17/12/2011 14:06 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Ở điều 12 của bản dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 có quy định: “CLB phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 25 tỷ đồng/năm đối với CLB thuộc giải Ngoại hạng và tối thiểu là 15 tỷ đồng/năm) đối với CLB thuộc giải hạng Nhất QG”. Đồng thời “những CLB không đảm bảo cân bằng thu - chi (chi vượt quá thu từ 30%) phải chuyển xuống thi đấu ở hạng có mức kinh phí phù hợp”. Có vẻ như VPF đang muốn hướng các đội bóng tham dự V-League tới sự công bằng về mặt tài chính giống như Luật công bằng tài chính (FFF) của UEFA mà các CLB ở châu Âu sẽ bắt đầu phải thực hiện kể từ mùa giải sau.
Sự thực thì 100% CLB đang tham dự sân chơi cao nhất của bóng đá VN đang báo lỗ và chắc chắn ở mùa giải tới vẫn sẽ tiếp tục lỗ. Thế nhưng, có thể hiểu dụng ý của VPF ở đây là: dù chưa thể nói đến chuyện cân đối thu chi ở thời điểm hiện tại nhưng vẫn có những biện pháp để khống chế các khoản lỗ khổng lồ của các CLB bằng cách đặt ra những giới hạn cho nó (chi không được vượt quá thu 30%).
Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy ví dụ từ HN.T&T, á quân V-League 2011. Nếu lấy số lượng khán giả trung bình trong 2 mùa giải gần đây của HN.T&T là 4.000 người/trận, nhân với 13 trận trên sân nhà trong một mùa giải, rồi nhân tiếp với giá vé trung bình (tạm tính) là 100.000 đồng thì ta sẽ có số tiền thu được từ bán vé của HN T&T trong một mùa giải khoảng trên 5 tỷ.
Cộng với số tiền thưởng chính thức dành cho ngôi á quân (nếu HN.T&T bảo vệ được) là 1,5 tỷ và tiền bản quyền truyền hình ước tính khoảng vài trăm triệu. Như vậy, nếu đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng bảo vệ được ngôi á quân ở mùa giải tới thì số tiền thu được từ 3 khoản nói trên là khoảng 7 tỷ.
Trong khi đó, nếu áp dụng quy định tiền thưởng cho một trận đấu từ 500 triệu trở xuống thì với 13 trận thắng dẫn tới ngôi á quân (như ở mùa giải 2011), quỹ thưởng trong cả mùa giải của HN T&T chỉ là 6,5 tỷ, thấp hơn tổng số thu 7 tỷ nói trên
Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa ảnh hưởng tới việc thu chi của các đội bóng trong một mùa giải chứ không chỉ đơn thuần là những yếu tố dẫn tới những con số 6,5 và 7 tỷ như trên. Thế nhưng, có thể thấy: với việc giới hạn mức chi tiêu của các đội bóng không vượt quá 30% doanh thu mà đội bóng ấy kiếm được, VPF đang giúp các đội bóng hạn chế được sự thua lỗ (ít nhất là trong thời điểm hiện tại), đồng thời nỗ lực hơn trong các hoạt động kinh doanh bóng đá, thay vì chơi trội kiểu trọc phú, hoặc đổi bóng đá lấy tài nguyên như phổ biến hiện nay.
Phải chăng đó chính là điều mà VPF muốn hướng tới nhằm từng bước thực hiện Luật công bằng tài chính của UEFA, nhằm tạo ra một V-League công khai và minh bạch về tài chính, nhất là trong bối cảnh VPF đã xác định là sẽ thuê Công ty kiểm toán nước ngoài để tiến hành kiểm toán hàng năm cho VPF nói chung cũng như giám sát về mặt tài chính cho các CLB dự V-League nói riêng?!
Thành Quang
Theo quy định của Luật công bằng tài chính (FFF) của UEFA, những CLB bóng đá nào làm ăn thua lỗ tới 45 triệu euro trong 3 mùa giải thì sẽ không được quyền dự Cúp châu Âu ở 3 mùa sau đó. Nặng hơn, CLB đó có thể không được phép tham gia vào thị trường chuyển nhượng. Bắt đầu từ mùa giải 2011-2012, luật này sẽ được UEFA áp dụng tại châu Âu. Theo thống kê, trong mùa bóng năm ngoái, tổng số tiền thâm hụt ngân sách của các CLB thuộc UEFA đã lên tới hơn một tỷ euro, đây là một con số quá lớn và buộc UEFA phải xem xét để có thể tìm ra một giải pháp nhằm hạn chế tối đa những khoản thâm hụt này. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất