Đạo diễn - NSND Lê Hùng: Thử thách mới sau "nhà búp bê"

13/11/2009 15:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi dàn dựng Nhà búp bê của Henrik Ibsen và gây tiếng vang trong giới sân khấu với hình tượng nàng Nora của NSND Lê Khanh, đạo diễn - NSND Lê Hùng lại bắt tay vào dàn dựng kịch bản Brand cũng của tác giả này. Như chia sẻ của ông, đây là một vở kịch thơ tràn đầy thi vị và gợi mở nhiều cảm hứng cho người dàn dựng.

TT&VH có cuộc trò truyện cùng đạo diễn Lê Hùng.

* Gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ có vẻ đang “kén” khán giả khi dàn dựng liên tục những kịch bản kinh điển của Henrik Ibsen?

- Không, chúng tôi không chỉ dựng những tác phẩm kịch kinh điển trong kho tàng kịch thế giới. Song song với những vở diễn này, Nhà hát kịch Tuổi trẻ vẫn có những Đời cười hay một số chương trình cho thiếu nhi đấy chứ. Cũng xin nói thêm, nhiều khán giả Việt Nam vẫn tư duy đơn giản rằng xem kịch chỉ là để giải trí. Nói vậy là rất nhầm. Với tôi, kịch có thể coi như một trường phái của triết học, của tôn giáo, của nghệ thuật... - những lĩnh vực mang lại cho độc giả nhiều bài học triết lý cho cuộc đời.


Đạo diễn - NSND Lê Hùng

* Vậy, bài học triết lý trong Brand là gì?

- Với Brand, Henrik Ibsen miêu tả cuộc xung đột giữa tư tưởng của những phần tử trí thức thuộc giai cấp tư sản và những điều kiện thực tế trong xã hội đương thời. Kịch bản chủ yếu vạch ra những tính cách hèn nhát, tự ti, tàn nhẫn, thỏa hiệp... còn tồn tại trong cách tư duy của những cá nhân thuộc giai đoạn lịch sử ấy. Nói cách khác, Brand là tấn bi kịch của ý chí kiên cường, không nao núng và thỏa hiệp với cái ác, cho dù nắm chắc phần thất bại. Có lẽ, những triết lý ấy cũng đáng để người xem suy ngẫm.

* Vậy, so với những kịch bản cổ điển từng dàn dựng, Brand hấp dẫn ông tới mức nào?

- Tôi hoàn toàn bị thuyết phục khi đọc Brand. Kịch bản ấy thể hiện rất rõ khuynh hướng mà Ibsen đã sớm có trong những sáng tác của mình: Chủ nghĩa cá nhân và đề cao sự chân thực tuyệt đối. Ibsen thẳng tay vạch ra những tiêu cực của xã hội đương thời, nhưng cũng vì sự trung thực trong cách nghĩ, bản thân ông cũng không tìm được ra một con đường nào có thiên hướng tích cực cho tương lai. Bởi vậy, cách giải quyết với Brand - nhân vật chính diện trong kịch bản - là sự thất bại và cái chết trong một cơn lở tuyết...

* Nhà búp bê thành công một phần vì có sự tỏa sáng của NSND Lê Khanh trong vai nữ chính. Nhưng ở Brand, nhân vật chính lại là một vai nam. Vậy, ông ta tìm được diễn viên phù hợp nào để “chọn mặt gửi vàng” chưa?

- Hiện nay chúng tôi vẫn đang chọn lựa diễn viên để phù hợp với vai diễn. Nhưng sẽ sớm thôi, bởi theo kế hoạch thì Brand phải được hoàn thành và công diễn vào tháng 1/2010.

* Được biết sau khi dàn dựng thành công Nhà búp bê, Nhà hát Tuổi trẻ được phía Na Uy rất quan tâm. Trường hợp của vở Brand thì sao?

- Năm 2008, ê-kíp thực hiện vở Nhà búp bê đã lên đường dự festival quốc tế về kịch của Ibsen tại châu Âu gồm có NSND Lê Khanh, cố vấn văn học kịch, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, biên tập kịch bản nghệ sĩ Trương Nhuận và tôi (đạo diễn Lê Hùng). Nhà búp bê được khen ngợi, đánh giá cao qua festival này nên Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã tin tưởng và tài trợ cho hai vở kịch tiếp theo của Henrik Ibsen: Brand (Nhà hát Tuổi trẻ), Con vịt trời (Nhà hát kịch Việt Nam).

* Xin cảm ơn ông!

     Henrik Johan Ibsen (1828 - 1906) là nhà soạn kịch người Na Uy, ông được coi là cha đẻ của kịch nói hiện đại và là nhà văn vĩ đại nhất của Na Uy. Ibsen là một trong những nhà soạn kịch có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại và được xem như là biểu tượng của đất nước Na Uy. Ông tham gia sản xuất 145 vở kịch với tư cách là biên kịch, giám đốc, nhà sản xuất, trong đó có Nhà búp bê. Cùng với tác phẩm Peer Gynt (1867), Brand được sáng tác năm 1866 là hai thi kịch nổi tiếng của ông.


Thủy Anna

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm