Vợ chồng "song kiếm hợp bích"

06/11/2008 11:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bản dịch tác phẩm Tôi tên là Đỏ của nhà văn đoạt giải Nobel 2006 Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ) của 2 dịch giả Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh đã vinh dự đoạt giải thưởng về dịch thuật duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh là bạn đời của nhau, nhân dịp này TT&VH trò chuyện với Phạm Viêm Phương xung quanh giải thưởng lần này và công việc dịch thuật.

"Tụi tôi chỉ là người dịch thuê"!

* Ông có bất ngờ với giải thưởng của Hội Nhà văn VN trao cho Tên tôi là Đỏgiữa thời thị trường sách dịch có rất nhiều “cao thủ” tham gia không?
 
 
- Đúng là khá bất ngờ, vì (1) tôi không phải hội viên của Hội nhà văn VN hay hội dịch thuật nào cả; (2) cơ duyên nào đã khiến ban giám khảo của Hội Nhà văn VN để mắt tới dịch phẩm này thì tôi cũng không rõ; và sau cùng, (3) như anh thấy, làng dịch thuật có rất nhiều “cao thủ” và năm 2007 vừa qua cũng có nhiều dịch phẩm xuất sắc của nhiều nhà văn lừng lẫy thế giới được phát hành, nên đúng là bất ngờ. Và những lý do nêu trên khiến tôi nhận ra rằng: mình gặp may. Tên tôi là Đỏ tuyệt vời là do tài năng của Orhan Pamuk (điều này cả thế giới công nhận mà), rồi Nhã Nam nhờ tụi tôi dịch cuốn này (không hề do tôi chọn, anh biết đó, tụi tôi chỉ là người dịch thuê) và ban đầu tôi rất ngần ngại vì phải dịch qua ngôn ngữ trung gian (tiếng Anh). Nhưng bên cạnh đó tôi cũng thấy an ủi ở chỗ bản dịch của chúng tôi đã làm vừa lòng nhiều độc giả.

* Ông đánh giá đôi chút về các tác phẩm văn học dịch trong năm 2007. Theo anh có bao nhiêu tác phẩm có thể “cạnh tranh giải thưởng” với bản dịch Tên tôi là Đỏ?

- Năm qua có thể coi là năm khởi sắc của văn học dịch, nhờ công sức của nhiều công ty văn hóa tư nhân. Họ đã quen làm việc chính quy (chọn sách có giá trị, mua bản quyền nghiêm túc, chọn dịch giả phù hợp, biên tập cẩn thận, có chiến lược tiếp thị sản phẩm chu đáo…) Nhờ thế bạn đọc có cơ hội làm quen với đông đảo tác giả đang ở đỉnh cao sự nghiệp và được tìm đọc rộng rãi ở Đông cũng như Tây. Chính những nỗ lực này đã khôi phục thói quen đọc văn học nói chung, và văn học nước ngoài nói riêng. Tôi làm nghề dịch cả 20 năm rồi mà chỉ vài năm gần đây mới được điều kiện để chuyên dịch văn học. Phần lớn các công ty văn hóa và nhà xuất bản ở TP.HCM thường tập trung vào sách biên khảo, phi hư cấu, và hầu như không xuất bản tác phẩm văn học. Với tình hình đó, tôi tin rằng có hàng chục dịch phẩm thừa sức cạnh tranh với Tên tôi là Đỏ (vì đây là “niềm tin” nên miễn cho tôi việc chứng minh nhé).

*Để có một bản dịch chất lượng anh đã phải lao động như thế nào? Nhuận bút một bản dịch hiện nay có xứng đáng hay anh phải dịch nhiều tác phẩm trong một năm để “lấy số lượng” bù vào?
 Vợ chồng dịch giả Phạm Viêm Phương,
Huỳnh Kim Oanh (ảnh Anh Vân)
- Chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình, luôn hoài nghi và tự đặt câu hỏi, sau đó tra cứu sách vở và nhất là internet, đến lúc cảm thấy không còn hồ nghi gì về bất kỳ câu văn nào của tác giả. Sau khi hiểu xong văn bản, chúng tôi cố gắng giữ văn phong của tác giả (kể cả những lối viết rườm rà, dài dòng, rối rắm hoặc khó đọc), dĩ nhiên chúng tôi cũng thường phải thỏa hiệp để có câu văn dịch có thể hiểu được đối với bạn đọc.

Nhuận bút dịch hiện nay đủ cho gia đình tôi sống ở mức trung bình. Trong tình hình kinh tế hiện nay, được như vậy là ổn rồi. So với những người sáng tác thì giới dịch thuật chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều vì chúng tôi có thể sống hoàn toàn bằng công việc của mình, không cần làm thêm nghề tay trái.

Dịch cũng trở thành duyên nợ, nên cứ xong cuốn này lại lao vào cuốn khác, xem nó như “lý do tồn tại” chứ không phải vì muốn lấy “số lượng” để tăng lợi tức.

"Của chồng công vợ"

* Một dịch giả thường gắn liền với một nền văn học, anh được biết đến như dịch giả của văn học Mỹ, riêng cuốn Tôi tên là Đỏ lại của Thổ Nhĩ Kỳ, anh có thấy như vậy là “trái tay” với mình?

- Như đã nói trên, tôi rất ngại phải dịch qua một ngôn ngữ trung gian, mặc dù trên thế giới cũng có những bản dịch xuất sắc, thậm chí còn trong sáng hơn bản gốc và được chính tác giả khen ngợi, nhưng dù sao, tôi tin rằng “uống nước tận nguồn” vẫn tốt hơn. Có lẽ chính sự e ngại này đã buộc tôi phải tra cứu hết sức mình khi thực hiện bản dịch trên. May mắn là, từ sau Tên tôi là Đỏ, tôi toàn được đặt hàng dịch tác phẩm văn học Mỹ, như Giết con chim nhại vừa xuất bản gần đây chẳng hạn.

* Bà Huỳnh Kim Oanh, đồng dịch giả Tên tôi là Đỏ, là bạn đời của ông. Giữa hai người, ai đầu tư công sức nhiều hơn để tạo nên tác phẩm?

- Vợ chồng tôi đã dịch chung cả chục đầu sách. Thường thì vợ tôi dịch số trang nhiều hơn tôi (vì tôi còn dịch tờ Economic Development Review, mỗi tháng 32 trang). Tôi dịch phần của tôi, đọc bản dịch (cả phần của tôi và của bà ấy) lần cuối, rồi tìm đọc tài liệu để viết lời giới thiệu và lời bạt cho tác phẩm. Trong quá trình dịch, chúng tôi thường xuyên trao đổi về bản thảo, kinh nghiệm dịch, thống nhất các thuật ngữ… Nhờ vậy cuộc sống chung phong phú hơn, thay vì bị bó hẹp trong chuyện cơm áo gạo tiền. Nếu tôi bảo "công bà Oanh nhiều hơn" hay "phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ" thì sặc mùi "nịnh vợ". Và nếu tôi nói "công lao của bà ấy ít hơn tôi" thì hóa ra tôi không biết quí trọng những gì mình hiện có. Thôi cứ coi như "của chồng công vợ". Được không?
 
Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm