Góc nhìn pháp lý về bản hợp đồng 20 năm VFF-AVG

09/01/2012 12:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Dưới đây là quan điểm của các luật sư uy tín về bản hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG.

* Theo luật sư, việc VFF ký hợp đồng 20 năm với AVG có vi phạm điều lệ hay luật pháp nào không?

+ Luật sư Hoàng Kim Thoa

Công ty Luật TNHH QTC
Địa chỉ: số 11A, ngõ 98, Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Email: qtc.law@hotmail.com; lawyer.hanoi@yahoo.com
Website: www.qtclaw.vn

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem lại lịch sử quá trình hình thành của VFF như sau:

- Tiền thân của LĐBĐ Việt Nam là Hội Bóng Đá Việt Nam-Vietnam Football Association (VFA) thành lập năm 1960. Tháng 8 năm 1989, Đại hội LĐBĐ Việt Nam lần thứ nhất gồm 120 đại biểu, thay mặt cho các lực lượng và tổ chức bóng đá trong cả nước đã họp tại Hà Nội. Đại hội tuyên bố thành lập LĐBĐ Việt Nam (Vietnam  Football  Federation-VFF), thông qua Điều lệ Liên đoàn và bầu Ban chấp hành khoá I (nhiệm kỳ 4 năm) gồm 26 uỷ viên.

- Tháng 10 năm 1993, Đại hội VFF họp lần thứ 2 tại Hà Nội, gồm 150 đại biểu, đã bầu Ban chấp hành gồm 21 uỷ viên.

- Tháng 10 năm 1997, Đại hội VFF họp lần thứ 3 tại 37 Hùng Vương-Hà Nội, gồm 155 đại biểu, đã bầu Ban chấp hành gồm 35 uỷ viên

- Tháng 6 năm 2005, Đại hội VFF khóa V đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 160 đại biểu. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành gồm 39 ủy viên.

Và năm 2010, Đại hội VFF khóa VI đã tiếp quản công việc của những thế hệ đi trước cho đến ngày chuyển đổi thành thành viên của VPF và xảy ra tranh chấp bản quyền truyền hình.


Trong khi các bên VFF, VPF và AVG vẫn còn mải mê tranh cãi về bản quyền truyền hình thì sân cỏ VN vẫn chưa yên ổn, khi pháo sáng xuất hiện ở sân Lạch Tray, còn tại sân Thanh Hóa, HLV trưởng SHB.ĐN ta thán tiếng còi của trọng tài. Ảnh: VSI

Có một sự thật mà ai cũng hiểu bản chất của vấn đề “VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc biệt”. Và ai cũng biết, Điều lệ VFF (sửa đổi, bổ sung) do các thành viên (trong đó có các CLB) thông qua, được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 224/QĐ-BNV ngày 19/3/2010.

Tại sao lại phải do Bộ Nội vụ phê duyệt? Các công ty khác được thành lập, các Điều lệ hoạt động của công ty khác theo Luật Doanh nghiệp có cần Bộ Nội vụ phê duyệt hay không? Điều này cho thấy VFF luôn hoạt động theo đúng Hiến pháp và Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 7/11/2006, tại trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva (Thụy Sĩ) đã diễn ra phiên họp đặc biệt của Ðại hội đồng WTO về việc kết nạp Việt Nam vào tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này. Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó là thành công lớn sau hơn 11 năm kiên trì trên hành trình này, dấu mốc quan trọng nhất trong lộ trình hội nhập quốc tế.

Việc Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở đường cho Việt Nam tham gia một cách bình đẳng vào thể chế thương mại toàn cầu.

Hợp đồng bản quyền truyền hình của VFF và AVG năm 2010 hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế của hơn 150 nước mà Việt Nam đã là thành viên. Vì bản quyền truyền hình của AVG là một dạng sở hữu trí tuệ đặc biệt, chủ sở hữu có thể kinh doanh, bán sản phẩm của mình cho các cá tổ chức trong nước hoặc nước ngoài.

Vì vậy, ngoài việc tuân theo luật pháp của nước sở tại, nó còn phải tuân theo những quy định của luật quốc tế. Theo Văn kiện cơ bản của WTO - Phụ lục 1C - Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định này thừa nhận rằng nguyên nhân của những căng thẳng không ngừng trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế xuất phát từ các tiêu chuẩn đa dạng trong việc bảo hộ và các thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc thiếu một cơ cấu đa phương các nguyên tắc, quy tắc và trật tự nhằm xử lý các hoạt động thương mại quốc tế liên quan đến hàng giả.

Vì thế, việc quy định những quy tắc và nguyên tắc mới là cần thiết để giải quyết những căng thẳng này. Với mục đích như vậy, hiệp định đã mở ra khả năng áp dụng các nguyên tắc cơ bản của GATT và của các thỏa ước, Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ; điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ, điều khoản về các thủ tục thực thi hữu hiệu cho những quyền này; giải quyết tranh chấp đa phương; và các quy định chuyển tiếp. Tại Phần II nêu rõ về nội dung từng quyền sở hữu trí tuệ: “Liên quan đến vấn đề bản quyền, các thành viên phải tuân thủ các điều khoản hiện tại của Công ước Berne về việc bảo vệ tác phẩm văn học và nghệ thuật, bản mới nhất (Paris 1971), mặc dù các điều khoản này không áp dụng để bảo vệ các quyền về đạo đức được quy định trong điều 6 của công ước đó. Hiệp định đảm bảo rằng các chương trình máy tính sẽ được bảo hộ giống như các tác phẩm văn học theo Công ước Berne và đưa ra các phạm vi để các cơ sở dữ liệu này được bảo vệ bản quyền. Những điều khoản quan trọng mới thêm vào so với các quy tắc quốc tế hiện tại trong lĩnh vực bản quyền và các quyền liên quan chính là các điều khoản về quyền cho thuê. Bản dự thảo quy định các tác giả chương trình máy tính và các nhà sản xuất các tác phẩm thu âm có quyền cho phép hoặc cấm việc thuê thương mại các tác phẩm của họ để đưa ra công chúng. Một đặc quyền tương tự cũng được áp dụng đối với các tác phẩm điện ảnh nếu việc cho thuê thương mại đã dẫn đến sự sao chép tràn lan làm suy yếu độc quyền sao chép… Các tổ chức phát thanh truyền hình cũng có quyền kiểm soát việc sử dụng các chương trình phát thanh truyền hình mà có thể bị vi phạm bản quyền. Quyền này sẽ kéo dài trong vòng ít nhất là 20 năm.” (tức là thời hạn được bảo hộ với quyền sở hữu trí tuệ là 20 năm). Phải chăng đây là một trong những lý do khiến VFF ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với AVG?!

+ Luật sư Ngô Đình Hoàng

Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Đình Hoàng
Địa chỉ: 127/6 Hoàng Hoa Thám, P13, Q. Tân Bình (TP.HCM)
E-mail: hoanglawyer@gmail.com
Website: www.luatsuhoang.net - www.hoanglawoffice.com

Về bản hợp đồng thời hạn 20 năm ký giữa AVG và VFF, đúng-sai, có hiệu lực hay không của bản hợp đồng này thì chỉ có Toà án có thẩm quyền mới có quyền tuyên bố, nếu có tranh chấp thực sự và các bên cần đến một phán quyết để thi hành. Bản thân AVG cũng chỉ phân tích và nhận định trên cơ sở riêng của họ, chứ AVG cũng không có quyền tuyên bố VTC hay một người thứ ba nào là sai, là vi phạm pháp luật khi không tuân thủ yêu cầu của AVG.

VFF cũng thế, qua nghiên cứu và thẩm định kỹ VFF thấy ký vào bản hợp đồng này là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật thì họ bảo lưu nghĩa vụ trong hợp đồng. Về phía VPF thì họ cũng đã nghiên cứu rất kỹ, đối chiếu kỹ lưỡng với các quy định của FIFA, AFC và các quy định của luật pháp VN nên quyết tâm làm sáng tỏ trắng đen.

Và các bên có liên quan không nên kéo các Bộ ban ngành vào vụ việc này, cũng sẽ không có đơn vị nào dám đứng ra tuyên bố A đúng B sai. Mọi sự can thiệp bằng biện pháp hành chính chỉ giúp vụ việc được giải quyết tốt đẹp trên cơ sở khuyến khích đàm phán thương lượng để thống nhất một phương án giải quyết chung cho các bên, chứ không thể bằng một văn bản chính thức áp đặt giải quyết vụ việc.

Đừng tranh cãi theo kiểu “công văn” và tố qua tố lại như thế nữa. Không ngồi với nhau lại được thì hãy đưa vụ việc ra toà, ra FIFA.

Nếu ra toà thì AVG và VFF phải cung cấp đầy đủ chi tiết bản hợp đồng cũng như những cơ sở pháp lý chứng minh bản hợp đồng đó được ký đúng nội dung, đúng hình thức, đúng thẩm quyền để đảm bảo nó có hiệu lực thực hiện. Nếu đưa ra FIFA thì có vẻ như VFF có thế mạnh vì là đại diện chính thức của bóng đá VN tại FIFA nhưng không hẳn là không bất lợi, khi mà tiền lệ và thông lệ của các hợp đồng bản quyền truyền hình của một số giải bóng đá lớn nhất thế giới như Anh, Italia thì chỉ có thời hạn là 3 năm.

Trường hợp VPF bất lợi và yếu lý thì không loại trừ lại xuất hiện Super Liga như ý tưởng ban đầu của các ông bầu một số đội bóng dự định thành lập. Họ có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và tập họp được các đội bóng tham gia để thành lập và tổ chức giải đấu này thành công.

Không phải không có hướng giải quyết tranh chấp này, miễn là các bên hãy vì cái chung, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, vì người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Hãy chứng minh điều đó trên thực tế. 

Hoàng Huy (Thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm