Vụ NSND Lan Hương bỏ dở chuyến đi Trường Sa: Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng

07/05/2016 21:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin “Em bé Hà Nội” NSND Lan Hương bỏ dở chuyến đi Trường Sa ngay sau khi vừa lên tàu nhận phòng đã tạo ra một cú sốc lớn đối với dư luận trong ngày hôm nay. Sốc bởi lẽ, những người đăng tải và loan truyền thông tin này trên mạng xã hội đã hướng dư luận hiểu theo nghĩa, Lan Hương đã chê điều kiện sinh hoạt trên tàu không tốt, nên “bỏ cuộc chơi”.

Và như thế, hình ảnh Lan Hương hiện lên chẳng khác gì một kẻ “đào ngũ”, khiến dư luận bức xúc và có “anh hùng bàn phím” còn đòi tước danh hiệu của chị.

Nhưng thông tin sau đó đã rất rõ ràng, lý do chị phải bỏ dở chuyến đi Trường Sa là vì sức khỏe không đảm bảo.

 “Khi xuống tàu, hơi máy, hơi dầu xộc lên, tôi bị ngạt thở nên sợ đi đường không may xảy ra chuyện gì sẽ phiền mọi người. Tôi cũng đang ốm chưa khỏi..” - NSND Lan Hương giải thích và cho biết thêm, trước khi dừng chuyến đi, chị đã xin phép cẩn thận và nhận được sự đồng ý lãnh đạo đoàn…


Hình ảnh Lan Hương phải bỏ chuyến đi Trường Sa

 Tình huống mà Lan Hương gặp phải không phải là hiếm gặp trong cuộc sống này.

Trong chúng ta, ai cũng ít nhất một lần phải bỏ lỡ, hay bỏ dở một cuộc hành trình nào đó, vì những lý do bất khả kháng, mà vấn đề sức khỏe là điều không ai có thể tiên lượng được.

Thanh niên trai tráng tràn trề sức khỏe, sinh lực có lẽ không hiểu hết được những vấn đề sức khỏe của chị em phụ nữ ở tuổi đã 40 – 50 gặp phải. Đơn cử như vấn đề say xe, say tàu thôi, có chị em chết đi sống lại khi vừa thò đầu lên ô tô (chứ chưa nói bồng bềnh trên tàu thủy).

Nhưng đáng nói là tình cảnh riêng của NSND Lan Hương đã không được một số người cảm thông, chia sẻ mà lại bị lu loa lên theo chiều hướng khác.

Chẳng cứ trong hành trình ra Trường Sa, nơi tuyến đầu thiêng liêng của tổ quốc, mà đi bất cứ nơi đâu, thì có lẽ điều đầu tiên trong văn hóa ứng xử của chúng ta là phải quan tâm giúp đỡ những người bạn đồng hành của mình, nhất là phụ nữ. Cách ứng xử đó sẽ “văn hóa” hơn là lên mạng viết status suy đoán về tình cảnh của bạn đồng hành và quy chụp người đó thiếu ý thức hoặc hèn yếu. Qua đó, phải chăng người viết muốn chứng tỏ rằng, bản thân mình mới can đảm, bản lĩnh và yêu tổ quốc?

Tình cảm với Trường Sa, với tổ quốc với mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là với một nghệ sĩ lớn như Lan Hương là điều không nên nghi ngờ và không được phép quy chụp qua những tình huống mà mình chưa hiểu rõ.

Ông cha ta nói: Vàng đây chẳng phải đồng đâu/ Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.

- "...Bố cháu cũng Hải quân mà. Trước khi cháu mất bố, cháu ước ao ra biển mà không thực hiện được" - NSND Lan Hương chia sẻ những điều gan ruột như thế với nhà văn Xuân Đức khi chị bị quy chụp là thiếu ý thức khi phải bỏ dở chuyến đi Trường Sa.


            ***

Bây giờ tôi muốn chia sẻ cùng những độc giả đã đang hoặc sẽ lên đường đi Trường Sa với tư cách là người đã từng trải nghiệm.

Cũng không có gì đáng xấu hổ, nếu như trước chuyến đi, chúng ta lo lắng về tàu bè, sóng nước, chuyện ăn ở sinh hoạt trên tàu, chuyện lên xuống đảo, chuyện thuốc men khi ốm đau và cả chuyện… phải nói năng với các cán bộ chiến sỹ trên đảo như thế nào nữa.

Bởi lẽ đa số mọi người đều mới đi Trường Sa lần đầu, thậm chí nhiều người còn chưa bao giờ được đi tàu biển.

Cho nên lo cho chính mình trước chuyến đi dài ngày cũng là lo cho mọi người và thể hiện trách nhiệm của mình khi đi công tác ở nơi tuyến đầu của tổ quốc.  

Mấy hôm nay, một anh bạn thân thiết của tôi, chuẩn bị đi công tác Trường Sa chuyến tới cũng đặt ra vô vàn những câu hỏi như thế.

Nhưng, những lo lắng đó ngay lập tức tan biến khi trò chuyện với những người đã đi trước, và nhất là khi được sự giải đáp, hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ của các cán bộ tổ chức chuyến đi.

Với sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cán bộ tổ chức, có thể nói ngắn gọn rằng, đi Trường Sa, ngoài các vật dụng cá nhân tối thiểu, chúng ta không phải lo lắng điều gì, không phải mang theo thứ gì, ngoài tình cảm đối với các cán bộ chiến sỹ trên đảo, với vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Tất nhiên, ra Trường Sa là đi công tác, nên mỗi người cần phải chuẩn bị những hành trang riêng để phục vụ cho nhiệm vụ công tác của mình.

Có gian nan, có vất vả, nhưng bất kỳ ai đi Trường Sa đều cảm động đến rơi nước mắt khi chứng kiến sự quan tâm, chăm sóc của ban tổ chức các chuyến đi, và đều ngạc nhiên trước sự chuyên nghiệp của khâu tổ chức cũng như sự hiện đại, thậm chí là tiện nghi của các trang thiết bị.

Đó là những điều mà trước chuyến đi, đa số mọi người đều không thể hình dung nổi.

Ai lên tàu mới thấy những lo lắng trước đó của mình là quá thừa. Và tất cả những người đi Trường Sa rồi đều ao ước được đi… vài chuyến nữa.

Tất cả những người cùng đi chung một chuyến Trường Sa đều trở thành bạn bè thân thiết với nhau kể cả khi lên bờ trở về với cuộc sống bình thường.

Vả lại, trong suốt chuyến đi ai cũng thấy, những gian nan vất vả của mình dường như chẳng thấm vào đâu khi chứng kiến cuộc sống sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ trên các hòn đảo.

Cho nên ai đó nghi ngờ Lan Hương chê điều kiện sinh hoạt trên tàu, ngại vất vả nên bỏ dở chuyến đi là rất thiếu suy nghĩ và không phản ánh đúng thực tế.

Càng thiếu suy nghĩ hơn khi viết về chuyến đi ngay khi tàu vừa khởi hành. Người viết status về Lan Hương đã tôn trọng kỷ luật của chuyến đi hay chưa?

        ****

Tôi chia sẻ những điều kiện sinh hoạt, công tác khi ra Trường Sa kể trên để mọi người hiểu thêm rằng, được ra công tác Trường Sa là một cơ hội lớn, mà chúng ta không thể có nhiều lần trong đời (vì còn phải nhường cho những người chưa đi).

Cho nên, khi mình may mắn được đi thì hãy xem như đó là một sự ưu ái, một sự tưởng thưởng, chứ đừng xem như một chiến tích để khoe khoang, lên măt, chứng tỏ bản thân mình. Đồng thời, hãy cảm thông với những người vì lý do bất khả kháng mà phải bỏ dở hành trình như NSND Lan Hương.

                Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm