Nguyên Phó Chủ tịch VFF Trần Duy Ly: "Tôi ủng hộ VPF"

01/10/2011 12:32 GMT+7

(TT&VH) - Ông Trần Duy Ly nguyên là Phó Chủ tịch thường trực VFF nhiệm kỳ IV, nguyên trưởng BTC giải được dư luận đánh giá dũng cảm và dám chịu trách nhiệm với nhiều bản án ông đưa ra, nhất là những trận cầu tiêu cực được ông xử lý mà chỉ căn cứ thái độ thi đấu tiêu cực trên sân, vào phản ứng của dư luận, báo chí và khán giả.

TT&VH có cuộc trao đổi với  ông Ly về những gì liên quan đến bóng đá VN và đặc biệt là Đề án thành lập Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp (VPF) nhằm thêm một góc nhìn của một quan chức VFF tiền bối.

* Chào ông, ông đón nhận những gì diễn ra sau Hội nghị Chủ tịch các CLB với tâm trạng nào?

- Thú thực, tôi rất háo hức và cả hồi hộp chờ xem rốt cuộc Hội nghị sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Bởi, với bóng đá ta, thay đổi những gì có tính cách mạng không phải là chuyện đơn giản. 

Thực sự, tôi rất mừng khi lãnh đạo VFF và các đội bóng có được sự đồng thuận lớn về việc thành lập VPF. Nó không chỉ là hướng đi mới cho bóng đá VN đạt được sự cải tổ mạnh mẽ và triệt để, mà ở phương hướng hoạt động, giữa VFF và các CLB có sự công bằng, minh bạch trong mọi vấn đề nảy sinh.

Thực ra, mô hình theo kiểu VPF đã được thực hiện thành công ở rất nhiều nước. Chúng ta có thể tự tin mô hình này sẽ giải phóng sự trì trệ của bóng đá VN, tất nhiên với điều kiện phải phù hợp với điều kiện, thực tiễn của nền bóng đá ta. Đấy là chuyện đòi hỏi trí tuệ của VFF, của tất cả những thành phần tham gia hoạt động bóng đá. 

Dù sao, tôi nghĩ đây là bước tiến về mặt quan điểm từ VFF lẫn các CLB. Đó là tiền đề tốt để chúng ta hy vọng bóng đá nước nhà có sự phát triển mạnh mẽ về chất và lượng cho các giải đấu quốc nội trong những năm tới.

* Thực ra đề án thành lập VPF không mới, vấn đề là chỉ đến thời điểm này mới nhận được sự đồng thuận mà thôi?!

- Đúng như ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã nói đề án, ý tưởng này không mới. Nhưng vào thời điểm 2005, khi ông Dương Nghiệp Khôi đưa ra ý tưởng V-League đi theo hướng hoạt động như J-League (nghĩ là tự tách ra thành lập Công ty quản lý giải vô địch quốc gia-PV), thì VFF lẫn các CLB đều không đồng thuận.


 Từng là Phó Chủ tịch VFF cũng như trưởng BTC giải, ông Trần Duy Ly cho rằng sự ra đời của VPF là tất yếu

Lý do đầu tiên, VFF và các ông bầu không thích làm theo cái mới, khi những con đường cũ tạm ổn. Chưa kể, không ai chịu nghiên cứu thấu đáo và xem đề án này có hợp lý và hay ở điểm nào không?

Nhưng tới thời điểm này, khi VFF và V-League bị báo động từ rất nhiều vấn đề: quản lý, tổ chức, điều hành , trọng tài, quy chế, chuyển nhượng… tất cả mới thấy việc sự thay đổi mạnh mẽ là bắt buộc. Bây giờ việc thành lập HĐQT, Công ty CP… nhan nhản ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. 

VFF lẫn các CLB cần phải ý thức hơn sự hiện diện của một Công ty như VPF là bắt buộc và đúng với xu thế phát triển của bóng đá chuyên nghiệp VN. Tất nhiên, tôi lưu ý là cách làm phải thực sự phù hợp với điều kiện VN, không thể áp dụng cứng nhắc hoặc để cho có và chiều ý dư luận.

Sự đồng thuận nhanh chóng khi VFF đứng trước sức ép từ các CLB, từ dư luận, chứng tỏ họ đã thực sự nhận ra cần thay đổi tổ chức mình. Đấy là điều dư luận cần ghi nhận.

VFF đã thấy hợp lý trong việc chia sẻ quyền lợi với các CLB, nguồn nuôi sống chính cho bóng đá chuyên nghiệp.

Khi quyền lợi được chia đều tất nhiên được san sẻ công bằng thì sẽ có sự đồng thuận. Không còn chuyện VFF lấn át CLB, đội bóng lớn “đè” đội bóng nhỏ, mà tất cả được đóng góp tiếng nói  trọng lượng như nhau và nhận quyền lợi như nhau.

* Chưa lúc nào các ông bầu lại quyết liệt trong việc đòi hỏi sự cải tổ nhiệt tình và đồng lòng như thế. Ông nghĩ sao khi có tới 6 ông bầu ngồi họp bí mật tại khách sạn Hilton Hà Nội để đóng góp cho đề án cải tổ?

- Những người như bầu Đức, bầu Kiên, bầu Thắng, hay ông Tiến Anh… đã có cả chục năm làm bóng đá. Cái hay, dở và những góc khuất trong nghề thế nào họ cũng nếm trải qua cả. Tôi nghĩ việc các ông bầu thay đổi quan điểm làm bóng đá và sẵn sàng tự tay mình cải tổ VFF, khẳng định sự vươn lên trong quan điểm từ chính các CLB, là điều cần hoan nghênh.

Bởi tôi còn nhớ cựu Chủ tịch CLB Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân từng đề nghị thành lập một tổ chức liên kết các ông bầu cách đây vài mùa giải nhưng chẳng ai đồng ý cả. Đấy là cái dở, nên nhiều ông bầu cần phải suy nghĩ lại trách nhiệm của mình. Khi chính họ chưa đoàn kết, chưa hết lòng vì bóng đá nước nhà và chỉ nghĩ về quyền lợi của đội bóng mình, thì đấy là tiêu cực, VFF làm sao đổi mới được?

Nhưng giờ các ông bầu chủ động bắt tay nhau để làm bóng đá, VFF đã chịu lắng nghe, thay đổi đó là sự thay đổi quan niệmlàm bóng đá  chuyên nghiệp thật sự. Bản thân tự các ông bầu phải thống nhất và quyết định cái khung giá cả mua bán cầu thủ,  cùng nhau chống tiêu cực mới ổn. CLB nào “đi đêm”, làm bậy sẽ bị những đội bóng còn lại tẩy chay. Khi các ông “bầu” giám sát và tự giám sát nhau, V-League sẽ không còn bị đẩy giá quá cao, không bị cảnh đội này giật cầu thủ nọ, hối lộ trọng tài kia và bóng đá nước nhà sẽ trật tự ngay…

* Nghĩa là các ông bầu sẽ tự mình chống tiêu cực thay cho VFF và tự tay “trong sạch hóa” V-League?

- Đúng như vậy. V-League là cuộc chơi của các ông doanh nghiệp, của đội bóng, còn VFF chỉ là người giám sát cuộc chơi. Nếu các đội bóng cùng chung tay chống tiêu cực, sẽ không còn những chuyện ngược đời nữa. Và từ những thay đổi đó, V-League trở lại đúng quỹ đạo phát triển bóng đá chuyên nghiệp thật sự.

* Còn chuyện bầu trưởng BTC giải, trưởng ban Trọng tài sẽ ra sao khi Công ty VPF ra đời?

- Việc thành lập VPF đã là một cột mốc lịch sử. Nhưng để chọn ai ngồi vào vị trí trưởng BTC giải, trưởng ban Trọng tài không phải là chuyện dễ. Ý tưởng các CLB là trưởng BTC giải phải nằm tách biệt và không thuộc lãnh đạo VFF là rất rõ ràng.

Nhưng lãnh đạo một trong các đội bóng cũng không thể ngồi vào ghế đó. Người đội bóng, đặc biệt không có chuyên môn và tâm sáng, mà ngồi vào những cái ghế đó thì thậm nguy. Đây là vấn đề hóc búa và còn khó hơn cả việc thành lập VPF. Chỉ các đội bóng mới có thể tìm người phù hợp ngồi vị trí này.

Bản thân tôi từng làm trưởng BTC giải V-League, nhưng phải thừa nhận, một người không có chuyên môn bóng đá sẽ khó có thể làm tốt công việc nặng nề và nhiều áp lực như vị trí trưởng BTC giải. Mặt khác, có chuyên môn mà tâm vẩn đục, thiếu bản lĩnh hoặc lúc nào có xảy ra sự cố cũng chuyền trách nhiệm cho người khác thì rất có tội với bóng đá chuyên nghiệp. Đó là bài toán khó khác mà các ông bầu và VFF phải tìm ra lời gian trước khi mùa giải mới bắt đầu.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thẳng thắn, chân tình và bổ ích cho bóng đá VN thời điểm quan trọng này!

NGỌC HÒA (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm