18/05/2013 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 16/5, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đã có buổi biểu diễn phúc khảo vở tuồng Tử hình không ántrạng (tác giả: Trương Huyền, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) chuẩn bị cho Hội diễn Nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) từ ngày 18 đến 26/5.
Thực tế, Tử hình không án trạng không phải là kịch bản mới khi đã được chuẩn bị cho mùa Hội diễn trước, nhưng vì một số lý do khách quan vở tạm bị gác lại. Sau một thời gian dài, vở được chuốt lại và nâng cao đúng tầm một tác phẩm để tranh tài tại Hội diễn lần này.
Cảnh trong vở Tử hình không án trạng. Ảnh: Ngân Anh
Kịch bản khai thác những “khoảng mờ”
Đạo diễn Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương VN), đã ví von rằng, những sự việc gây tranh cãi hay được đề cập quá sơ sài trong cổ sử như những “khoảng mờ” hấp dẫn để người cầm bút khai thác (mà sử sách nước ta qua nhiều biến loạn, thăng trầm lại có quá nhiều “khoảng mờ”).
Với Tử hình không án trạng, tác giả Trương Huyền tỏ ra rất chắc tay trong việc hư cấu lại lịch sử từ chất liệu ít ỏi có được theo cảm quan riêng. Tuy nhiên, không hề quá phóng tay mà trở thành “xuyên tạc” (điều không dễ dàng khi không ít tác phẩm, kể cả rất nổi tiếng, đã mắc phải).
Từ những dòng sử liệu ngắn ngủi về việc “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh...”, và mối quan hệ phức tạp giữa vua Đinh với sứ quân Ngô Nhật Khánh (Đinh Tiên Hoàng vừa là cha dượng vừa là cha vợ của Ngô Nhật Khánh). Tác giả Trương Huyền đã khéo léo xâu chuỗi các sự kiện, liên kết các nhân vật để có một kịch bản đầy đặn về giai đoạn lịch sử đầy biến động hơn 10 năm của triều đại nhà Đinh.
Khá trung thành với chính sử nhưng cũng không thiếu chỗ cho những hư cấu sáng tạo. Không hề bị thuyết phục bởi những gì được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: Sự việc Đỗ Thích “đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua...” tác giả mạnh dạn “giải oan” cho Đỗ Thích khi biến ông thành nạn nhân của “cuộc chiến ngai vàng”.
Hội diễn Nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013 quy tụ 10 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với sự góp mặt của khoảng 700 nghệ sĩ. Các đơn vị nghệ thuật đã đầu tư rất kỹ cho tác phẩm dự thi đặc biệt là những vở diễn đề tài lịch sử, đáng chú ý có: Tử hình không án trạng (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM), Phò mã Thân Cảnh Phúc (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Sóng dậy Rạch Gầm (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Máu lửa ngập Thiên Trường, Hoàng đế giả điên (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế), Danh phận (Nhà hát Tuồng truyền thống Khánh Hòa), Khúc ca bi tráng (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định)... |
Có thể xem vở tuồng Tử hình không án trạng là bản cáo trạng lạnh lùng về cái giá con người phải trả cho tham vọng quyền lực khi có quá nhiều “án tử”. Thái tử Hạng Lang phải chết vì Đinh Liễn muốn được làm vua; công chúa Lan Dung phải chết trong tay người chồng mù quáng vì tham vọng đế vương; rồi Đinh Tiên Hoàng - Đinh Liễn, Đỗ Thích, vợ Đỗ Thích...
Dấu ấn cá nhân đậm nét
NSND Trần Ngọc Giàu đã chọn cho vở một phong cách dàn dựng “phá truyền thống” khi không sử dụng phông màn vẽ cảnh trí thường thấy. Sân khấu được tối giản và mang nhiều ước lệ. Tấm màn đen được tạo hình đơn giản theo từng bối cảnh thao trường, cung đình, khuê phòng... Vài chiếc bục được sắp xếp, hoán đổi để khi là ngai vàng, lúc là ghế ngồi, lúc lại là giường ngủ, bàn thờ…
Tử hình không án trạng đã có một bảng phân vai khó thể nào hay hơn. NSƯT Linh Hiền - “kép đẹp” nổi danh của làng Hát bội cả nước - với thế mạnh về giọng ca truyền cảm và nét diễn trữ tình, giàu cảm xúc đã thể hiện ấn tượng một Đinh Tiên Hoàng rất đặc biệt. Đó không phải là một “Vạn Thắng Vương” hay “Đại Thắng Minh hoàng đế” nữa mà mang nặng bi kịch của một người cha bất lực trước số phận bi đát của các con.
NSƯT Hữu Danh có lợi thế về sắc vóc cao đẹp và phong thái ung dung, đĩnh đạc khắc họa thành công một “Đỗ Thích danh tướng” với nỗi oan khó tẩy rửa. Với phong cách diễn xuất linh hoạt, nghệ sĩ Đông Hồ thể hiện “sở trường” của mình qua vai tên mưu sĩ người Tống Hồng Hiến thâm hiểm, mưu mô.
Không vượt trội về sắc vóc nhưng với nét diễn mà người trong nghề gọi là “có thần” và đặc biệt là khả năng biểu cảm qua ánh mắt. Nghệ sĩ Linh Phước đã giúp nhân vật Ngô Nhật Khánh thực sự tỏa sáng khi thể hiện xuất thần tâm trạng giằng xé giữa tham vọng, thù hận với tình yêu, tình nghĩa gia đình. Ngoài ra, NSƯT Ngọc Nga, nghệ sĩ Thanh Trang, Quế Hương... đều đầy bản lĩnh khi thể hiện những thân phận nhỏ nhoi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất