Juventus khủng hoảng: Đằng sau tấm màn nhung

10/10/2008 12:37 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -  Anh là nhân vật quan trọng nhất trong đội ngũ cầu thủ, có ảnh hưởng lớn đối với đội bóng và với cả các CĐV Juve. Nhưng anh cũng chính là những người bị cho là nguyên nhân then chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng của Juve. Anh là Del Piero.

Cuộc nổi loạn của các nghị sĩ

Bất chấp những phân tích của giới chuyên môn về nguyên nhân khiến Juventus rơi tự do trên bảng xếp hạng, về những sai lầm của Ranieri cũng như tình trạng chấn thương lan tràn, người ta đã đặt ra những nghi vấn rằng, vấn đề của Juve xuất phát từ nội bộ của đội bóng. Cụ thể, người làm cho chiếc ghế của Ranieri lung lay không phải là nhà VĐTG Camoranesi hay Quả bóng vàng Nedved, mà Del Piero, người cầm đầu một cuộc nổi loạn của các “nghị sĩ”. Hình ảnh người đội trưởng của Juventus căng thẳng và có vẻ cáu giận đối với Ranieri sau một vài lần bị thay ra trên sân hoặc những phát biểu nhắm về phía Ranieri của anh có thể sẽ là một bước ngoặt tiêu cực đối với Juve mùa này, dẫn đến những hậu quả nặng nề khác, nếu như cuộc khủng hoảng ở Juve không được giải quyết một cách trọn vẹn.
 
Del Piero không muốn Ranieri ở lại Juve?

Mùa bóng trước, trước khi được đưa vào sân thường xuyên hơn để từ đó trở thành Vua phá lưới, Del Piero đã trải qua một thời kì khủng hoảng khi luôn phải ngồi dự bị khi không thể cạnh tranh nổi một vị trí với Iaquinta và Trezeguet, đồng thời có mâu thuẫn với BLĐ Juve về vấn đề gia hạn hợp đồng. Lúc ấy, mối quan hệ giữa anh và Ranieri đã vẩn đục ở trận gặp Fiorentina, khi Del Piero chỉ được đưa ra sân đá những phút cuối cùng.

Mùa bóng này khởi đầu khác trước. Trezeguet không có mặt do chấn thương, Del Piero, vừa trở về từ một EURO 2008 thất bại, luôn xuất phát trong đội hình chính thức. Nhưng sự sa sút phong độ nghiêm trọng đã khiến Ranieri và tất cả các tifosi không còn nhận ra anh nữa. Tiền đạo của Juventus chịu một áp lực nặng nề từ phía Ranieri và có khả năng mất vị trí đá chính trong hoàn cảnh Ranieri nỗ lực kiếm tìm một giải pháp mới, nhằm tìm ra con đường gần hơn đến khung thành đối phương. Nếu Iaquinta không chấn thương, lẽ ra Del Piero đã phải ngồi dự bị trong trận thua Palermo, trận đấu mà anh ghi 1 bàn thắng trong giây phút tỏa sáng hiếm hoi duy nhất. Bình luận của số 10 Juve sau trận đấu: “Khi có vấn đề gì đó xảy ra, cần phải nói thẳng vào mặt nhau trong phòng thay quần áo. Đã có những điều không hay xảy ra”. Bình luận của Ranieri sau trận đấu: “Có một âm mưu muốn tạo ra một cuộc lật đổ chống lại tôi”.
 

Khi Ranieri bị cô lập

Những lời tuyên bố trên website chính thức của Del Piero không phải vô cớ và nó nhắm vào Ranieri, người mà theo báo chí Italia, “quá hiền lành, thiếu cá tính và không dám mạnh tay với bất cứ cầu thủ nào”. Những lời bình luận của Ranieri lại là một chi tiết kì lạ, bởi từ hơn 30 năm nay, chưa từng có một HLV Juve tuyên bố công khai sự nghi vấn đó, hé lộ một sự thật là ông đang bị cô lập và bao vây tứ phía. Thậm chí, cá báo chí ủng hộ chỉ trích thậm tệ Ranieri và không có một dòng nào phê phán phong độ của Del Piero. Trên thực tế, người đội trưởng của Juve đã làm gì? Anh không chấp nhận những phương án chiến thuật của Ranieri, khi ông hy sinh vị trí của Nedved và Camoranesi cho những cầu thủ miệng còn hơi sữa có tên Giovinco và Marchisio. Một năm về trước, Nedved còn là người không thể bị động đến, dù đã bước sang tuổi 36. Camoranesi vẫn có thể ra sân thi đấu một khi anh khỏe mạnh.

Điều gì đã xảy ra ở trận gặp Palermo, khi cả 2 cựu binh ấy đều có thể ra sân thi đấu nhưng bị Ranieri bắt ngồi dự bị? Người ta tin rằng, đấy không phải là một sự lựa chọn về mặt chiến thuật, mà là một sự trừng phạt với những cuộc nổi loạn trước đó của họ khi nhận thấy nguy cơ bị gạt khỏi đội hình chính. Tuyên bố sau trận đấu của Del Piero phải chăng là một lời cảnh cáo Ranieri, đồng thời tăng sức ép lên ông sau 4 trận Juve không thắng? Phải chăng anh đang thể hiện nỗi bất bình với Ranieri, người từ mùa trước đã bị các cựu binh cho là không tôn trọng họ, khi chỉ thông báo đội hình ra sân vào phút chót và thỉnh thoảng lại có những lời nói thiếu ngoại giao (“Dù Buffon là gì đi chăng nữa, thì chỉ Trezeguet là không thể thay thế được”, hay “Del Piero là một biểu tượng ư? Thế thì tôi cũng phải đưa cả Boniperti ra sân…”).

Hai năm đã qua kể từ vụ Calciopoli, bộ ba quyền lực Moggi-Giraudo-Bettega không còn nữa. Sau 2 năm trở thành Vua phá lưới và trở thành biểu tượng trường tồn của cả đội, Del Piero đã là một nhân vật quan trọng hơn nhiều so với chức đội trưởng và thủ lĩnh đội bóng của anh, bắt đầu có tiếng nói với BLĐ và trở thành thế lực lớn nhất trong đội. Khi có Capello, Del Piero buộc phải chấp nhận im lặng trong hầu hết vụ việc, nhưng bây giờ, khi Ranieri không có một cá tính và lí lịch như Capello, Del Piero đã trở thành nhà bảo trợ lớn cho ông bạn thân Ciro Ferrara trở thành HLV tạm quyền ở Juve thay Ranieri, trong trường hợp ông này đứt gánh giữa đường. BLĐ Juve vẫn đặt niềm tin vào Ranieri thêm vài trận nữa (với Napoli, Real Madrid và Torino), thực chất chỉ là cách kéo dài thêm cho ông một thời gian thử thách nữa trước khi hạ máy chém xuống. Số phận của Ranieri ở Juve, do đó, phụ thuộc vào Del Piero nhiều hơn là chính Ranieri.

Nếu Del Piero đã không muốn Ranieri ở lại Juve, thì…

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm