Võ sư Ngô Xuân Bính: 'Cái đích đến của tôi là văn!'

23/01/2015 22:01 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” diễn ra tối 24/1/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ hội tụ các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu làng nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương... thể hiện những tác phẩm âm nhạc do 10 nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Nguyễn Huy Thông, Phú Quang, Nguyễn Quang Vinh, Trần Phú Cử, Nguyễn Xuân Phương, Tào Tuấn Phương...

Trong số này, những tác phẩm được phổ nhạc trên lời thơ Giáo sư - Võ sư Ngô Xuân Bính gồm các bài: Đêm thanh lắng, Huế một lần gặp, Nỗi nhớ quê, Nếp hương, Mùa thu vàng lao xao, Thả thuyền bến Mơ, Hà Nội trong tôi, Tượng nhà mồ, Tháp Chàm, Trầu cau, Nợ, Lão xẩm, Đất quê...

Phàm là sàn đấu võ, trước khi so găng, người ta cho hai đối thủ đấu mắt (đấu tinh thần). Nếu nhãn lực của một đối thủ yếu, sẽ bị đối phương uy hiếp, anh chưa đấu đã thua. Tôi mang điều này tự sự với võ sư Ngô Xuân Bính, anh cười hiền, bảo: “Chẳng cứ gì võ sĩ. Trong thường nhật, từ một cuộc cãi cọ, xô xát, cho đến giao tiếp, đàm phán hợp đồng... người tự tin, có thần kinh tốt... bao giờ cũng giành được lợi thế nhất định.

Rồi anh xa xăm, trải lòng: “Nhưng đó chỉ là một tình huống, một trận đấu nhất định, nó không bao quát cho cả một cuộc đời với nhiều khúc quanh. Điểm mấu chốt sau mỗi một trận đấu, một trải nghiệm là ta nhận ra cái gì. Cái nọ hun đúc kia để nhận thấy nhãn lực trong một tình huống (dù là mạnh hay yếu) cũng chỉ là một điểm nhấn cho một nhân sinh quan khi kiến thức, sự chiêm nghiệm đã đủ vuông tròn”...

Giáo sư Ngô Xuân Bính (trái) và Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu

Rồi anh bàn, trước hết là cổ nhân. Anh bảo, cổ nhân là những giá trị vĩnh hằng, mình là hậu bối tiệm cận được ít nào tốt ít đấy (trước hết là cho mình). Đại để câu chuyện của anh: Nguyễn Trãi, lấy nhân nghĩa để làm kim chỉ nam từ những cơn nguy biến ở tầm quốc gia cho đến những cư xử đơn sơ của lẽ đời.

Trước nữa, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo... toàn những bậc thừa tài nguyên thủ, khuất phục cường địch nhưng bình nhật tâm hồn rất đỗi tinh tế. Tập Lạc Đạo của Trần Quang Khải là nét đẹp dung dị của một tâm hồn thơ yêu cỏ cây, vạn vật, cuộc sống. Một Trần Nhật Duật với đủ các ngón cầm, kỳ, thi họa, mà ngón chơi nào cũng đạt đến độ vi diệu. Một Trần Quốc Tuấn mộc mạc với việc chăn dân ở thái ấp Vạn Kiếp.

Hết cổ nhân, anh về đương đại. Một cậu bé xả thân cứu bạn dưới dòng nước lũ. Những người lính đã đổ máu và ngày đêm quần nhau với sóng dữ, những người trẻ hung hăng nhưng sau một cơn “tai biến” bỗng hiền lành như những chú nai...

Tựu lại, dòng chảy ấy mang đến cho ta những giá trị nhân sinh. Nó là khối sản phẩm NHÂN TÌNH bất diệt và nó mang giá trị nhân loại.

Với người học võ, giá trị đó có thể hữu ích hơn vì để chế ngự sự “động binh” đòi hỏi sự nhẫn nại, tình người và cả lòng bác ái nữa. Không phải ngẫu nhiên mà bài học đầu tiên của người học võ là đứng tấn. Không bàn việc chuyên môn, câu chuyện đứng tấn là bài học giáo dục môn sinh sự kìm chế, lòng nhẫn nại. Cái Văn của võ có ngay trong “giáo lý” đầu tiên...

Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tặng chữ cho Giáo sư Ngô Xuân Bính

Và anh, sau khi “hòm hòm” những chiêm nghiệm, trải nghiệm về võ học; những sáng tạo, chuyên cần của một viện sĩ; những mưu sinh bầm dập nơi xứ người... anh đến với thơ, tự nhiên như một nhánh sông cần thiết phải có một cửa bể.

Thơ anh nhiều bài không dễ đọc, nói như kiến trúc sư Nguyễn Phú Cử (một học trò của anh trong phái Nhất Nam) là: “Một thứ thiền hay yoga gieo bằng vần, nhưng vì thế mà lẽ nhân sinh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt”...

Không nói Phú Quang, Nguyễn Cường, Đức Trịnh... những người phổ nhạc từ thơ anh, mà như tôi, một gã bất tài, vô tứ nhưng vẫn nhấn nha được: “Chân kều xếp lại núi/ Đuôi kiến tạo dòng chảy/ Trái tim căng phồng” thì đừng trách bạn nhé khi tôi gọi anh là nhà thơ...

Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính là một nhà khoa học thành danh, võ sử - chưởng môn phái võ Nhất Nam. Ông được Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu trao học hàm Viện sỹ. Ông có những đóng góp trong việc khám chữa bệnh và nghiên cứu, xuất bản những công trình khoa học có giá trị thực tiễn cao. Ông đã xuất bản 7 tập thơ, mỗi tập dày từ 300-500 trang.

Nguyễn Quốc Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm