Vĩnh biệt tác giả bộ phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải quốc tế

01/10/2010 15:52 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Tháng Ba năm nay, nhân Ngày Điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên, tôi gặp đạo diễn Nguyễn Văn Thông xin được viết về anh - người Việt Nam đầu tiên có phim đoạt giải thưởng quốc tế. Lúc đầu anh không đồng ý. Sau đó anh gọi cho tôi, bảo cần gì thì anh sẽ gửi thêm tư liệu vào TP.HCM cho. Và tôi đã nhận được gói bưu phẩm anh gửi từ Hà Nội, gồm mấy cuốn sách cùng một số bài viết liên quan đến phim của anh. Anh có hỏi tôi mấy lần, dặn khi nào bài được đăng thì nhớ nhắn cho anh đọc. Sáng nay đọc báo mới biết anh đã từ biệt thế gian rồi. 85 tuổi, làm điện ảnh gần hai phần ba cuộc đời. Lớp đạo diễn tiền phong xây nền điện ảnh Việt Nam từ gần năm mươi năm trước đâu có ai ít hơn tuổi ấy. Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Hải Ninh, Bạch Diệp, Phạm Văn Khoa, Vũ Sơn, Mai Lộc, Trần Vũ, Hồng Sến… Người còn, người mất. Nhưng phim của họ thì vẫn còn đủ cả. Không có những thước phim “làm cái gì ra cái đó” của họ, điện ảnh Việt Nam lấy gì chứng minh với hôm nay, rằng đã từng có một thời chất lượng phim Việt Nam tỷ lệ nghịch với tuổi đời và số tiền đầu tư sản xuất?


Poster phim Con chim vành khuyên năm 1962
Lịch sử điện ảnh Việt Nam và khán giả điện ảnh một thời mãi mãi không thể quên cái tên Nguyễn Văn Thông. Với sự giúp sức của Trần Vũ, phim Con chim vành khuyên mà anh là đạo diễn trở thành bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên giành được Giải thưởng đặc biệt của LHP quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc). Thật kỳ lạ, đã 48 năm trôi qua kể từ sự kiện lịch sử đó của điện ảnh Việt Nam, vậy mà cảm giác tự hào vẫn không nguội lạnh khi tôi tìm đọc lại một đoạn trong bài đăng trên tờ báo ra ngày 23/6/1962 trong khuôn khổ LHP quốc tế năm ấy ở Tiệp Khắc: “Bộ phim Con chim vành khuyên là một tác phẩm hay. Phim kết thúc ở cảnh em bé gái trúng đạn của kẻ thù nằm sóng xoài trên bờ cát ven sông, trước khi chết em vẫn cố hết sức mở chiếc kim cài túi áo thả chú chim non và cũng là người bạn nhỏ của em bấy lâu. Chú chim non bay lên và cất những tiếng kêu thảm thiết vang động cả bầu trời xanh thẳm…Ngôn ngữ điện ảnh này là một tìm tòi đặc sắc của tác giả”.

Sukhray - đạo diễn điện ảnh lừng danh của Nga cũng có lời nhận xét: “Con chim vành khuyên đánh dấu một bước tiến mới rất đáng tự hào của nền điện ảnh trẻ tuổi Việt Nam”. Chất thơ và sự dung dị của bộ phim được nhiều đồng nghiệp nước ngoài khen ngợi này quả thực đã phác họa nên gương mặt non trẻ nhưng sớm có đường nét bản sắc của điện ảnh Việt Nam. Và Nguyễn Văn Thông, với sự cộng tác chặt chẽ của Trần Vũ, từ đó được coi là người có công đặt viên gạch đầu tiên cho phong cách thơ trong phim truyện Việt Nam. Phong cách ấy, như TS nghệ thuật điện ảnh Ngô Phương Lan đã viết trong cuốn Lịch sử điện ảnh Việt Nam “sự xuất hiện của phong cách thơ trong nền phim truyện của một quốc gia bao giờ cũng chứng tỏ trình độ phát triển nhất định của nền điện ảnh đó”.


Nguyễn Văn Thông đến với điện ảnh khi đã 33 tuổi. Là bộ đội văn nghệ từ Khu Năm tập kết ra Bắc, Nguyễn Văn Thông được cử đi học lớp đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, mở ở Hà Nội năm 1959. Một trong những ông thầy Xô Viết năm ấy của lớp là Anatoli Braghimop. Có ai ngờ, những kiến thức điện ảnh đầu tiên lại thấm sâu và lan nhanh đến thế vào tâm trí chàng cựu học sinh trường Providence và Văn khoa Huế. Đến cuối khóa học, Nguyễn Văn Thông trình được cho thầy và các bạn tác phẩm tốt nghiệp Con chim vành khuyên, do anh viết kịch bản và phối hợp đạo diễn cùng với Trần Vũ. Có kiến thức văn hóa cơ bản, có sự đam mê, tác phẩm đầu tay ấy đã được thầy và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.

Sau thành công đầu tiên ấy, Nguyễn Văn Thông đã quyết chọn điện ảnh làm cái nghiệp đời của mình, cho dù như ông vẫn tâm sự “đó là một thứ nghiệp chướng, bám riết và hành hạ tôi suốt cả cuộc đời”. Vốn là lính và phim trường của hầu hết các phim ông làm là trận địa, là chiến trường, Nguyễn Văn Thông luôn nhất quán trong tư duy sáng tạo và ngôn ngữ biểu đạt cả về khuôn hình, văn học, âm nhạc, ánh sáng và phục trang. Ông bao giờ cũng chọn phong cách điện ảnh thơ để sắp xếp các yếu tố điện ảnh sao cho câu chuyện phim đạt được ý đồ nội dung tư tưởng và nghệ thuật đích thực. Chất tráng ca, lãng mạn và pha màu huyền thoại là những gì khắc họa nên phong cách làm phim nhất quán của Nguyễn Văn Thông, dù là phim truyện (Cuộc gặp gỡ bất ngờ, Bài ca không quên, Rừng xà nu…), phim tài liệu (Chúng con nhớ Bác, Chiến thắng đường 9 Nam Lào) hay phim nhạc vũ kịch (Ngọn lửa Nghệ Tĩnh). Đáp lại câu hỏi của nhiều bạn bè, vì sao lại chọn phong cách thơ để làm điện ảnh, Nguyễn Văn Thông bày tỏ rất chân thành: ”Tôi hiểu thơ ca là khởi đầu của mọi khởi đầu trong văn học nghệ thuật”. Từ nhận thức không phải lúc nào và ở đâu cũng được nhiều người chia sẻ ấy, Nguyễn Văn Thông lặn ngụp cả cuộc đời nghệ thuật trong sự tìm tòi về chủ đề và về ngôn ngữ. Trong phim Con chim vành khuyên, trên cùng một bối cảnh bãi cát trắng ven sông, Nguyễn Văn Thông đã sắp đặt cho một loạt những cảnh phim hết sức sắc cạnh giữa nhân bản và phi nhân bản. Tên lính bắn em bé. Em bé cố giải thoát chú chim non từ túi áo của mình trước khi chết. Tiếng súng giết người đanh sắc tương phản trời vực với tiếng chim non kêu thảm thiết trên không trung. Với phim Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Nguyễn Văn Thông là đạo diễn điện ảnh Việt Nam đầu tiên chỉ đạo dàn dựng, ghi hình một vở nhạc vũ kịch có quy mô hoành tráng nhất bấy giờ với sự cộng tác của chuyên gia múa từ Triều Tiên. Bộ phim đã được coi là một trang sử thi cách mạng về phong cách kịch múa dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn chất liệu chèo, hát bộ và dân ca miền núi ở Nghệ An.

Sinh ra ở Đà Nẵng, đi học ở Huế, kháng chiến chống Pháp ở khu Năm, bắt đầu sự nghiệp điện ảnh ở Hà Nội, Nguyễn Văn Thông dành hai phần ba cuộc đời sống ở đất ngàn năm văn vật. Căn nhà tập thể ở Cầu Giấy nhỏ xíu và tiện nghi sống quá khiêm tốn của một tên tuổi như ông đã khiến cho không ít bè bạn, đồng nghiệp băn khoăn. Nhưng NSND Nguyễn Văn Thông và người vợ yêu quý của mình - NSƯT, Đạo diễn phim truyền hình Đàm Thanh dường như đã “yên ngày thác lũ”. Họ sống bên nhau, với những căn bệnh của tuổi già và sự cô quạnh khó tránh của những người không con cái, nhưng bù lại là đầy ắp tình yêu nghề nghiệp và sự sẻ chia tận cùng niềm hạnh phúc được sống cho điện ảnh, cho những mục đích đẹp đẽ trong cuộc đời. Vì sao ông bà không có ý định về sống ở quê nhà, người viết đã từng hỏi ông lúc sinh thời, câu trả lời thật bình thản: “Hà Nội là nơi chúng tôi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh, là nơi chúng tôi gặp nhau và gắn bó với nhau đến tận bây giờ, nhiều kỷ niệm quá, không muốn rời xa mảnh đất thân thuộc này nữa…”. Tâm nguyện ấy của Nguyễn Văn Thông hôm nay viên mãn rồi. Đất Hà Nội văn vật ngàn năm lại mở lòng đón nhận một trong những con người đã góp trọn đời mình cho điện ảnh và cũng là cho Hà Nội.

Nguyễn Thế Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm