Virus manga tấn công thế giới

03/11/2010 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Du khách nước ngoài rất có thể giật mình khi gặp trên đường phố Nhật Bản hay trong tàu điện ngầm những toán thanh thiếu niên ăn vận sặc sỡ như vừa bước ra từ một trang sách manga. “Đôi khi đó chỉ là cuộc trốn chạy khỏi áp lực khủng khiếp ở trường học“, Aoi, một nữ sinh cho biết. Không những thế: sách comic, phim hoạt hình, trang phục kiếm sĩ – hiếm có nơi nào mà sự giao thoa văn hóa Đông Tây làm nảy nở những mầm mống dị thường như ở đất Phù Tang, nay đang có xu hướng lấn át thế giới.

Tokyo, quận Bunkyo


“Cosplayer”, một hiện tượng nhan nhản ngoài đường phố Nhật

Ba hình nhân kỳ quái đứng đợi ông bán hàng làm cho mấy suất hot-dog: một cô bé son phấn chát chúa như tuồng cổ nhưng lại mặc đồng phục học sinh, một con gấu bông màu hồng tía và một võ công karate đi chân đất đóng khố in màu da báo. Cách đó mấy chục bước chân là đấng nam nhi tóc màu lá mạ của một ban nhạc J-Pop đang gào như xé tai với giọng mái, chiếc quần bò đen làm cho cặp giò ống sậy càng khẳng khiu hơn.

Chuyện thường ngày ở Bunkyo, trong một công viên giải trí giữa kinh đô 8,5 triệu dân của xứ mặt trời mọc. Công viên ở đây không hẳn là nơi các gia đình dẫn con đi chơi đu quay và ăn kem, mà ngày càng bị chiếm cứ bởi hàng trăm thanh thiếu niên trong những bộ trang phục độc nhất vô nhị: cosplayer (người chơi trò hóa trang), những nhân vật từ sách manga tiến thẳng ra đời thường.

“Tôi là Yuna trong trò chơi điện tử Final Fantasy“,
Aoi trong bộ đồ Cô bé quàng khăn đỏ rách tơi tả nói. “Chúng tôi quậy phá cho quên đi kỷ luật hà khắc và hàng trăm bài tập do cô giáo giao cho. Song đôi khi chỉ đơn giản là một bữa tiệc không bao giờ chấm dứt, để những ai tham gia đều có thể vào vai siêu mẫu mà dù vậy vẫn là một đứa trẻ”. Trẻ? Ai lần đầu đến Nhật Bản cũng phải ngạc nhiên khi thấy quá nửa giới mày râu say sưa đọc truyện tranh kiểu Doremon ngoài đường. Vả lại, Nhật luôn là mảnh đất sinh ra bất ngờ; mấy ai ngờ rạp chiếu hoạt hình đôi khi đông hơn phim truyện của Hollywood, và nghe nói có cả máy tự động cạnh vỉa hè nhả ra... quần lót phụ nữ đã sử dụng nhưng chưa giặt(!?)


Đảo ngược xu thế

Có đi thăm những chốn tấp nập như hội chợ sách lớn nhất thế giới ở Frankfurt mới nhìn được một cách khách quan sức mạnh lan tỏa của văn hóa Nhật, một thời chuyên đi học mót và sao chép (kể cả loại sách comic đặc Mỹ), nay đã đảo ngược thế cờ. Ít nơi nào có khách khứa thượng vàng hạ cám như ở hội chợ sách. Chen vai thích cánh giữa các quầy sách là đám tóc hoa râm lần giở mấy trang sách mới nhất của nhà văn giải Nobel Mario Vargas Llosa, cạnh đó là một toán trẻ con cãi nhau chí chóe để xin chữ ký của cựu thủ môn đội tuyển Đức Lehmann, và nổi bật hơn cả - người Nhật xa quê hẳn sẽ ấm lòng: một ác quỷ máu me đầm đìa khoác tay một con khủng long đuôi dài hai mét, thì ra cosplay đã tràn sang châu Âu. Sách manga năm nay đem lại cho thị trường sách doanh số 70 triệu Euro và là mảng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, từ vài năm nay chiếm hẳn những phòng hội chợ to bằng nửa sân bóng đá.

Ở chính quốc thì dĩ nhiên mọi sự tưng bừng hơn. Trường quay Ghibli Studios kèm bảo tàng manga ở quận Kichijoji, nơi dòng phim hoạt hình Nhật phát triển đình đám nhất, suốt ngày ồn ào như ong vỡ tổ, từ khi chốn này trở thành nơi tham quan yêu thích số 1 của các gia đình Tokyo. Ai muốn xem những phim hoạt hình như Princess Mononoke hay Howl’s Moving Castle phải mua vé trước cả tháng trời. Không ngoa khi cả quyết là manga là tài sản văn hóa truyền thống của Nhật. Từ thế kỷ 12 các tu viện Shinto (Thần đạo) đã sản xuất tranh cuộn, chủ yếu miêu tả những chuyện sinh hoạt thường nhật, để từ thế kỷ 17 trở đi nhường chỗ cho sách truyện ở dạng hôm nay. Nhất là từ sau đệ nhị thế chiến thì trẻ em Nhật ôm sách manga từ trong nôi, thậm chí cách trình bày đồ họa đã đi vào sách giáo khoa và văn bản chuyên môn. Sách manga Nhật được chia thành từng dòng riêng: cho em gái tuổi dậy thì, cho người già, cho doanh nhân, kể cả loại sách mà ở ta quen gọi là “con heo”…


“Visual Kei” là cách muốn nổi bật bằng mọi giá của các ban nhạc, giới fan cũng đua nhau sao chép lại

Virus manga


Trung bình mỗi người Nhật mỗi năm mua 15 cuốn sách manga (ở châu Âu: 4). Không có gì lạ, khi người sáng lập trường quay Ghibli Studios và từng ẵm giải Oscar là Hayao Miyazaki không đếm xỉa đến thị hiếu nào ngoài Nhật: “Tôi không rõ trẻ con nước ngoài thích gì, nhưng có lẽ không khác trẻ con Nhật. Chúng tôi làm những câu chuyện giàu nhân tính, pha trộn nhiều yếu tố phiêu lưu, và hơi... điên điên một chút”. Trong phim Ponyo vừa ra đời, chuyện một con cá vàng muốn biến thành người được ông thuật lại bằng thủ pháp pha trộn nhiều yếu tố quốc tế: phong cảnh Nhật nhưng thiên về kỹ thuật màu nước Trung Hoa, nhạc Wagner, người cá của Andersen... “Tôi muốn dụ dỗ bọn trẻ mơ mộng”, đạo diễn 69 tuổi nói.

Thực tế cho thấy ông có lý. Câu chuyện đầy chất thơ Ponyo lôi kéo trẻ con toàn thế giới vào rạp. Giáo viên dạy họa than phiền là trẻ con thời nay chỉ còn biết vẽ theo các nhân vật trong phim ảnh Nhật. Chúng đòi bố mẹ mua từ cặp sách đến cục tẩy có hình mèo Kitty. Các ban nhạc Nhật sau khi chiếm lĩnh Hàn Quốc và các nước láng giềng, nay đã bắt đầu tấn công thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Tất cả những gì đến từ Nhật không chỉ lạ mắt lạ tai, mà còn sặc sỡ hơn, ồn ã hơn, và “điên điên” hơn một chút.

Các bậc phụ huynh có thể lắc đầu ngán ngẩm, vì trong mắt họ manga chứa nhiều bạo lực và sex quá, tâm lý nhân vật đôi khi không hẳn phù hợp với tính cách châu Âu hay thậm chí châu Á. Nhưng có lẽ chúng ta đều đã nhiều lần “tiêu thụ” manga một cách vô thức, từ những phim hoạt hình kinh điển như Heidi hay Pinocchio, gói mì ăn liền, cho đến bản chỉ dẫn kỹ thuật của nồi cơm điện hoặc máy lạnh... Manga đã thành một sản phẩm xuất khẩu và đại sứ văn hóa không chính thống của Nhật. Các chuyên gia xuất bản nhất trí rằng Nhật là nước đầu tiên dùng comic hay manga như một phương tiện thể hiện hoàn hảo. Không xó xỉnh nào trên đảo quốc này mà người ta tránh được sự hiện diện của nghệ thuật đồ họa rất đặc trưng này. Một biến thể manga cho nghệ thuật thứ bảy là phim hoạt hình hay anim, khởi đầu cách đây chừng nửa thế kỷ và hôm nay không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của Nhật. Thống kê không chính thức của Phòng ngoại thương Nhật JETRO cho thấy một phần ba tài liệu in ấn ở Nhật được thể hiện ở dạng manga, và 60% phim hoạt hình toàn cầu do người Nhật sản xuất ra.

Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán lý do hiện tượng này là người Nhật dùng chữ tượng hình (bắt nguồn từ Trung văn) nên ưa định hướng theo hình vẽ; thói quen đó càng được khắc sâu bởi hai thế kỷ bế quan tỏa cảng (1633 đến 1853). Điểm đáng chú ý có lẽ chỉ là hiện tượng “lây lan” ra toàn cầu của nó. Chủ yếu cũng nhờ chất lượng cao của hàng Nhật mà manga được “ăn theo” ra thế giới. Còn bản thân người Nhật thì không có lý do mà phiền lòng: riêng xuất khẩu manga và anim mỗi năm đem về 17 tỉ USD. Và xu hướng này ngày càng tăng!

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm