28/03/2009 13:22 GMT+7 | Văn hoá
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Cố vấn văn học kịch cho (và không chỉ cho) bản dựng Nhà búp bê của Nhà hát Tuổi trẻ, đồng thời là người dẫn dắt cuộc tọa đàm “Các chị em Nora” sáng 27/3:
Từ tính “thời sự” của vở kịch cổ điển Âu Châu
* Chuyện của Ibsen đặt ra đối với người phụ nữ trung lưu, trí thức trong đô thị phương tây thì liệu nó có tính điển hình với phụ nữ Việt Nam hay không, khi mà cho đến nay vẫn hơn 70% phụ nữ Việt Nam là nông dân, thưa bà?
* Vậy theo bà, điều cốt yếu nhất mà bà muốn mỗi người xem, đặc biệt là chị em phụ nữ cần phải ngẫm ngợi từ vở kịch này?
- Người phụ nữ Việt Nam cần phải sống lý tính hơn - đây là điều mà rất khó có thể đạt đến, vì phụ nữ Việt Nam rất quen lối sống “duy tình”, nương theo cảm tính hồn nhiên…Nora sống theo bản năng gốc của người vợ, đôi lúc đến độ mù quáng. Nhưng may sao, bằng những điều tai nghe mắt thấy, dần dần lý trí của Nora đã thức tỉnh. Khi mọi mặt nạ giả đạo đức đã rơi xuống, Nora kịp nhận chân bản chất vấn đề, Nora đã đối thoại rốt ráo, truy tìm tận cùng nguyên nhân đổ vỡ tình yêu của chính mình, truy tìm tận cùng con người thật của mình sau cái vỏ sặc sỡ ngoài ý muốn của chính mình: con búp bê hoa sói hoa hòe. Từ lúc ấy, cô đã hết yêu chồng, và coi chồng hoàn toàn là “người dưng nước lã”, quyết định đi khỏi nhà và đóng sập cửa. Theo cách nói hình tượng thì tiếng sập cửa của Nora từng đã làm “rung chuyển các gia đình Châu Âu”, là hành động mang tính tư tưởng cao: Chỉ khi người phụ nữ đã ý thức được chân giá trị của mình từ trong chính gia đình mình, họ mới có thể tự giải phóng khỏi sự bất bình đẳng giới, trong gia đình và ngoài xã hội.
Đến “hiện thực lè tè” của sân khấu Việt Nam
* Vở kịch ra đời cách đây hơn 100 năm (1879), nhưng người ta vẫn thấy nó rất có tính đương đại, và thậm chí bây giờ còn được dùng làm xuất phát điểm, tạo nguồn cảm hứng cho cuộc tọa đàm ở nhiều nước về “Quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình”. Là chuyên gia hàng đầu về sân khấu, theo bà, sân khấu Việt Nam có thể “học hỏi” được gì từ sự kiện này?
- Tại sao không? Trên tinh thần “trông người lại nghĩ đến ta”, tôi chỉ có thể nói rằng, phần nhiều, hiện thực trong sân khấu của ta vẫn là thứ hiện thực lè tè, không phải thứ hiện thực được đào sâu tận “lõi”, có sức mạnh vượt thời gian để đến với công chúng trong và ngoài nước qua các thế hệ…
* Tại sao lại là hiện thực lè tè, thưa bà?
- Tôi gọi hiện thực trên sân khấu Việt Nam, trong khá nhiều kịch bản, về cơ bản, vẫn là “hiện thực lè tè” là bởi vì vở diễn được dàn dựng từ những kịch bản ấy đã không đối thoại được với công chúng đương đại, không giúp họ khóc cười có ý nghĩa, trăn trở, thảng thốt với chính mình, hay suy ngẫm về những vấn đề sâu xa của thân phận, của đời sống. Khi xem kịch, người ta có thể cười nhiều, hoặc cũng có thể khóc, nhưng lại không tìm thấy được nhiều nhặn ý nghĩa sâu xa trong đó. Nhiều vở kịch cũng mô tả những hiện tượng có vẻ gay cấn trong đời sống nhưng lại chưa đạt tới tầm phổ quát, lại có thể còn thấp hơn cả người xem, cho nên cứ trôi tuột đi, chẳng đọng lại gì trong trí nhớ của người xem…
Với tôi, kịch là một cuộc đối thoại cực kỳ quan thiết đối với đời sống, hoặc theo cách nghiêm trang hoặc hài hước, hoặc là chính kịch, hoặc hài kịch, bi kịch… Nhưng, nhất thiết phải thiết lập được cuộc đối thoại đích đáng vì bản chất của kịch là đối thoại: Tôi đi xem kịch là tôi đối thoại với sân khấu, để tôi buồn, vui, và để tôi tìm ra những nghĩ ngợi, những thanh lọc tâm hồn, những thư thái,niềm vui sống, hay là những giải pháp mà cho dù vở kịch có thể không đề cập lộ liễu, nhưng tôi phải tìm ra…
* Xin bà nói rõ hơn?
- Các trường phái kịch dù khác nhau nhất cũng đều nhằm vào công chúng, muốn họ phải suy nghĩ, và có nhiều khi phải thay đổi hành vi và cách sống. Có vở kịch cung cấp câu trả lời sẵn cho người xem, nhưng cũng có vở kịch bỏ lửng để người xem tự đi tìm. Vở kịch Nhà búp bê là trường hợp thứ 2… Người xem buộc phải nghĩ sau khi kịch đã hạ màn: liệu rằng với một người có lòng tự trọng cao như Nora thì chồng nên đối xử như thế nào cho phải nhẽ, đừng coi người ta như búp bê, và nên băn khoăn: sau khi bỏ nhà ra đi, Nora sẽ đi đâu? Chắc chắn một người có lòng tự trọng như cô rất có thể sẽ đủ tỉnh táo tự ngăn mình đến phố “đèn đỏ” chẳng hạn, như có người từng e ngại cho Nora, và có thể cô sẽ tìm lối thoát khác cho cuộc đời mình.
Lối thoát ấy là gì? Có lẽ không chỉ giới hạn trong cuộc tọa đàm tới đây, mà cả sau đó nữa, ta sẽ phải tiếp tục nghĩ cùng Nora, cho Nora và các chị em như Nora.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất