Vụ Franck Ribery: “Nhà tù” Munich?

15/07/2009 09:45 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH) -  Nếu xem Allianz Arena ở Munich như một “nhà tù”, thì Franck Ribery phải “thụ án” thêm hai năm nữa, theo như tuyên bố mới nhất của “Tổng quản” Bayern Uli Hoeness.
 
“Ribery không phải để bán. Bayern không phải là một cái chợ và cậu ấy sẽ ở lại”, Hoeness dõng dạc tuyên bố. Từ đầu mùa Hè đến nay, người ta đã quá quen với những điệp khúc kiểu này, được phát đi từ các quan chức cao cấp trong bộ máy lãnh đạo của đội bóng số một nước Đức. Vị “Tổng quản” lão luyện kinh nghiệm trên thương trường này cũng nói thêm rằng “Chúng tôi không sẵn sàng thương lượng, ngay cả khi nhận được những lời đề nghị 70 triệu euro hay hơn thế nữa”. Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì tuyên bố ấy một lần nữa khẳng định Bayern sẽ không để tiền vệ người Pháp ra đi bằng bất cứ giá nào. Anh sẽ ở lại Bayern, thực hiện nốt hai năm còn lại trong bản hợp đồng ký vào mùa Hè 2007, bất chấp Real Madrid, Barcelona hay Chelsea có chở “tiền tấn” đến Munich đi chăng nữa.

Ribery sẽ ở lại Bayern Munich mùa Hè này?
 
 
Nhưng quả thực, trong hoàn cảnh mọi chuyện đang rối như tơ vò như hiện nay, khó có thể hiểu được ý đồ thực chất của Bayern trong vụ Ribery, cố giữ “Gã mặt sẹo” lại Allianz Arena bằng mọi giá, hay tìm cách đẩy anh đi với giá cao nhất có thể. Khả năng thứ nhất thì tương đối dễ hiểu, bởi sau những gì đã thể hiện suốt hai năm qua, Ribery xứng đáng là ngôi sao lớn nhất trong đội hình Bayern, cũng như trên bình diện giải vô địch quốc giá Đức. Đội bóng hùng mạnh một thời này đang tiến hành một cuộc cách mạng sâu rộng, cả về nhân sự lẫn lối chơi, nên việc giữ Ribery lại là mục tiêu hàng đầu. Bayern không quá khát tiền đến mức “bán cả linh hồn”, như vụ Kaka rời AC Milan hay Cristiano Ronaldo rời M.U. Bây giờ nếu có cầm 80 triệu euro trong tay sau khi bán Ribery thì Bayern cũng khó lòng mua được một cầu thủ có trình độ và đẳng cấp tương đương, chưa tính đến việc hoà nhập với lối chơi của toàn đội.

Ở khả năng thứ hai, tình hình có vẻ rối ren hơn. Uli Hoeness không phải là quan chức cao cấp duy nhất của Bayern lên tiếng về vụ Ribery trong mấy ngày qua. Trước đó, cả Chủ tịch Franz Beckenbauer, CEO Karl-Heinz Rummenigge và HLV Louis van Gaal đều đã lần lượt nêu quan điểm của Bayern về tương lai Ribery. Song, chỉ có điều là một người lại nói theo một kiểu, khiến người ta chẳng còn biết tin ai. Trong khi Rummenigge cũng như Hoeness khẳng định chắc như đinh đóng cột là Ribery sẽ ở lại, thì Beckenbauer và Van Gaal lại mập mờ theo kiểu “chưa thấy điểm kết thúc của vụ này, chưa biết tương lai Ribery sẽ như thế nào”. Tại sao những phát ngôn của các quan chức chóp bu này lại thể hiện độ vênh nhất định về quan điểm, phải chăng Bayern đang chơi trò hai mặt, vừa đấm lại vừa xoa Ribery cũng như các đối tác muốn có được sự phục vụ của anh?

Cũng cần phải đặc biệt lưu ý đến con số 70 triệu euro mà Hoeness vừa nhắc đến ở trên. Hôm 7/7 vừa qua, khi ra “tối hậu thư” cho Real Madrid, Bayern đã khẳng định chỉ bán Ribery với giá không dưới 80 triệu euro, đồng thời vụ việc phải được giải quyết dứt điểm trước ngày 16/7, tức hết ngày mai. Jorge Valdano, Tổng Giám đốc Real Madrid, xem đó là một cách “từ chối lịch sự” của Bayern trong vụ Ribery. Quả thực, sẽ là cực kỳ điên rồ nếu có một đội bóng nào đó “đốt” 80 triệu euro để đổi lấy Ribery - cao hơn 15 triệu euro so với Kaka trong khi cả tài năng, danh tiếng lẫn giá trị thương mại thì chưa thể sánh bằng. Từ 80 triệu euro, sau một tuần “chỉ” còn lại 70 triệu euro, phải chăng Bayern hạ giá Ribery khi thấy Real Madrid bỏ cuộc còn Barcelona, Chelsea hay Liverpool chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, thông qua các phương tiện truyền thông đưa ra những tuyên bố “vu vơ”, vô thưởng vô phạt.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về chuyển nhượng cầu thủ, với trường hợp của Ribery ở Bayern, giá trị của anh vào lúc này ước tính chỉ từ 30 đến 40 triệu euro. Tài năng ở mức độ tương đối, danh tiếng vừa phải và giá trị thương mại không cao, rõ ràng Ribery không thể sánh với Kaka hay Ronaldo, nên phí chuyển nhượng cũng chỉ dừng lại ở con số chấp nhận được, cùng lắm lên đến 60 triệu euro là hết cỡ. Nhưng Bayern thì lại không nghĩ vậy, nên tương lai của Ribery vẫn tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi, chủ yếu qua... “thông tấn xã vỉa hè”, tức những tin đồn xuất phát từ tuyên bố của một vài người có liên quan.

Chiến thắng của ECA

Hiệp hội các CLB châu Âu (European Club Association - ECA), tổ chức mới ra đời vào năm 2008 với 153 thành viên là các đội bóng có danh tiếng ở lục địa già, nhằm thay thế cho vai trò có phần hạn chế của nhóm G14 gồm 18 CLB hùng mạnh trước đây, đã đạt được một thỏa thuận ngầm, theo đó họ thống nhất sẽ chống lại “Luật 17” (xuất phát từ điều 17 chương IV trong Điều lệ FIFA, hay còn còn gọi là “Luật Webster”). “Luật 17” cho phép các cầu thủ được quyền “mua” phần còn lại của hợp đồng ký với các CLB sau khi đã thực hiện xong “thời gian bảo hộ”. Khoảng “thời gian bảo hộ” này được quy định là ba năm đối với các cầu thủ từ 23 đến 28 tuổi và giảm xuống còn hai năm đối với các cầu thủ đã trên 28 tuổi, tính ở thời điểm “mua” lại hợp đồng.
 
Thỏa thuận ngầm của ECA, với CEO Karl-Heinz Rummenigge của Bayern là Chủ tịch, được hiểu như sau: Các đội bóng thành viên của tổ chức này sẽ không dung nạp những cầu thủ ra đi bằng cách mua lại hợp đồng theo “Luật 17”, để ngăn chặn một làn sóng, một xu hướng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với bóng đá châu Âu và thế giới. Đó là một đòn mạnh giáng vào Hiệp hội cầu thủ quốc tế (International Footballer’s Association - FIFPro), đơn vị đại diện cho quyền lợi của các cầu thủ, vốn dành sự ủng hộ đặc biệt cho Ribery trong việc đòi được rời khỏi Bayern.
 
Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm