10/05/2023 12:27 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Tiêu bao nhiêu là đủ chỉ có gia đình bạn biết. Châm ngôn của cặp vợ chồng trẻ này là "biết đủ thì đủ, không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu."
"Sau 7 năm cưới nhau, hiện tại trong tài khoản của mình không có nổi 10 triệu. Tài khoản của chồng mình thì có 30 triệu vì anh đi làm xa và tính chất công việc nên cần tiền dự phòng. Vợ chồng mình không thừa kế gì từ bố mẹ 2 bên, có khoản nợ ngân hàng 800 triệu. Nhưng hiện tại, tụi mình có 2 mảnh đất trị giá 4 tỷ, tiền tiết kiệm vài trăm triệu để phòng ngừa rủi ro. Dù hiện tại thu nhập hàng tháng dư sức trả ngân hàng và các chi phí sinh họat trong gia đình, nhưng mình vẫn luôn duy trì thói quen tiết kiệm nhiều nhất có thể." Nguyệt Hạ (1992, Hà Nội, chuyên viên tư vấn tài chính) chia sẻ về tài chính của gia đình cô.
Lúc cưới nhau cả hai vợ chồng Nguyệt Hạ đều tay trắng mà nên. Ngoài số tiền mừng cưới và 2 cây vàng bố mẹ cho thì gần như tài sản tích lũy của gia đình Hạ không có gì.
Khi này, tổng thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng 30-40 triệu đồng. Mỗi tháng vẫn đều đặn dành dụm được 50% thu nhập để phòng lúc đau ốm. Số còn lại được dùng để chi tiêu và thi thoảng phụ giúp gia đình nội ngoại. Cuộc sống của vợ chồng Hạ bấy giờ cũng không dễ dàng gì:
"Tụi mình lên kế hoạch có con sau 2 năm cưới, vậy nên thời gian đầu lúc nào cũng cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể. Vừa để có tiền sinh con, vừa để có ít tiền đầu tư bất động sản. Tụi mình nhắm miếng đất vùng ven, giá vừa rẻ mà có quy hoạch thành phố nên tương lai sẽ tăng rất mạnh.
Thời điểm chưa có con, tụi mình sống ở căn nhà thuê 15m2 giá chỉ 1,3 triệu đồng. Cộng thêm sinh hoạt phí mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng nữa. Lúc đó dù thu nhập cũng nằm ở mức trung bình khá, nhưng cả hai vợ chồng không ngần ngại sống chắt bóp một chút để có tiền dư tiết kiệm. Vì tụi mình tính rồi: Trả giá bằng 10 năm nhà thuê thì mới có cơ hội mua được căn nhà của chính mình.
Đến lúc có con, mình nghỉ việc và về quê để tiện sinh nở. Lúc đó có mình chồng gồng gánh sinh hoạt phí của cả nhà. Thời gian đầu khi sinh bé, gần như tiền lương của chồng mình tháng nào tiêu hết tháng đó. Mình nhận được tiền thai sản cũng đỡ đần được chút. Em bé lớn thêm thì mình quay trở lại công việc. Tụi mình cũng chuyển sang căn nhà lớn hơn để con thoải mái. Tiền thuê nhà lúc này đã lên 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập và lãi tiết kiệm từ ngân hàng giúp tụi mình vượt qua dễ dàng hơn."
Sau khoảng 7 năm duy trì lối sống tiết kiệm này, vợ chồng Nguyệt Hạ dành dụm được 2 miếng đất vùng ven trị giá 4 tỷ đồng, và sổ tiết kiệm cũng như bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro.
Nguyệt Hạ cho biết, trong 7 năm cưới nhau, trừ đi 2 năm sinh con và không có nguồn thu nhập từ vợ, thì vợ chồng cô luôn áp dụng quy tắc: Sinh hoạt phí trong gia đình luôn giữ ở mức tối thiểu nhất. Tức là số tiền dành cho việc sinh sống: Tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và những chi phí cơ bản khác. Nếu có khoản nào đột ngột tăng lên thì vợ chồng cô liền tìm cách cân bằng lại.
Liên tục gia tăng thu nhập trong nhiều năm, hiện tại cộng tiền lương hàng tháng và lãi suất từ việc gửi tiết kiệm, vợ chồng Nguyệt Hạ kiếm về được cả trăm triệu mỗi tháng. Mức sinh hoạt phí khi này cũng chỉ giao động trong khoảng 10 triệu đồng: Tiền nhà 4,5 triệu/tháng (đã bao gồm tất cả chi phí) + Tiền ăn uống của gia đình 3 người và các khoản tiền lặt vặt khác. Riêng khoản tiền nuôi con như học hành và phát triển bản thân được dành quỹ riêng nên vợ chồng Nguyệt Hạ không tính vào khoản chi tiêu này: "Từ khi sinh con, vợ chồng mình thống nhất lập cho con 1 sổ tiết kiệm, hàng tháng đều đặn bỏ vào 20% tổng thu nhập để làm chi phí nuôi con. Dù cho vợ chồng mình có sống chắt bóp nhường nào, thì tiền nuôi con cái cũng không thể tiết kiệm."
Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt và nuôi con, khoản tiền còn lại được Nguyệt Hạ và chồng chia thành 3 khoản: 1 để trả nợ ngân hàng theo tháng, 1 để phụ dưỡng bố mẹ, và còn lại để tiết kiệm. "Tụi mình có khoản vay 800 triệu để mua bất động sản, mỗi tháng cần trả hơn 15 triệu đồng. Nhiều người hỏi sao không lấy tiền tiết kiệm để trả hết nợ ngân hàng nhưng đây là cách tính toán riêng của gia đình mình. Vẫn rất có lợi nên vợ chồng mình chọn trả góp. Đều đặn hàng tháng thì tụi mình cũng gửi gia đình 2 bên mỗi nhà 5 triệu. Số còn lại được bỏ hết vào tài khoản tiết kiệm. Cứ được một thời gian, tụi mình lại dành số tiền này để mua vàng, bảo hiểm hoặc tiếp tục đầu tư thêm bất động sản. Dự kiến trong 2 năm nữa, tụi mình sẽ mua được căn nhà đầu tiên."
Vì làm công ăn lương nên vợ chồng Nguyệt Hạ tính toán tài chính rất kỹ. Châm ngôn của vợ chồng cô suốt những năm tháng qua luôn là: "Biết đủ thì đủ, không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu."
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất