Ăn cỗ hay lội nước?

02/10/2015 06:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bài Hải khẩu dạ bạc hữu cảm (Cảm hứng đêm neo thuyền ở cửa biển), thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442) nhắc lại một ý niệm mà ông suốt đời theo đuổi: “Bình sinh độc bão tiên ưu niệm” (Một mình suốt đời nuôi cái ý niệm luôn lo trước).

Tư tưởng này đã giúp Lê Lợi làm nên đại nghiệp, nhưng sau đó lại thành tai họa với chính Nguyễn Trãi. Tư tưởng ấy được cho là đã kế thừa, nâng tầm từ Phạm Trọng Yêm (989 - 1052), thời Bắc Tống, người nổi tiếng với câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Triều đại Tống và triều đại Hậu Lê được hưởng thái bình, thịnh trị, dù ngắn dù dài là nhờ những vị quan đã chọn việc “lội nước đi trước, ăn cỗ theo sau”. Ngày nay, liệu tư tưởng “lo trước, vui sau” có còn giá trị?

Nhà thơ - nhà báo Đinh Thu Hiền: Lòng tham và sự ích kỷ

Một đứa trẻ sinh ra đời, chẳng bao giờ cất tiếng cười, mà chỉ là khóc toáng lên và bàn tay nắm chặt lại. Về mặt y học, cách giải thích sẽ khác lắm. Nhưng với linh giác của con người, thì đó là biểu hiện của sự đau khổ và tham lam. Một số phận bước vào cuộc đời, phía trước là chặng đường dài những sân si của kiếp nạn.

Có lần một người anh họ điện thoại cho tôi, kể chuyện đang chạy việc cho thằng con trai vào làm điều dưỡng trong một bệnh viện tỉnh ở phía Bắc. Anh nói có thể sẽ hết tới 300 triệu đồng chứ không ít. Hỏi lương mỗi tháng nhận được sẽ là bao nhiêu, anh trả lời chắc chỉ khoảng 4-5 triệu đồng.


Nhà thơ - nhà báo Đinh Thu Hiền

Tôi rất ngạc nhiên, với số tiền ấy thì để xài vào việc khác, chứ làm vậy biết bao giờ mới thu huề vốn! Anh cười, thế mà ai cũng muốn chạy việc vào Nhà nước để làm. Có “chân” trong Nhà nước rồi, từ từ tìm cách để lấy lại mấy hồi. Và cũng lại từ từ mà leo lên chức cao hơn. Cứ thế, cứ thế. Không bao giờ sợ lỗ, cứ yên tâm.

Bọn trẻ có vẻ cũng thấm dần chân lý ấy của cha mẹ. Bữa tôi ghé qua nhà một người quen, cậu con trai nhà ấy khoe vừa đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự về. Cậu chẳng cận thị hay loạn thị gì, nhưng khi khám mắt thì cứ đọc búa xua sai bét nhè, khiến bác sĩ kết luận là vừa cận vừa loạn rất nặng, không đủ sức khỏe. Đến khi hỏi thăm gia cảnh, thì cậu bé lại phịa rằng, cha mẹ con làm ở đó, ở đó, nhưng họ đều bị bệnh ung thư hết rồi, người bệnh này, người bệnh khác. Nghe rất thảm.

Thấy vậy, người ta đánh giá rằng cậu bé này không đủ tiêu chuẩn để tham gia nghĩa vụ quân sự. Chẳng biết rõ mọi thứ ra sao, nhưng cậu cũng hiểu rằng, vậy là “thoát”! Cách cậu kể lại cho ba mẹ nghe rất khoái chí, còn phụ huynh cậu thì cười sung sướng vì hóa ra con mình rất khôn, đã biết “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Nếu để nó ra ngoài đời thì chẳng còn lo lắng gì nữa, mẹ cậu cho biết.

Có câu hát rất đáng suy ngẫm, trong bài Một rừng cây, một đời người: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Trên đời có người khôn, kẻ khờ mới tạo ra xã hội. Nhưng khôn hết, thiên hạ biết sống làm sao đây! Mà hình như càng ngày càng ít kẻ khờ thì phải!

Nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn: Đời không dễ chịu với kẻ khôn vặt

Nhớ hồi nhỏ đi học, khi cô giáo giảng đến câu này (“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”), tôi vặn hỏi cắc cớ: Lỡ đường làng đường ruộng bị ngập, phải lội nước đi ăn cỗ thì sao, đi trước hay đi sau? Tụi bạn cười ré nhao nhao hét lên…: “Đi giữa!”.

Té ra chúng cũng “khôn” ra phết. Riêng cô giáo thì quan điểm rõ ràng, cứ bám chặt giáo án mà dạy chứ không chơi kiểu “2 trong 1” như tôi. Rằng, ăn cỗ và lội nước: sướng và khổ luôn tách bạch, đơn giản vậy thôi. Thói đời, sướng thì tranh giành nhau, khổ thì dè chừng, đùn đẩy nhau. Đa phần đều vậy. Khôn lỏi, khôn vặt…


Nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn

Lớn lên, tôi thấy đời không hề đơn giản, tất nhiên. Sướng-khổ, vui-buồn, thành-bại nhiều khi đan chéo, lẫn lộn. Cái người ta tưởng vui mình lại thấy buồn, tưởng gặt hái thành quả nhưng thực ra là đang mất…

Và, cơ-chế-đời bây giờ có vẻ không còn dễ chịu với những kẻ khôn vặt nữa rồi. Nhìn lại, thấy có mấy kẻ khôn lỏi, khôn vặt kiểu “ăn cỗ-lội nước” mà tạo dựng được cơ nghiệp lớn và lâu bền đâu. Thời bây giờ chỉ có khôn đàn, khôn đống, khôn đám... “Khôn” theo từng nhóm lợi ích liên kết móc nối chằng chịt. Kẻ đi sau có khi đang cai quản những thứ “sân sau” khổng lồ béo bở cho người đi trước. Bây giờ mà khôn vặt riêng mình thì cơ bản cuộc đời cũng chỉ ở tầm “lặt vặt” mà thôi!  

Trở lại với câu đang đề cập. Thực ra, cha ông chúng ta buộc phải dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm để có thể tồn tại được giữa những kỷ nguyên mông muội về khoa học kỹ thuật, chỉ biết đứng giữa lũy tre làng “nhìn trời nhìn đất nhìn mây”.

Nhưng công bằng mà nói, về cái sự “khôn”, cha ông cũng để lại nhiều bài học tích cực đến ngày nay. Như “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; “Có khó mới có khôn” (Có trải qua khó khăn mới khôn lên được)…

Còn thời nay, cả thế gian thu vào tầm mắt chỉ với mấy đầu ngón tay nhấn nút các thiết bị nghe-nói-nhìn thông minh. Kho trí khôn của loài người cũng đã được nén vào những công cụ tìm kiếm điện tử như Google… Dẫu vậy, thấy vẫn còn nhiều khôn lỏi. Khôn lỏi, ích kỷ cá nhân nhưng lại tư duy theo lối bầy đàn. Đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật, văn chương nghệ thuật.

Trong sáng tạo, hiện không ít người vừa muốn an toàn, “ăn theo nói leo” kiểu lội nước theo sau, nhưng vẫn luôn muốn được ngồi chiếu trên, được nhắc tên như người tiên phong tìm ra cái mới! Một nền văn chương nghệ thuật có vẻ nhiều màu mè, nhưng ít độc hành, dấn thân. Đa phần thiên về những thứ suy tư, cảm hứng “vặt vãnh”, học đòi lẫn nhau là chính. Phê bình thì cũng chủ yếu theo lối phụ họa…  

Mà thôi. Cụ Tế Xương đã dạy rồi: “Thế sự đua nhau nói dại khôn/Biết ai là dại biết ai khôn”. Thôi cũng không nói nữa, vì khôn dại/dại khôn thời nay chẳng biết đâu mà lần.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm