21/07/2008 16:03 GMT+7 | Đọc - Xem
Nhà văn Ngô Văn Phú |
(TT&VH Online) - “Con voi ở công viên Thủ Lệ” (SGK lớp 9) của nhà văn Ngô Văn Phú, gây bao nhiêu xúc động cho các thế hệ học trò từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước cho đến giờ và chắc còn lâu hơn nữa...
* Từ hình ảnh con voi trong kháng chiến
Vào những năm 1972 – 1973, nhà văn Ngô Văn Phú có chuyến thực tế vào Quảng Bình. Khi đi qua chợ Kỳ Anh ở Hà Tĩnh, tình cờ ông bắt gặp một cảnh tượng không thể không chú ý: Đó là hình ảnh con voi đang “nghỉ trưa” dưới một lùm tre bên đường. Tìm hiểu, ông được biết con voi đó được đưa từ Trường Sơn xuống và sẽ được chuyển tới công viên Thủ Lệ cho… khách tham quan xem.
Chi tiết đó đã làm nảy sinh trong ông, mang lại cho ông một chủ đề, một nỗi ám ảnh ông không thể dứt ra được. Thế rồi mãi đến sau giải phóng ông cũng... mới đưa được những hình ảnh ấy lên trang viết, cho ra đời truyện ngắn “Con voi ở công viên Thủ Lệ”. Đáng chú ý hơn, nhân vật “con voi” A Khầm cũng chính là nguyên mẫu con voi mà ông đã trông thấy ngày nào, những cái khác thì như ông nói: “Tôi thêm vào, thậm chí phải… bịa hoặc hư cấu lên để cho người ta thấy tình cảm giữa con người với A Khầm vốn là đồng đội với nhau”.
Nhà văn Ngô Văn Phú kể lại: Hầu như tất cả những kỷ niệm những năm đi thực tế ở mặt trận Trường Sơn tôi đều đưa vào truyện ngắn “Con voi ở công viên Thủ Lệ”. Ngày ấy tôi cũng hay xuống các trạm giao liên. Những nơi tôi đến thi thoảng lại thấy có voi, hỏi ra mới biết bộ đội dùng voi để phục vụ công việc đi lại, thồ hàng hóa mỗi khi đường xá gặp khó khăn.
* Những câu hỏi khiến tác giả “khó trả lời”
Viết xong “Con voi ở công viên Thủ Lệ” nhà văn Ngô Văn Phú gửi đăng báo Văn nghệ được một thời gian thì được một nhà soạn SGK chọn in trong Văn lớp 7 (cũ) hệ 10 năm. Ông kể: “Nhà soạn sách ấy hình như làm phó ban SGK ở NXB Giáo Dục. Ông liên lạc với tôi và bảo đưa truyện ngắn “Con voi ở công viên Thủ Lệ” để in. Sau khi được in vào SGK chừng đâu ngót nghét chục năm, truyện ngắn này của tôi đã bị bóc đi. Có lẽ theo tôi, một phần tại vì trong truyện có tả về công viên Thủ Lệ ngày ấy nó tồi tàn quá, ít nhiều nếu để giảng cho các em thì chúng sẽ có ấn tượng không đẹp về vườn thú ấy nữa...”
Con voi thật ở trong Vườn thú Thủ Lệ hoàn toàn không liên
quan gì đến voi A Khầm trong "Con voi ở Công viên Thủ Lệ" |
Sau khi truyện ngắn này được in vào SGK các em học sinh rất thích và rất cảm động khi đọc truyện này. Tôi cũng đã vài lần đi nói chuyện xoay quanh “Con voi ở công viên Thủ Lệ”. Tôi rất nhớ những câu hỏi của các em về truyện ngắn đó. Nhớ nhất là những câu hỏi mà tôi cũng khổng thể trả lời một cách thỏa đáng cho các em. Đại loại các em hỏi những nhân vật trong truyện và đặc biệt là con A Khầm có có thật không? Vì sao voi lại không cho đàn bà cưỡi lên lưng như trong truyện đã nói đến? Chi tiết đó có thật không? Khi A Khầm chết thì... mộ nó nằm ở đâu?
Tôi thực sự cũng lúng túng với những câu hỏi này vì rằng như chi tiết con A Khầm không cho nhân vật Nguyệt cưỡi lên lưng chỉ là do tôi nghe những người quản tượng nói lại là có những con voi như thế nên cũng tin đưa vào truyện luôn. Thậm chí đó mới là chi tiết hay, “đáng bị hỏi”. Những câu hỏi khác như con voi chết thì mộ nó nằm ở đâu thì quả thật tôi chịu vì tôi không biết nổi, làm sao biết nó chết được “an táng” ở đâu?!
* Con người đã khai thác quá đáng...
Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết còn một câu hỏi của các em học sinh làm ông rất thích đó là: “Nhà văn gửi gắm điều gì qua tác phẩm “Con voi ở công viên Thủ Lệ”? Ông nhắc lại câu mà ông đã trả lời các em học sinh: “Người viết văn nói chung và bản thân tôi nói riêng khi viết ra tác phẩm không thể tính được tác phẩm của mình có được chọn vào SGK hay không mà chỉ nghĩ duy nhất đến cái chủ đề, cái tầng ý nghĩa của tác phẩm muốn nói đến.
Vài nét về Con voi ở Công viên Thủ Lệ
Truyện xoay quanh nhân vật Nguyệt, một nữ giao liên, con voi và chàng quản tượng, sau này chuyển sang lái xe tăng. Truyện nói đến tình cảm của những người chiến đấu với bên nhau. Trong truyện, nhân vật con voi với cô Nguyệt với anh chàng giao liên có đôi lúc “chủng chẳng” với nhau. Con voi thì không bao giờ cho cô gái ngồi lên lưng, cũng không thân cô bằng anh bạn cô. Mãi sau này con voi “nhận lỗi” với cô gái đến nỗi làm cô xúc động phát khóc…
Những hình ảnh đó do sống ở Trường Sơn, thấy được tình cảm giữa người với vật, giữa khách là những người bộ đội hành quân qua với những người ở trong trạm giao liên. Tất cả rất tự nhiên, thân mật, ấm cúng là không khí ở trạm giao liên. Cho nên con voi ngay cả khi đã chuyển về Thủ Lệ vẫn nhớ đến đồng đội cũ.
Đọc truyện ngắn này độc giả sẽ thấy những con người đã sống chiến đấu, cho dù không phải chiến đấu ác liệt trong bom rơi, lửa đạn mà chỉ xoay quanh không khí cuộc sống ở trạm giao liên thôi nhưng nó đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, đầy tình cảm, sống với nhau trung thực, giản dị”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất