Với Leandro, Lee Nguyễn chỉ là số 2 ?

23/07/2009 09:35 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trong thời buổi nói chuyện với nhau, nhất là với cầu thủ ngoại, bằng tiền, nếu Lee Nguyễn lương 10.000 USD/tháng, Leandro xứng đáng nhận nhiều hơn như thế.

Họ cùng nằm trong số những cầu thủ đáng xem bậc nhất ở V-League 2009 và trong suốt chiều dài giải đấu. Họ cùng là những tiền vệ tấn công, chơi với sức sáng tạo gần như không bị cạn kiệt.

Nếu như Lee Nguyễn rất giỏi trong kỹ năng đột phá, qua người ở phạm vi hẹp thì Leandro lại cực hay trong những quả chuyền bóng có cự ly trung bình và dài, xẻ sang 2 biên với điểm rơi cực chuẩn. Hoặc họ cùng sở hữu khả năng sút bóng mà ở V-League hầu như không ai làm được: khiến cho trái bóng đi lắc lư với tốc độ rất cao, các thủ môn hầu như không thể phán đoán.

Họ cũng là những cầu thủ quan trọng bậc nhất ở CLB, tới mức đối phương tính toán chỉ cần phong tỏa được Lee Nguyễn là có thể giảm thiểu được sức mạnh của HAGL, hay khóa được Leandro là XMHP trở nên vô hại. Cho tới lúc này, mới chỉ có duy nhất chiến thắng của XMHP ở sân Cao Lãnh trước Đồng Tháp là Leandro vắng mặt. Nhưng kỳ thực, hôm ấy, XMHP đã có sự trợ giúp tương đối từ trọng tài với những quyết định nhạy cảm.

Tính hiệu quả

Nhưng họ không ở cùng một vị thế, những điều họ làm được là khác nhau và những đóng góp của họ có sự chênh lệch tương đối.

Leandro đã ghi được 10 bàn thắng tính đến sau vòng 21 ở V-League cho XMHP. Lee Nguyễn cũng đã ghi được 9 bàn cho HAGL, nhưng 4 trong số đó là ở cúp QG, sân chơi hạng hai của BĐVN, và 3 trong số đó là vào lưới của đội bóng có khả năng rớt từ hạng Nhất xuống hạng Nhì: Sài Gòn Utd.
 

Lee Nguyễn còn phải chứng tỏ thêm mới bằng Leandro - Ảnh:Quốc Khánh
 
Dĩ nhiên, với các tiền vệ, thì việc đếm bàn thắng đôi khi chưa lột tả tất cả. Vì công việc chủ yếu của họ không phải là ghi bàn. Họ là người kiến tạo cơ hội và dẫn dắt đội bóng thông qua khả năng cầm nhịp và tham gia tổ chức lối chơi. Chẳng hạn, Lee Nguyễn không ghi bàn, nhưng là người xuất sắc nhất trong trận thắng của HAGL trước Nam Định với tỉ số 5-1, nhờ 4 đường chuyền thành bàn cho các đồng đội.

Nhưng Leandro cũng là một tiền vệ có khả năng kiến tạo cơ hội kỳ tài. 2/3 số bàn thắng (17 bàn) mùa trước và hơn 1 nửa số bàn thắng của Elenildo mùa này (7) là có dấu giày của Leandro. Ngọc Thanh mùa trước ghi được 12 bàn thắng cũng nhờ những đường chuyền dọn cỗ của Leandro.

Thành thử, nếu xét về tính hiệu quả thì rõ ràng, Leandro vượt trội so với Lee Nguyễn. V-League sau 21 vòng có hàng chục cầu thủ ghi được 5 bàn như Lee Nguyễn, nhưng ghi bàn nhiều hơn và bằng Leandro thì chỉ có 4 người.

Môi trường

Tập thể mà 2 cầu thủ này đang thuộc về có sự chênh lệch đáng kể. Đội hình của HAGL không phải là Dream Team, có khá nhiều vị trí không tương đương, nhưng nó cũng như một sự ưu đãi cho Lee Nguyễn, nếu so với đội hình của XMHP của Leandro.

Chẳng hạn, ở hàng tiền vệ, Leandro chỉ có một mình Minh Châu hỗ trợ thì Lee Nguyễn thường xuyên có ít nhất 2 tiền vệ có trình độ hoặc có khả năng ở mức khá kết hợp và phục vụ là Thonglao và Sakda. Chỉ có một hạn chế đối với Lee Nguyễn khi HAGL không có những tiền đạo thực sự sắc sảo và đẳng cấp để tận dụng những cơ hội mà anh tạo ra. Nhưng ngay cả ở khía cạnh này thì Leandro cũng không dễ thở hơn và may mắn hơn bao nhiêu, khi phải tới vòng đấu thứ 19 trở lại đây, đối tác của anh, Elenildo De Jesus mới bắt đầu tìm được cảm giác ghi bàn như trước.

Nên nhớ, với các cá nhân ngôi sao, môi trường chuyên môn là một điều cực kỳ quan trọng, nó là bệ phóng để các kỹ năng chơi bóng của họ được bộc lộ, tạo ra những cảm xúc cho những pha bóng thăng hoa. Ngược lại, nó sẽ kìm hãm tài năng của họ. Cũng không phải ngẫu nhiên, một tiền đạo như Công Vinh ở giai đoạn lượt về đã chơi tốt, ổn định và hiệu quả hơn rất nhiều trong màu áo của T&T HN khi đội bóng này đưa về những cầu thủ ngoại có trình độ ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa.

Bởi thế, những gì Leandro thể hiện được rõ ràng là thành tích tự thân anh mang đến, chứ không phải may mắn, hoặc ít nhất để so sánh một cách sòng phẳng với Lee Nguyễn.

Và khi so sánh về thứ hạng đội bóng của Leandro với đội bóng của Lee Nguyễn, cũng có thể đưa ra một nhận xét, rằng tầm mức của Leandro là dẫn dắt XMHP còn Lee Nguyên mới chỉ dừng lại ở mức độ đóng góp.

Chỉ có một điểm đáng lưu ý và là sự bào chữa thuyết phục nhất cho Lee Nguyễn khi anh chưa phải là tiền vệ tấn công số 1 V-League và anh chưa sáng rực rỡ như Leandro là bởi cựu cầu thủ của CLB PSV Eindhoven mới chỉ tới chơi bóng ở Việt Nam từ đầu năm 2009, trong khi Leandro đã có mùa thứ hai khoác áo XMHP. Thời gian thích ứng là một yếu tố khá quan trọng, nó ít nhiều hạn chế đi khả năng bắt nhịp và phát huy vai trò của các cầu thủ cũng như Lee Nguyễn. Sự thực thì phải tới khi HAGL đá với Thể Công ở Hàng Đẫy tại vòng 10, người của “Gỗ” mới tìm được cho Lee Nguyễn vị trí tốt nhất trong sơ đồ chiến thuật: đá ngay sau lưng 2 tiền đạo thay vì chơi lệch sang cánh trái.

Nhưng sẽ phải giải thích thế nào khi Lee Nguyễn trong thời gian khá dài, từ đầu lượt về cho tới trước vòng 21 lại khá mờ nhạt và suy giảm hiệu suất ghi bàn cũng như kiến tạo cơ hội? Phải chăng, khi đối phương phát hiện ra sự điều chỉnh của Lee Nguyễn thì anh và HAGL đã không có phương án tiếp theo để đối phó và vượt qua được các sự ngăn chặn, hay anh cũng chưa đạt tới tầm mức có thể duy trì sự ổn định của mình trong thời gian dài?

Lee Nguyễn trước khi tới HAGL đã được biết tới một cách rộng rãi. Anh từng 1 lần được gọi vào đội tuyển Mỹ (không đá chính), từng là thành viên của U20 Mỹ tại VCK U20 Thế giới 2005. Lee Nguyễn cũng trải qua một thời gian đào tạo tại CLB hùng mạnh của Hà Lan là PSV Eindhoven.

Trong khi ấy Leandro lại là một món hàng dạt, thuộc thành phần của đội bóng Matsubara của tay cò cầu thủ Mauro, vẫn thường tập hợp các cầu thủ thất nghiệp lại rồi đưa sang Việt Nam tham dự Cúp truyền hình Bình Dương. Leandro được ông Vương Tiến Dũng chấm và đưa về sân Lạch Tray từ cuối năm 2007.

Nhưng bây giờ thì đẳng cấp của Leandro không phải là một món “hàng chợ” nữa. Tiền vệ số 18 của XMHP là một tiền vệ “hàng khủng” mà bất cứ đội bóng nào cũng mơ ước. Và Lee Nguyễn không cho thấy sự thăng tiến của anh, hoặc chưa đạt tới đẳng cấp để trở thành thủ lĩnh của cả một đội bóng. Và nếu có một cuộc bầu chọn tiền vệ tấn công số 1 V-League 2009, thì rõ ràng Lee Nguyễn chưa phải số 1.

Nhìn ở góc độ nào đó thì đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao lời khẳng định HAGL có 98% khả năng vô địch V-League trở nên “hố” nhất và dự báo Thanh Bình sẽ tỏa sáng hơn Công Vinh cũng trở thành một thứ “dự báo thời tiết” trên truyền hình Việt Nam.

HAGL nghĩ bản hợp đồng với Lee Nguyễn là họ đã đưa về cầu thủ tài năng nhất trong lịch sử 9 năm của V-League. Nhưng HAGL đã nhầm ở ít nhất một đánh giá, Lee Nguyễn hiện tại giỏi lắm cũng chỉ là số 2, sau Leandro!

Còn nếu để vượt lên Leandro, Lee Nguyễn sẽ phải chờ tới V-League 2010, khi ấy anh và HAGL mới có cơ hội để chứng minh. Mà chắc gì, Lee Nguyễn sẽ ở lại Pleiku thêm 1 mùa nữa, bất chấp hợp đồng?

Phong Vũ

Leandro ở mùa giải 2009 cũng đã được hưởng mức lương khủng, 10.000 USD/tháng và tiền lót tay lên tới hơn 1 tỉ đồng/mùa. Có thể, để giữ chân được Leandro hoặc các CLB khác muốn có anh, người ta sẽ phải thiết lập những kỷ lục mới về tiền lương và tiền ký hợp đồng ở V-League. Cho tới lúc này, người viết mới chỉ chứng kiến một pha bóng “ngớ ngẩn” nhất của Leandro, tình huống anh bỏ lỡ cơ hội nâng tỉ số lên 2-0 cho XMHP trước Thể Công ở Hàng Đẫy, khiến đội thua ngược sau đó. Và thêm một điểm nghi ngại, Leandro nhiều trận không đủ thể lực để cầy ải liên tục 90 phút ở tốc độ cao.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm