Võ Bình Định ngời sáng vẻ đẹp nhân văn

29/07/2010 13:38 GMT+7 | Thế giới

Có một giáo viên “thắc mắc”: “các anh đào tạo võ Bình Định để cho học sinh đánh nhau à?”. Xin thưa, võ mà ông ta đang nói là thứ võ của phường đạo tặc, còn học võ mà để tự vệ, để giúp ích cho người, cho xã hội thì mới là võ đạo. Như vậy, bản chất cái đạo của người học võ phải đứng vững trên nền tảng nhân văn.
 

Biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam


Văn không võ, văn nhu nhược, võ không văn, võ bạo tàn

Nhiều võ sư đã dạy các học trò của mình: “Văn không võ, văn nhu nhược - Võ không văn, võ bạo tàn" (Ca dao). Trong xu thế mở cửa giao lưu và hội nhập hôm nay, điều này càng trở nên cần thiết. Các võ sinh chỉ dùng đòn tối hậu với kẻ thù chứ không dùng với đối thủ. Đã qua lâu rồi cái thời phải kê quan tài dưới sàn đài và trao “sinh tử trang” cho đối thủ. Tinh thần kỷ luật của quân đội Tây Sơn là phần người nhất nằm trong tâm thức “con người”. Đó là lễ, là đạo là những giá trị nhân văn tích tụ lại từ ngàn xưa. Người học võ cần có đức hiếu sinh để mở rộng lòng mình cho sự sống rào rạt trong từng đường gân, thớ thịt. Các động tác lập tấn, khiêm nhu trầm mình, mắt nhìn thẳng, lòng rộng mở bái tổ, kính huynh đệ đã nói lên đầy đủ vẻ đẹp nhân tâm của người học võ.

Sinh thời, cố võ sư Hoàng Tùng say mê võ thuật như say mê văn chương, luôn cố gắng kết hợp nhuần nhuyễn giữa võ học và văn hoá. Sau khi đúc kết các chiêu, phân thế, chỉ rõ các đòn, thế đánh, các võ sư xếp lại thành một bài võ, rồi dùng thơ ca diễn tả một cách hào hùng. Nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định là ngoài các kỹ thuật căn bản ra đều có lời thiệu. Lời thiệu diễn tả phương cách tấn công, phòng thủ, phác họa thế trận trong đó ẩn chứa triết lý nhân văn sâu sắc. Lời thiệu có thể là thơ hay phú chữ Hán, chữ Nôm hoặc Quốc ngữ. Võ thuật truyền lại cái tâm huyết của một đời người. Nó  trau chuốt cô đúc như vậy cho nên phải tìm đến sự hàm súc của thơ Đường là một tất yếu. Bài phú võ là một bài thơ gồm các câu 6, câu 8, phép niêm vận, luật bằng trắc mang đầy tính nhạc. Khi âm điệu vang lên thì sự hào hùng của khí phách ngàn xưa cũng vọng về… Khi võ sư đọc thiệu thì tất cả võ sinh đọc theo, đọc đến đâu múa theo đến đó nên tạo được rất nhiều sự hưng phấn cho người đọc. Có nhiều bài thiệu mới đọc lên cái tên thôi cũng đã thấy vẻ đẹp của sự tài hoa: Ngọc trản (chén ngọc), Tiên ông phá thạch, Thần đồng, Phượng hoàng…
 

Thi đấu Roi trong Hội thảo. Ảnh:Hải Dương


Lúc gây dựng sự nghiệp, Tây Sơn Tam kiệt đều thụ giáo các bậc thầy cả văn lẫn võ, hấp thụ lấy tinh hoa mà tạo lập cơ đồ. Đến đời Nguyễn, Bình Định được chọn là nơi tổ chức trường thi võ. Võ sinh đi thi phải thi các môn thao lược binh thư đồ trận. Huấn luyện và tổ chức quân đội phải có người văn võ kiêm toàn học rộng, vừa giỏi về côn quyền vừa giỏi binh thư. Nếu tướng chỉ biết võ thì phải kèm theo một quan văn bên cạnh. Các tướng nhà Tây Sơn không chỉ có võ nghệ xuất chúng mà còn có tài năng văn chương và một tâm hồn nghệ sĩ. Xung quanh Nguyễn Huệ, có thể kể đến Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhậm, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở… Đặc thù của Võ cổ truyền Bình Định còn là những áng văn chương trác tuyệt, ẩn tàng triết lý nhân sinh sâu sắc. Mạch ngầm thượng võ Bình Định đã tìm đến và bén duyên với văn chương. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, văn chứa Đạo, võ chứa Đức. Văn cũng như võ đều làm phát sáng những vẻ đẹp nhân tâm.

Võ Bình Định - những mạch nguồn văn hoá

Mỗi hình ảnh của các chiêu thức của các bài võ đều lấy ra từ những tích cổ của nền văn hóa phương Đông. Các bậc tiền nhân mượn hình ảnh của loài vật trong địa chi và trong tứ linh để đặt tên cho các bài võ. Việc làm đó gọi là “thảo”. Thảo trong võ thuật có hai dạng là thảo bộ và thảo roi. Thảo bộ là bài tập về tay không và thảo roi là bài tập với cây gậy, cây côn. Thảo là lối viết rất nhanh, bay bướm, là một trong bốn thế viết thư pháp: lệ, chân, triện, thảo. Trong thư họa, "thảo" là nét vẽ, nét hoa. Do đó khi luyện tập một bài thảo, thì chắc chắn đó là một bài võ hài hòa, uyển chuyển, mang đậm hồn cốt dân tộc khác với các môn võ trên thế giới. Có lẽ vì vậy mà người ta thấy người Bình Định đánh võ mà như múa. Múa trong hát bội không tách rời võ cổ truyền Bình Định. Người ta nhận ra trong các động tác múa nền tảng võ thuật đã được cách điệu rất chau chuốt. Đào kép chỉ thực sự xuất sắc nếu có được sự hiểu biết cơ bản về võ thuật. Cũng vì vậy mà ông tổ Hát bội Việt Nam Đào Tấn yêu cầu học trò: “Kép hát phải biết võ nghệ mới được.” Trong hội hè đình đám ở Bình Định, thường không thể thiếu hát xướng và võ thuật.
 

Múa võ tại bảo tàng Quang Trung.Ảnh:Hải Dương


Võ thuật - nơi toả sáng vẻ đẹp chân, thiện, mỹ

Võ sư Trần Xuân Mẫn, nguyên uỷ viên Ban kỹ thuật Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cho rằng: “Nhân văn là nói đến việc lấy con người làm nền tảng. Võ Bình Định bao giờ cũng hướng tới sự xây dựng con người trung thực (chân), xây dựng con người ngày càng tốt hơn về cái bên trong (thiện), đẹp hơn về cái bên ngoài (mỹ). Khi muốn tìm hiểu võ cổ truyền Bình Định, phải lưu ý đến các yếu tố võ triết, võ đức và võ thuật. Võ triết thể hiện nhân sinh quan của môn võ. Võ đức thể hiện mục tiêu hướng thiện của môn võ. Võ thuật thể hiện cách lý giải biện chứng những kỹ thuật tự vệ phát triển hợp quy luật nhằm giúp con người tự hoàn thiện mình về cả thể chất và tinh thần.” Chúng ta có quyền tin rằng những vẻ đẹp của võ Bình Định sẽ ngày càng tỏa sáng bên thềm Liên hoan võ thuật quốc tế  đang diễn ra.

Hải Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm