Vụ “Chuyện đời của Lượm” trên VTV: Sai phạm nghiêm trọng!

26/03/2011 09:57 GMT+7 | Thế giới

Vụ “Chuyện đời của Lượm” những tưởng đã được lắng xuống khi “nhân vật chính” Trần Thị Thùy Dương nhận ra những sai sót và công khai xin lỗi nhà đài, nhà báo Kim Ngân, xin lỗi người xem truyền hình và cả những người hảo tâm từng giúp đỡ.

Mẹ con Trần Thị Thùy Dương và BTV Kim Ngân trong chương trình “Người xây tổ ấm”, phát sóng trên VTV1 ngày 25.1.2011.

Nhưng mấy ngày gần đây, câu chuyện lại căng thẳng trở lại và có chiều hướng “nóng” hơn khi Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế triệu tập Dương “sau khi có đơn” của BTV Kim Ngân (Đài Truyền hình Việt Nam) và nhất là khi bức thư của Thùy Dương được đăng toàn văn hoặc trích dẫn trên nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có đoạn viết: “Cuối cùng em cũng là người bị đè bẹp, đẩy em xuống tận cùng không có lối thoát. Em nhận được lệnh triệu tập của Công an tỉnh do đơn chị kiện em, em như muốn chết luôn chị ạ...”.

Không chỉ là quy định của Luật mà còn là cách ứng xử văn hóa

Nhà báo Dương Phước Thu: Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhân vật "Lượm"

Nhà văn, nhà báo Dương Phước Thu (Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho rằng, trong hoạt động tác nghiệp của báo chí hay bất cứ nghề nghiệp nào khác đều có thể xảy ra “tai nạn”.

Về lĩnh vực báo chí, một khi đã xảy ra “tai nạn” thì nhà đài hay bất cứ cơ quan báo chí nào cũng đều phải có lời xin lỗi công chúng. Nghề báo cũng là một cái nghề thôi chứ đừng nên nghĩ đó là cái gì ghê gớm.

Đã sai thì xin lỗi, các cơ quan báo in thì đăng đính chính, nhà đài thì phải có lời xin lỗi ngay trên chương trình của mình. Đó không chỉ là quy định của Luật mà còn là cách ứng xử văn hóa.

Với chương trình “Người xây tổ ấm” (NXTA), không thể vì là đài truyền hình của Quốc gia nên xem thường khán giả và đổ lỗi hoàn toàn cho nhân vật “Lượm” (cô Thùy Dương) được.

Ở đây, đương nhiên “cô Lượm” đã sai. Nhưng cô ấy đã biết hối hận vì hành vi nông cạn của mình, đã công khai xin lỗi tất cả mọi người. Bạn đọc, khán giả có thể đã nguôi ngoai với “Lượm”. Điều bây giờ họ cần là NXTA công khai xin lỗi khán giả cả nước.

Sai phạm nghiêm trọng

Theo một nguồn tin thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, việc Đài THVN không kiểm định, xác minh thông tin về nhân vật trước khi cho phát sóng dẫn đến việc thông tin sai sự thật là vi phạm khoản 4, điều 10 của Luật Báo chí. Sự tắc trách, thiếu tôn trọng khán giả khi cải chính những thông tin sai sự thật của VTV cũng đã vi phạm những quy định của pháp luật về hoạt động báo chí. Xét thấy sai phạm là nghiêm trọng nên vụ việc đã được chuyển cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với VTV.

(P.V)

Ông Lê Viết Xuân, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đưa ra ý kiến: Theo Luật Báo chí, VTV sẽ phải chịu trách nhiệm trước công chúng, còn những người phối hợp thực hiện phóng sự về nhân vật “Lượm” ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế sẽ phải chịu trách nhiệm trước VTV.

Đáng lẽ ra phải có phát ngôn chính thức xin lỗi của lãnh đạo VTV chứ không chỉ dừng lại ở BTV Kim Ngân. Không xin lỗi khán giả càng khẳng định sự thiếu trách nhiệm với nghề, với công chúng. Thực hiện kịch bản một chương trình lớn như thế mà chỉ qua công văn giới thiệu của báo khác chứ không hề về địa phương để thẩm định là không hợp lý”- ông Xuân nói.

Khán giả Bùi Ngọc Long (đường Điện Biên Phủ- TP Huế) cho rằng: Nếu VTV1 mà cụ thể là ê kíp thực hiện chương trình “Người xây tổ ấm” có xác minh đầy đủ và tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh đáng thương của Thùy Dương, xác minh rõ vì sao Thùy Dương lại có cảm xúc để viết nên một câu chuyện cảm động như vậy để dự thi trên Tintuconline..., và từ đó xây dựng nên một kịch bản thì chắc chắn sẽ có một chương trình khác vẫn đảm bảo tính nhân văn, chứ không phải lố bịch và có diễn biến xấu như bây giờ. “Từ cái sai cơ bản của mình, BTV của NXTA đã không nhận lỗi trước khán giả mà còn “có đơn” về nhân vật, quả là điều xưa nay chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam”- ông Long nói.

Dương có quyền yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại?

Trong thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải công văn của Văn phòng Luật sư AIC (Hà Nội) khẳng định hành vi của Trần Thị Thùy Dương phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công văn này xuất hiện sau khi bà Phạm Thị Kim Ngân của VTV và bà Đặng Thị Thanh Hương của Tintuconline đề nghị Văn phòng Luật sư AIC đưa ra nhận định pháp lý đánh giá liên quan đến việc bà Trần Thị Thùy Dương giả là nhân vật “Lượm” tham gia chuyên mục NXTA của VTV.

Trao đổi với chúng tôi, Luật gia Mai Thanh Hiếu (Đại học Luật Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự, “người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”.

Thế nhưng bà Phạm Thị Kim Ngân không bị Trần Thị Thuỳ Dương chiếm đoạt tài sản nên không phải là người bị hại về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Kim Ngân có thể tố cáo Dương, tuy nhiên tố cáo của bà không phải là căn cứ để Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự.

Cơ quan điều tra chỉ khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm, tức là có đủ chứng cứ khẳng định bà Trần Thị Thuỳ Dương đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”- Luật gia Mai Thanh Hiếu cho biết.

Ông Hiếu còn cho rằng, việc đưa lên phương tiện thông tin đại chúng khẳng định của AIC với nội dung Trần Thị Thuỳ Dương phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào thời điểm chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật đối với Dương về hành vi này là vi phạm nguyên tắc “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” quy định tại Điều 72 Hiến pháp và Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hành vi lừa dối của Trần Thị Thuỳ Dương đáng bị công luận phê phán về mặt đạo đức. Tuy nhiên, những khía cạnh khác về danh dự, nhân phẩm của Dương cần được tôn trọng và bảo vệ. Theo ông Hiếu, hành vi của Dương vẫn chưa đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự mà chỉ là hành vi lừa dối. Động cơ, mục đích của Dương không rõ ràng nên chưa thể gọi là vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Dương có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã đưa lên phương tiện thông tin đại chúng khẳng định của AIC với nội dung cô phạm tội phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại”- Luật gia Mai Thanh Hiếu nói.

Mắc mớ gì lại rút kinh nghiệm cho... người khác?

Tai nạn nghề nghiệp của hoạt động báo chí nói chung thỉnh thoảng có thể xảy ra, có thể thông cảm được trong hoạt động tác nghiệp vì không cố ý tạo scandal gây sốt dư luận, nhưng dư luận không thể chấp nhận được cách đổ hết lỗi cho “cô Lượm” đã bịa chuyện đời mình nhằm gạt những người làm chương trình, thiếu nghiêm túc trong việc nhìn nhận sai sót và thành tâm xin lỗi khán giả xem đài. Hơn nữa, đây là lỗi của những người thực hiện chương trình, mắc mớ gì lại “rút kinh nghiệm cho những người làm báo nói chung”... Bây giờ mở ti vi lên, người xem đài chưa chắc đã yên tâm với những chương trình phát sóng kiểu như NXTA mà “Đời cô Lượm” là một “vết mờ” khó tẩy xóa.

Từ An (Theo VN, TP.HCM)

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm