Vòng 22 V-League 2022: Khúc cua gắt và những dấu hỏi

28/10/2022 05:40 GMT+7 | V-League

Chỉ còn 5 vòng đấu nữa mùa giải 2022 sẽ khép lại nhưng trận thắng của Hải Phòng trước Hà Nội FC ở vòng 21 đã tạo nên một khúc cua gắt cuối mùa, đẩy một loạt trận đấu còn lại của V-League 2022 vào tầm ngắm tiêu cực.

Bóng đá Việt Nam hôm nay: 7 cầu thủ bị treo giò ở vòng 22 V-League 2022

Bóng đá Việt Nam hôm nay: 7 cầu thủ bị treo giò ở vòng 22 V-League 2022

Bóng đá Việt Nam hôm nay: 7 cầu thủ bị treo giò ở vòng 22 V-League 2022.

Ai muốn vô địch, giơ tay lên

Hà Nội FC đúng là đội bóng có thể “thao túng” V-League ở bất kỳ thời điểm nào. Năm ngoái , họ suýt nữa phải đi play-off trụ hạng nhưng mùa giải bị hủy và ngay lập tức, họ trở lại với vị thế của mình, là người điều khiển cuộc chơi của V-League.

Đang phăng phăng tiến về đích với 3 chiến thắng liên tiếp mà trận nào cũng ghi trên 5 bàn, thì bất ngờ Hà Nội FC để thua một cách rất lạ trên sân Lạch Tray.

Vấn đề là ngay cả khi thua trận, Hà Nội FC cũng làm cho 12 đội còn lại … run lên bần bật. Ví dụ như Bình Định, đang trôi dần cơ hội bám đuổi thì hy vọng lại trỗi dậy khi khoảng cách giữa họ và Hà Nội FC vẫn chỉ là 4 điểm. Giả sử như đội của bầu Hiển có từ 1 đến 3 điểm tại Lạch Tray, thì chắc chắn là chẳng còn cuộc đua nào cả.

Thế nên, không biết cầu thủ Hà Nội FC có lo lắng gì không chứ đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Thắng thì sẽ rơi vào trạng thái vừa ra sân vừa hồi hộp. Đây là một kiểu trạng thái “trong tầm tay mà ngoài tầm với”, thường không có lợi cho một đội bóng chỉ mới lên đá V-League 2 mùa như Bình Định.

Hi vọng thì rất rõ ràng, nhưng Bình Định cần bản lĩnh ghê gớm để giữ được sự trầm tĩnh trong giai đoạn cuối. Hưng phấn quá mức có thể gây hại cho họ. Trường hợp của Hải Phòng năm 2016 hay TP.HCM năm 2019 là bài học mà Bình Định cần quan tâm.

Muốn đua với Hà Nội FC đến phút cuối, thì các trận còn lại, Hải Phòng hay Bình Định cứ “bịt tai mà đá”, càng nhìn vào số điểm thì càng dễ bị trượt chân.

Công bằng mà nói, cả Hải Phòng lẫn Bình Định đều xứng đáng lên ngôi vô địch mùa giải này. Họ đều đã đánh bại Hà Nội FC ít nhất 1 lần trong mùa này và đều đang có 11 chiến thắng.

Các thông số chuyên môn như bàn thắng, hiệu số đều không kém Hà Nội FC. Còn nhớ, ở mùa 2017, Quảng Nam FC vô địch khi chỉ thắng có 13 trận dù đá đến 26 vòng.

Không chỉ có các ứng viên vô địch run rẩy vì… sướng, mà nhóm trụ hạng cũng khổ sở vì trận thua của Hà Nội FC. Gần nhất chính là SHB Đà Nẵng, đối thủ của Hà Nội FC ở vòng đấu cuối tuần này trên sân Hàng Đẫy.

Chỉ hơn đội chót bảng TP.HCM có 4 điểm, rất nhiều khả năng SHB Đà Nẵng sẽ bị tụt hạng nếu không có điểm trước Hà Nội FC. Hãy đặt trường hợp lúc này đội bóng Thủ đô đã chạm tay vào chức vô địch, thì tự nhiên họ sẽ chẳng phải “thẳng chân” với Đà Nẵng làm gì, nhất là khi giữa họ có mối quan hệ trước đây.

Tóm lại, nếu Hà Nội FC đánh bại Đà Nẵng thì họ sẽ khiến cuộc đua trụ hạng thêm khét lẹt, bằng ngược lại, nếu không có đủ 3 điểm trên sân Hàng Đẫy thì Hà Nội đã “đổ thêm dầu” vào cuộc đua vô địch khi mà ở vòng đấu này, rất nhiều khả năng Hải Phòng và Bình Định đều sẽ kiếm được 3 điểm trước Sài Gòn và HA.GL.

vleague, đông á thanh hóa, clb tphcm, vũ tiến thành, bùi tiến dũng
Trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội vào tuần trước đã tạo ra bước ngoặt ở cả cuộc đua vô địch cũng như đua trụ hạng. Ảnh: Hoàng Linh

Câu chuyện từ bản quyền truyền hình

Lần đầu tiên trong lịch sử, những nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã có thể tự tin tiết lộ con số rõ ràng về bản quyền truyền hình sau khi ký hợp đồng với FPT độc quyền trong 4 năm tới.

Thực ra, bản quyền truyền hình luôn có giá cả, nhưng vì cứ quy đổi sang quảng cáo để phát trên truyền hình nên từ trước đến nay, không ai biết chính xác giá bản quyền của V-League là bao nhiêu, có được định giá đúng hay không. Cũng chính vì điều này mà việc chia tiền thưởng cho các CLB cũng không được nhiều và đó cũng là một trong những lý dó dẫn đến một số trận đấu “có mùi” ở khúc cuối mùa giải, khi có nhiều đội đã đủ điểm trụ hạng và không còn động lực để đá với các đội đang cần điểm.

Nói gì thì nói, khi mỗi chiến thắng được quy ra tiền, và nhiều hay ít tùy vào giá trị của bản quyền truyền hình, thì có thể mọi thứ sẽ khác. Chưa kể, đơn vị nắm bản quyền có thể không trả tiền cho một trận đấu nào đó nếu chẳng có ai muốn đăng ký xem vì đã dự báo được kết quả. Xét ở góc độ thị trường, đây có thể là một giải pháp để thúc đẩy chất lượng V-League.

Vì thực tế 3-4 vòng đấu vừa qua ghi nhận các đội bóng như HA.GL, Bình Dương và SLNA đang chơi bóng trong trạng thái khá “ỡm ờ”, nhất là trước các đội bóng đang đua trụ hạng. Về lý thuyết, đá với những đội mà “mỗi trận đều là chung kết” thì rất rủi ro, dễ chấn thương nên chưa biết có tiêu cực hay không chứ chuyện “lỏng chân” là dễ xảy ra.

Có cố đá để thắng thì cũng chẳng thể vô địch, có thua cũng chẳng sao, thì đương nhiên là kết quả sẽ không phản ảnh được chất lượng chuyên môn. Thậm chí như SLNA còn lấy lý do “thử nghiệm cầu thủ trẻ” hay như HA.GL “đá đẹp thua cũng được” thì còn gì là nâng cao chất lượng V-League.

V-League 2022 đang ở giai đoạn khá nhạy cảm, và BTC giải cũng khá bối rối trong việc “chỉ mặt, đặt tên” một số trận đấu có vấn đề. Biện pháp duy nhất cho đến lúc này đó là thuê trọng tài ngoại, phần nào cũng thấy sự hạn chế các công cụ để thúc đẩy chất lượng V-League.

Lấy ví dụ như trận HA.GL – Bình Định sắp tới có ảnh hưởng lớn đến cuộc đua vô địch đâu khác gì trận Sài Gòn FC – Hải Phòng hay Thanh Hóa – TP.HCM, nhưng liệu những nhà tổ chức có biện pháp giám sát nào không, hay chỉ chờ đợi tính chuyên nghiệp từ các cầu thủ HA.GL, những người đang có chuỗi 9 trận không biết thắng là gì nhưng cũng chưa đến mức phải lo xuống hạng.

Lịch thi đấu vòng 22 Night Wolf V-League 2022

Thứ Sáu (28/10)

17h00 Thanh Hóa - TP.HCM

18h00 HAGL - Bình Định

19h15 Sài Gòn - Hải Phòng

Chủ Nhật (30/10)

17h00 B.Bình Dương - Nam Định

18h00 Hà Tĩnh - Viettel

19h15 Hà Nội - SHB Đà Nẵng

 

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm