậy là tình huống của John Terry ở Chelsea, nạn nhân lần này là Anton Ferdinand và cảnh sát Anh đã vào cuộc, trong sự chống đối dữ dội của các CĐV và ban lãnh đạo Stamford Bridge.

Công bằng mà nói, trong thập kỷ vừa qua, sự toàn cầu hóa mạnh mẽ của Premier League, sự chấp nhận đa dạng và sự kiên quyết trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc trên các sân bóng Anh đã đóng góp những giá trị quý báu vào việc hòa hợp một xã hội ngay càng đa dạng, không chỉ về màu da, mà cả tín ngưỡng và những giá trị sống, như ở các thành phố lớn của đảo quốc sương mù.

Nếu như những năm 1980, các sân bóng đôi khi trở thành địa ngục với các cầu thủ da màu, thì các chiến dịch Kick it Out (Đá văng phân biệt chủng tộc) và Show Racism the Red Card (Thẻ đỏ cho phân biệt chủng tộc) đã giúp dần xóa nhòa khái niệm màu da trong bóng đá Anh. Tất cả những đối tượng liên quan của bóng đá Anh, từ nhà chức trách, bao gồm LĐBĐ (FA), ban tổ chức Premier League, đến các hội CĐV, các CLB và bản thân các cầu thủ, đều ý thức sâu sắc rằng mọi hành vi phân biệt chủng tộc, dù là nhỏ nhất, đều là hết sức nghiêm trọng. Cách hành xử ở Liverpool và Chelsea trong mấy ngày qua đang đe dọa những giá trị đã được dày công xây dựng đó.

Ngay sau trận đấu ngày 15/10 giữa M.U và Liverpool, khi Evra công khai việc anh bị xúc phạm bởi Suarez trên truyền hình Pháp, lập trường của Anfield đã rất dứt khoát. “Luis kiên quyết cho rằng anh ấy không sử dụng từ ngữ với ý định phân biệt chủng tộc và CLB hoàn toàn ủng hộ anh”, một người phát ngôn của Liverpool nói. Ngày 28/10, Kenny Dalglish xác nhận lại lập trường đó, đồng thời còn đế thêm rằng nếu Suarez bị phạt, thì kẻ khiêu khích, là Evra, cũng phải nhận hình phạt tương tự.

Trong trường hợp của Chelsea, phản ứng sau cuộc đụng đầu Terry-Ferdinand ở Loftus Road ngày 23/10 thậm chí còn dứt khoát hơn. “Anh ấy đã có tuyên bố của riêng mình và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ John”, HLV Andre Villas-Boas nói. “Anh ấy đã nói với tôi đó là một sự hiểu lầm lớn. Đó là lý do tại sao anh ấy đưa ra tuyên bố ngay lập tức. Tôi thấy lạ là mọi người lại không tin tưởng những lời của một đại diện cho đất nước, đội trưởng đội tuyển Anh”.

Khoan hãy nói chuyện đúng sai, ngay cả khi chưa có kết luận cuối cùng, sự ủng hộ với một tình yêu mù quáng như thế rõ ràng là quá vội vã. Không điều tra, không đọc các kết luận, không lắng nghe bên cáo buộc, cả Liverpool và Chelsea phủ nhận gần như ngay lập tức khả năng cầu thủ của họ, đều là những ngôi sao lớn và gần như không thể thiếu trong đội hình, là người có lỗi.

Đến giờ, có một điều đã rõ ràng, các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc phải được tôn trọng đúng như bản chất của nó, với một lương tâm bóng đá trong sáng, không thiên vị, chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu suông, kèm theo cách giải thích được hiểu là “chúng tôi ủng hộ chống phân biệt chủng tộc, miễn là chúng tôi không bị buộc tội”.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm