Shevchenko: Khi cuộc đời nằm trên chấm 11m

03/08/2008 11:18 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Chelsea gặp Milan. Shevchenko gặp lại đội bóng đã cho anh tất cả. Nhưng trong lần trùng phùng đầy ý nghĩa này, khuôn mặt của tiền đạo người Ukraina lại vắng bóng nụ cười. Cuộc đời Sheva đang ở giai đoạn đen tối. Bi kịch thay, nó lại gắn liền với chấm 11m định mệnh.

Old Trafford, Istanbul và Moskva

Mùa 2002-2003 không phải là mùa giải đỉnh cao về chuyên môn của Sheva. 24 trận ở Serie A, anh vỏn vẹn sút tung lưới đối phương 5 lần. Nhưng ở trận cuối cùng của mùa ấy, cuộc đời của Sheva đã sang trang sau một cú sút từ chấm 11m. Trận CK Champions League năm 2003 ở Old Trafford, Sheva được trao trọng trách thực hiện cú sút cuối cùng của lượt đá luân lưu (các hiệp chính, hiệp phụ đều hòa 0-0). Anh đánh bại Buffon và Milan bước lên đỉnh cao châu Âu. Trong khi danh hiệu cao quý ấy giúp Milan bước vào giai đoạn phục hưng thì với Sheva, cú sút ở Old Trafford đã đưa anh lên tầm cao mới. Để rồi ở mùa giải kế tiếp, anh bùng nổ khủng khiếp, ghi 24 bàn/32 trận Serie A và mang lại Scudetto đầu tiên cho Milan sau 4 năm. Năm 2004 ấy, đỉnh cao phong độ của Sheva đã được tôn vinh bằng Quả bóng vàng châu Âu.
 
Shevchenko đá hỏng quả penalty quyết định trong trận giao hữu với Lokomotiv Moskva
 
Cú sút ở Old Trafford đánh dấu sự ra đời của chân sút vĩ đại bậc nhất của bóng đá Ukraina. Nhưng ở Istanbul 2 năm sau đó, cũng từ một cú sút trên chấm 11m, cuộc đời của Sheva đã rẽ sang hướng khác: giai đoạn đi xuống. HLV Ancelotti của Milan lại giao cho anh trọng trách thực hiện lượt đá cuối cùng. Đứng trong khung thành không phải là thủ môn số 1 thế giới Buffon. Nhưng đó là thủ môn bắt luân lưu giỏi bậc nhất: Dudek của Liverpool. Sheva chiến bại, Milan trắng tay trong bi kịch. Để rồi mùa Hè năm 2006, cuộc tình Milan - Sheva tan vỡ. Sheva hưởng mức lương kỷ lục (120 nghìn bảng/tuần) khi tìm đến Chelsea, Milan có 30 triệu bảng.
 
Milan không có thói quen bán ngôi sao lớn; nhưng ở thời điểm mùa Hè 2006, người ta dễ dàng nhìn thấy rằng Sheva của tuổi 30 không bao giờ có thể tìm lại phong độ đỉnh cao. Mourinho chưa bao giờ tin tưởng Sheva. Avram Grant chỉ sử dụng anh trong trường hợp bất đắc dĩ và khi mua được Anelka, ông đã đẩy anh trở lại băng ghế dự bị. Trận đấu với Lokomotiv Moskva vừa qua, Scolari đã trao cơ hội cho Sheva. Anh được tung vào sân ở 15 phút; nhưng trong khoảng ngắn ngủi ấy, anh đã "kịp" trở thành tội đồ. Anh bỏ lỡ một cơ hội mười mươi. Rồi ở lượt đá luân lưu (2 hiệp chính hòa 1-1), anh không thực hiện thành công ở lượt đá thứ 6. Cú sút của anh đã bị chặn đứng bởi Ivan Pelizzoli, thủ môn người Italia từng bắt cho Roma từ năm 2001 đến 2005. Chelsea bại trận (thua 4-5) trước sự chứng kiến của Abramovich trên khán đài.

Cú sút cuối cùng

Milan đã đúng khi bán Sheva. Chelsea của Abramovich đã lãng phí cả núi tiền vào thương vụ này. Còn Sheva nghĩ gì? Anh nhớ Serie A, nhớ San Siro và nhớ Milan. Một câu hỏi: nếu tiếp tục ở Milan, Sheva có còn là Sheva? Khó lắm!

Trận gặp Lokomotiv chỉ mang tính chất giao hữu. Nhưng ảnh hưởng của nó đối với Sheva là cực lớn. Scolari, nổi tiếng là HLV sắt đá, dùng Sheva ở trận ấy không phải vì tin tưởng vào tài năng của anh mà là muốn chứng minh cho ông chủ Abramovich, người vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi đau trên chấm 11m, thấy rằng "người bạn thân" đã hết thời thực sự. Mùa giải mới, nếu Scolari gạt Sheva sang một bên, chắc chắn Abramovich không tìm cách gây sức ép như đã làm với Mourinho hay Grant.

Dù thể hiện phong độ như thế nào trước đội bóng cũ Milan vào đêm nay, cú sút trên chấm 11m ở Lokomotiv vừa qua có thể được xem là cú sút đáng nhớ cuối cùng của Sheva. Tiền đạo lừng danh một thời sẽ không nằm trong kế hoạch của Scolari mùa giải mới và lại bị bắn lên băng ghế dự bị. Ở cuộc họp báo sau trận gặp Lokomotiv, Scolari đã cho biết khả năng có mặt trong đội hình chính của Sheva ở trận đầu tiên của mùa giải (gặp Portsmouth) là cực thấp. Scolari là mẫu người hướng đến phía trước chứ không phải thích hoài cổ. Mà Sheva đã thuộc về quá khứ...

1 bàn - 3,3 triệu bảng
 
Chelsea đã chi ra núi tiền 30 triệu bảng để mua Sheva từ Milan vào mùa hè năm 2006. Nhưng sau 2 năm, với tổng cộng 47 trận Premier League, Sheva chỉ ghi vỏn vẹn 9 bàn thắng (hiệu suất: 0,19 bàn/trận). Tính ra, Chelsea đã phải trả 3,3 triệu bảng cho mỗi bàn thắng của Sheva - cái giá quá đắt.
Tái ngộ Milan, Sheva không nhớ "ngày xưa ơi" mới lạ. 208 trận ở Serie A trước đây, Sheva đã ghi đến 127 bàn, sở hữu hiệu suất 0,61 bàn/trận. Sheva từng là chân sút xuất sắc thứ 2 trong lịch sử Milan, chỉ đứng sau Gunnar Nordahl, huyền thoại của Milan những năm 50. Ở Chelsea, số bàn thắng của anh còn kém cả John Terry, đã có 9 bàn ở Premier League.
Bài học từ Serie A
 
Thương vụ Shevchenko đã trở thành bản hợp đồng tồi tệ nhất trong lịch sử Chelsea. Và dường như, Chelsea thường lãng phí tiền cho những ngôi sao nổi lên ở Italia.
 
Trước Sheva là một chân sút khác, Hernan Crespo. Năm 2003, Chelsea của Ranieri mua Crespo từ Inter với giá 16,8 triệu bảng. Tuy nhiên, Crespo đã không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Khi Mourinho đến Stamford Bridge, Crespo không còn được trọng dụng, bị đẩy cho hết Milan đến Inter mượn. Cách đây không lâu, Chelsea đã chính thức giải phóng Crespo. Chelsea đã chi ra 16,8 triệu bảng nhưng chỉ nhận được 20 bàn thắng từ Crespo. Một chi tiết đáng chú ý: Crespo thành công ở mọi nơi anh đặt chân đến, trừ Chelsea.
 
Cũng trong mùa hè 2003, Chelsea đã có được chữ ký của cầu thủ người Argentina, Juan Veron từ M.U với giá 15 triệu bảng. Chelsea đã tỏ ra cố chấp trong thương vụ này vì Veron gây thất vọng lớn ở M.U trước đó. Kết cục, Veron dần dần bị gạt ra khỏi đội hình chính và phải quay trở lại Italia.

 Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm