Vũ Kim Anh: Khi Thợ là Thầy

25/08/2009 07:20 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Ở Đà Nẵng không ai lạ gì về cặp vợ chồng Kim Anh – Hùng Dũng. Cả hai đều là những VĐV thể thao có tên tuổi mà thể thao Đà Nẵng đã sản sinh ra. Hậu vệ Hùng Dũng nhiều năm liền là đội trưởng đội bóng sông Hàn và từng nhiều năm khoác áo ĐTQG, còn Kim Anh nổi tiếng và thu hút được sự chú ý hơn cả chồng của mình bởi cô là một trong những VĐV Karatedo xuất sắc mà làng võ Việt Nam có được…

 

Nữ hoàng “kumite” ở đội Karatedo

 

Đúng như dòng họ “Vũ” mang trên người, Kim Anh được giới trong nghề võ khâm phục vì bảng thành tích huy chương ấn tượng. Nữ võ sĩ Karatedo người gốc Đà Nẵng từng nhiều năm liền thống trị đấu trường Đông Nam Á cũng như châu Á. Có thể gọi Kim Anh bằng mỹ từ “nữ hoàng” cũng là hợp lý. Bởi xét theo khía cạnh chuyên môn hay tâm lý thi đấu, Kim Anh gần như bất bại tại nội dung đối kháng nữ. Theo giới chuyên môn, họ đánh giá cao lối chơi tấn công máu lửa và khôn ngoan của Kim Anh. Còn đối thủ ngán ngại mỗi khi giáp mặt cô bởi sự nhanh nhẹn, chính xác và cực kỳ “lạnh” trong những thời điểm quan trọng. Không chỉ có thành tích “vô đối” ở đấu trường ĐNA, Kim Anh buộc tất cả phải chú ý tới mình khi giành tấm huy chương bạc tại giải Karatedo thế giới tổ chức vào năm 2002.

 

Không lâu sau đó, “cô gái vàng” này trả thù một cách ngoạt ngào đối thủ “ngang tài, ngang sức” người Nhật là Fujioka Eri - lúc đó đang là ĐKVĐ thế giới- trong trận chung kết nội dung đối kháng (kumite) ở ASIAD 14 tổ chức tại Pusan, Hàn Quốc. Kim Anh lần đầu tiên bước lên bục cao nhất trong một giải đấu hàng đầu, cô còn đánh dấu một cột mốc mới cho Karatedo Việt Nam ở đấu trường châu lục. Cùng người đồng đội trong đội tuyển là Nguyễn Trọng Bảo Ngọc giành 2 tấm huy chương vàng ở nội dung Karatedo khẳng định sức mạnh của võ thuật Việt Nam đối với các cường quốc hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 

Riêng Vũ Kim Anh cũng được vinh danh là VĐV tiêu biểu nhất của TTVN năm 2003. Đó là giải thưởng ghi nhận những đóng góp của cô VĐV người gốc Đà Nẵng đối với thể thao nước nhà. Thế nên ngay sau khi Vũ Kim Anh từ giã sự nghiệp thi đấu khiến cho tất cả NHM ngỡ ngàng và thấy tiếc cho một tài năng đang vào độ chín...

 

Kim Anh quyết định từ giã nghiệp là “thợ”, một võ sỹ bởi cô cho rằng dừng đúng lúc cũng là một cách mà chẳng phải ai cũng có thể biết và học được nhưng với cô, đó là điều đã được rèn luyện như cách ra đòn ở môn Karate vậy.

 

Một hạnh phúc viên mãn

 

Vừa kết thúc SEA Games 22, Vũ Kim Anh lên xe hoa cùng đội trưởng đội bóng đá Đà Nẵng, Phạm Hùng Dũng. Cả hai đều là người chính gốc Đà Nẵng và được duyên trời xe nhờ những ngày tập trung tại “Nhổn city”. Phải nói rằng, cặp đôi thể thao này chính là “của hiếm” của thể thao Đà Nẵng. Thế nên sau khi Kim Anh lùi về phía sau sàn đấu làm công tác huấn luyện, cặp vợ chồng này vẫn có được cuộc sống dư dả hơn mọi người.

 

Cặp Kim Anh - Hùng Dũng là "của hiếm" của Thể thao Đà Nẵng

Không giống như nhiều VĐV khác, có cuộc sống khó khăn ngay sau khi rời xa thảm thi đấu. Kim Anh cùng chồng tạo dựng được cuộc sống no đủ và hạnh phúc mà không cần phải vất vả như mọi người nhờ sự “trợ vốn” ban đầu là những khoản tiền thưởng của cả hai. Thế nên tuy sau đó chỉ nhận mức lương “tầm vài triệu” khi làm HLV Karatedo tại TTHL thành phố Đà Nẵng (38 Ngô Gia Tự), Kim Anh vẫn có cuộc sống mà nhiều VĐV hàng đầu như cô cũng phải mơ ước.

 

Dù gì thì gì, cả hai vợ chồng đều rất giỏi làm kinh tế. Ngoài thời gian làm “thầy”, Kim Anh cũng lăn lộn trên thương trường nhằm đảm bảo kinh tế cho gia đình. Sau 6 năm “làm vợ, làm chồng”, Kim Anh cùng Hùng Dũng cũng sinh hai cô con gái kháu khỉnh. Riêng trung vệ Hùng Dũng cũng là một cầu thủ bóng đá có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam. Ngay sau khi chấp nhận rời SHB.Đà Nẵng về đầu quân cho “đại gia” V. Ninh Bình sau khi V-League 2008 kết thúc, Hùng Dũng nhận được mức lương “khủng” cũng như khoản lót tay hàng tỷ đồng. Chưa kể khoản tiền thưởng sau mỗi lần đội nhà giành chiến thắng lên đến vài chục triệu giúp Hùng Dũng thừa sức củng cố vững chắc cho ngôi nhà nhỏ của mình.

 

Thế nên, ở sân Chi Lăng người ta quá quen với hình ảnh Kim Anh chở hai cô công chúa đi chơi hoặc đi dạy của mình trên chiếc xe hơi láng bóng... Thể thao giúp cho hai người tới bên cạnh nhau và cũng nhờ đó giúp cả hai có được một cuộc sống đầy đủ. Đầy đủ đến độ giờ ai mà nói thể thao bạc bẽo lắm e chừng đã lạc hậu. Với Kim Anh và Hùng Dũng, nếu biết tận dụng và biết chắt chiu, người chơi thể thao thừa sức giàu.

 

Nỗi buồn thời “hậu” Kim Anh

 

Sau khi cho ra lò được sản phẩm “chất lượng” Vũ Kim Anh, Karatedo Đà Nẵng gần như không tạo được nhiều dấu ấn trên võ đài quốc gia. Có rất nhiều lý do để đổ lỗi cho việc võ thuật nơi đây đi “chậm” hơn so với các địa phương khác. Có thể do thiếu kinh phí hay không thu hút được những nhân tài về đầu quân. Cách quản lý và đào tạo còn nhiều bất cập, khiến Karatedo nơi này mất đi tầm ảnh hưởng của mình.

 

Cứ nhìn vào Vũ Kim Anh bây giờ thì rõ, cô cũng không còn giữ được nhiệt huyết trong mình. Đối với Kim Anh, việc đào tạo các học trò giờ chỉ còn là thứ yếu khi cuộc sống của Kim Anh có quá nhiều thứ hấp dẫn khác để đeo đuổi thay vì chỉ chăm chăm đấm đá như trước kia. Những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc cô thăng hoa cùng nghề nghiệp vẫn được treo trên tường, vẫn được lưu giữ nhưng rõ ràng nó như chỉ để nhắc nhở về một thời đã qua nhiều hơn là động lực để cô hướng tới.

 

Có nhiều người trách Kim Anh không biết cách truyền thụ võ công của mình cho lứa đàn em, thậm chí có người còn đồn rằng cô “giấu nghề” hoặc đơn giản hơn là cô chỉ thích kiếm tiền. Nhưng có ai hiểu được rằng công tác huấn luyện đâu chỉ đơn thuần là biết đấm, biết đá và đấm giỏi đá giỏi thì thành thầy giỏi. Và đôi khi người ta nhìn vào những gì Kim Anh đang có để rồi trách móc, để rồi có một chút gì đó hình như là ghen tị nhưng thử hỏi, nếu không biết nắm bắt thời cơ, không biết chắt chiu dành dụm và làm thêm thì liệu những số tiền thưởng từ mồ hôi nước mắt kia lý nào còn mãi. Hơn nữa, ai cũng biết khi nghề làm thầy ở ngành thể thao cũng bạc lắm, làm thầy ở cấp cơ sở còn bạc bẽo hơn. Đã từng là VĐV, chính Kim Anh cũng chưa quên việc mỗi khi có huy chương quốc tế, mỗi khi có tiền thưởng thường các VĐV đều phải trích ra để biếu lãnh đạo đoàn thể thao, để biếu HLV của mình tại đội tuyển còn các thầy các cô ở cấp cơ sở, những người phát hiện tài năng thì ai có lòng mới nhớ đến.

 

Thời hậu Kim Anh, người ta chỉ biết thắc mắc vì sao một Vũ Kim Anh đỉnh cao, một Vũ Kim Anh đã sống được, thậm chí là giàu có nhờ vào thể thao thì giờ đây không thể tạo nên được những nhân tài khác. Nhưng có ai đặt ngược câu hỏi, ngoài chuyện yêu cầu thành tích, họ đã làm gì để chăm những người thầy, tạo cho họ những động lực để cảm thấy vinh quang của học trò cũng là vinh quang của mình. Họ đã làm gì để một Kim Anh “thợ” hào hứng trở thành một Kim Anh “thầy” thay vì thích đi làm kinh tế hơn.

 

Mỗi lần gặp người quen, Kim Anh gần như không bao giờ nhắc tới chuyện công việc. Hỏi về giấc mơ đào tạo những học trò đủ sức “chơi” ngang cơ với những đối thủ tới từ Đông Á hay Tây Á, Kim Anh chỉ thở dài và một chút gì bất cần trong ánh mắt. Người viết chợt chạnh lòng khi Kim Anh không còn sôi nổi như ngày nào mà trở nên an phận thủ thường với thế cuộc.

 

Chợt thấy nuối tiếc cho một tài năng như Kim Anh không được dụng võ trong nghiệp huấn luyện. Biết trách ai bây giờ...

 

Bách Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm