Vụ bê bối ở FIFA: Bão táp trước giờ G

01/12/2010 11:58 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Những cáo buộc tham nhũng đối với Phó chủ tịch LĐBĐ thế giới (FIFA) Issa Hayatou trong loạt phim tài liệu truyền hình gây chấn động của hãng tin Anh BBC đã đẩy tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh đến bờ vực khủng hoảng, khi mà cuộc đua giành quyền đăng cai hai kỳ World Cup 2018, 2022 sẽ được quyết định vào đêm mai.

Ngày hôm qua 30/11, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tuyên bố sẽ vào cuộc để làm rõ mọi chuyện. Ông Hayatou, một lãnh đạo bóng đá ở châu Phi đồng thời là một ủy viên IOC, là nhân vật chính trong chương trình phóng sự tài liệu Panorama của BBC, trong đó ông bị cáo buộc nhận hối lộ 10.000 bảng vào năm 1995 từ công ty thể thao và giải trí (ISL), đã giải thể vào năm 2001. IOC tuyên bố họ “không thể chấp nhận tham nhũng và sẽ đưa vấn đề lên ủy ban đạo đức của IOC”.

Seppe Blatter, David Beckham và Jack Warner, Ảnh Getty

Loạt phim phóng sự như một quả bom hẹn giờ được cài đặt chính xác, đã xuất hiện trên màn hình ti vi trên toàn cầu đúng vào lúc Thủ tướng Anh David Cameron có mặt tại Zurich, Thụy Sĩ, nơi ông sẽ cùng ngôi sao David Beckham và Hoàng tử Williams vận động cho nỗ lực làm chủ nhà World Cup 2018 của nước Anh. Ngoài Hayatou, những nhân vật nằm trong sổ đen Panorama còn có Chủ tịch LĐBĐ Brazil Ricardo Teixeira và người đứng đầu bóng đá Nam Mỹ, Nicolas Leoz. Panorama khẳng định họ đã có trong tay một tài liệu mật từ ISL liệt kê chi tiết 175 khoản hối lộ trị giá tổng cộng 64,3 triệu bảng suốt từ năm 1989 tới 1999.

Chương trình của BBC cũng cáo buộc Jack Warner, Chủ tịch LĐBĐ Trinidad và Tobago, một thành viên Ủy ban điều hành FIFA (Exco), tổ chức có quyền bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup, đã tuồn vé xem vòng chung kết giải vô địch thế giới ra thị trường chợ đen để kiếm lợi bất chính hơn 80.000 USD. Warner và ba lá phiếu của khu vực Bắc Mỹ và Caribe mà ông kiểm soát được coi là yếu tố chủ chốt trong hy vọng đăng cai World Cup 2018 của Anh. Hayatou, một người Cameroon, cũng được coi là một nhân tố chủ chốt mà Anhc ần phải tranh thủ. Còn Leoz, bị cáo buộc liên quan đến 5 vụ nhận hối lộ trị giá 730.000 USD, cũng đã được ban vận động đăng cai World Cup của Anh tiếp cận trong tuần trước.

Hủy hoại cơ hội của Anh?

Buổi bỏ phiếu chọn nước dự đăng cai hai kỳ World Cup dự kiến diễn ra vào ngày mai, nhưng nay cơ quan Minh bạch quốc tế (TI) đã lên tiếng yêu cầu FIFA hoãn sự kiện này lại “cho tới khi mọi chuyện liên quan đến các cáo buộc được làm rõ”. Tuy nhiên, ban vận động đăng cai World Cup của Anh chỉ trích những cáo buộc từ phía BBC do lo sợ nó làm ảnh hưởng đến cơ hội của nước này. Một người phát ngôn thuộc ủy ban nói với Sky News: “Panorama không làm gì khác là nhắc lại những cáo buộc trong quá khứ, không có cáo buộc nào liên quan đến quá trình chọn nước đăng cai lần này. Thật đáng hổ thẹn cho BBC, khi cả đội vận động đăng cai World Cup 2018 của Anh đang cố gắng giành chiến thắng về cho đất nước”. Trước đó, hai thành viên Exco, Amos Adamu người Nigeria và Reynald Temarii người Tahiti đã bị treo tư cách thành viên vì các cáo buộc hối lộ xuất hiện cũng trên một tờ báo Anh, Sunday Times.

Nga, một đối thủ của Anh trong cuộc chạy đua, đã không bỏ qua cơ hội này để giành lấy lợi thế. Vyacheslav Koloskov, cựu phó chủ tịch LĐBĐ Nga và cựu phó chủ tịch FIFA, nói ông tin rằng sự ủng hộ cho Anh trong Exco đã “biến mất” sau sự cố vừa rồi. Koloskov nói trên báo chí Nga: “Nếu tôi là một thành viên của Exco và được hỏi có cảm thông với Anh không, tôi sẽ nói là không. Tuy nhiên điều đó không liên quan gì tới cuộc chạy đua, chỉ là Exco gồm 24 thành viên như một gia đình và nếu một người bị tấn công, thì cũng là tất cả bị ảnh hưởng. Có 3 vòng bỏ phiếu và tôi cho rằng Nga cùng liên danh TBN-BĐN sẽ vào vòng chung kết. Anh không còn là ứng cử viên nữa”.

Bản thân FIFA đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc. Một tuyên bố chính thức của tổ chức này nói: “Những vụ việc có liên quan đã diễn ra nhiều năm trước và được tiến hành điều tra bởi nhà chức trách có thẩm quyền tại Thụy Sĩ. Trong phán quyết ngày 26/6/2008, Tòa án hình sự đã không kết tội bất cứ quan chức FIFA nào... Hơn nữa, chúng tôi xin nhắc lại rằng quyết định đối với những vấn đề đó được đưa ra trước năm 2000 và không có tòa án nào chống lại FIFA. Cuộc điều tra, do đó, đã khép lại hoàn toàn”.

Trong sổ bìa đen

1.Ricardo Teixeira. Một cựu luật sư, Teixeira là con rể của cựu chủ tịch FIFA Joao Havelange, chủ tịch LĐBĐ Brazil từ năm 1989, thành viên Exco từ năm 1994 và là nhân vật quan trọng trong chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2014 thành công của Brazil. Teixeira bị cáo buộc nhận 9,6 triệu USD từ ISL, công ty được FIFA nhượng quyền tiếp thị ở các kỳ World Cup. Số tiền trên được trả qua một công ty có trụ sở ở Liechtenstein tên là Sanud. Đây có lẽ là cáo buộc nghiêm trọng nhất.

2.Nicolas Leoz. Nhân vật người Paraguay là Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ (Conmebol) trong 24 năm qua, thành viên Exco từ 1998. Leoz bị cáo buộc nhận 730.000 USD trong 5 lần chi trả từ ISL trong giai đoạn 1997-1998. Vụ này cũng rất nghiêm trọng.

3.Issa Hayatou. Ông này là Tổng thư ký Fecafoot, LĐBĐ Cameroon và chủ tịch LĐBĐ châu Phi (CAF) suốt từ năm 1987, phó chủ tịch FIFA và thành viên Exco trong 20 năm qua, thành viên IOC từ 2001, từng ra tranh cử bất thành với Sepp Blatter năm 2002. Hayatou bị cáo buộc nhận 100.000 franc Pháp từ ISL và đã từ chối bình luận. Số tiền Hayatou nhận không lớn, nhưng vị trí của ông trong FIFA lại đặc biệt quan trọng.

4.Jack Warner. Chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribe từ năm 1990, thành viên Exco trong 27 năm qua, và phó chủ tịch FIFA. Warner bị cáo buộc nhận 84.240 USD tiền bán vé bất hợp pháp cho các trận đấu ở World Cup 2010 ở Nam Phi.


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm