Vĩnh biệt Nhạc sư Vĩnh Bảo: 'Người lính' bảo vệ nhạc dân tộc

11/01/2021 07:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có lẽ là người duy nhất được gọi là “nhạc sư”, vì ông được mời giảng dạy âm nhạc dân tộc tại các viện, trường trong và ngoài nước. Ông từng dạy đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Trước khi mất, GS Trần Văn Khê muốn nghe một tiếng đờn của bạn tri âm

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Trước khi mất, GS Trần Văn Khê muốn nghe một tiếng đờn của bạn tri âm

Cũng như GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cũng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho đờn ca tài tử Nam bộ.

1. Là một người con sinh ra và lớn lên trong “đền thờ” đờn ca tài tử Nam bộ, nhạc sư Vĩnh Bảo đã thấm đẫm dòng nhạc đó và biết chơi nhiều loại nhạc khi từ rất sớm. Đặc biệt là bậc thầy trong bộ môn đàn tranh, ông đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây, tạo ra âm vực rộng hơn. Không chỉ dạy âm nhạc dân tộc, ông còn là người chơi đàn giỏi, chế tác các loại đàn.

Suốt đời ông trăn trở trong việc xiển dương và bảo tồn nhạc dân tộc. Ông là “người lính”, và từng cho rằng: “Thắng kẻ địch ở bãi chiến trường tuy có gian nan nhưng hãy còn dễ hơn trên mặt trận văn hóa”.

Theo ông, một số người Việt vì chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương, không mặn mòi với nhạc Việt, cho nhạc Việt không hay bằng nhạc Tây phương. Chẳng những không khuyến khích mà lại còn không tán thành cho con em học nhạc Việt, bởi việc giảng dạy nhạc Tây phương có sư phạm, dễ tiếp thu. Bản đàn ghi chép rõ ràng, người học chỉ nhìn bản là đàn được. Học nhạc Tây được người ta trọng vọng, dễ hái ra tiền, có cơ hội xuất ngoại giao lưu với nhạc sĩ quốc tế, còn nhạc Việt cách dạy theo truyền khẩu, truyền ngón khó học, bản đàn ghi chép thô sơ, học xong chẳng sống được với nghề.

Chú thích ảnh
Nhạc sư Vĩnh Bảo. Ảnh: Gia Tiến

Ông thừa nhận sự thất bại của người lớn, trong đó có ông trong việc truyền bá nhạc dân tộc cho giới trẻ. Ông viết: “Nếu ngày nay giới trẻ quay lưng với nhạc dân tộc thì đó là một phần do thiếu trách nhiệm của người lớn, trong ấy có tôi”.

2. Ngoài việc đặt hết tâm trí, sức lực vào việc bảo vệ và phát triển âm nhạc dân tộc, nhạc sư Vĩnh Bảo còn là một nghệ sĩ rất cá tính trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật. Hai mẩu chuyện sau đây nói lên điều đó của ông:

Nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự với cháu H. của ông năm ông 90 tuổi: “Con người của bác là luôn đứng sau lưng mọi người để phục vụ mọi người; lấy cái vui của người làm cái vui của mình, nhưng vấp phải cái điểm yếu của bác là nhạy cảm. Mỗi khi ai mời bác đi đàn, bác thường hỏi bác sẽ đàn với ai, và ai là thính giả? Người ta bảo là bác khó tính, nhưng họ nào có hiểu rằng bác đi đàn là không phải vì tiền hay vì danh, mà là để “enjoy” (tận hưởng) đồng thời tỏ lòng tôn trọng đối với người nghe.

Nếu bác không có hứng thì làm sao phát sinh ra được những cung đàn tiên phong đạo cốt, khi ẩn khi hiện vang lên trong lòng bác để phục vụ cho người nghe. Khi bị tước mất đi khoái cảm thì chỉ còn là việc bắt buộc phải đàn theo kiểu trả bài cho lấy có, rồi thì dần dần thành thói quen, tự mình đánh mất mình. Phần đông nhạc sĩ, hễ ai mời đàn thì họ đàn. Họ ít quan tâm đến những ai cùng đàn với họ, hoặc ai là thính giả, mà chỉ biết là khi tan cuộc ra về là có bao thơ “cachet”.

Chú thích ảnh
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Gia Tiến

Khi vào hòa đàn, thường khi bác ngồi đâu thì bây giờ vẫn ngồi y chỗ đó, ánh sáng đèn thế nào nào thì giữ y như thế nấy. Dời chỗ ngồi hay thay đổi ánh sáng thì bác mất hứng ngay”.

Ngày 22/4/2008, tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội gởi thư cho nhạc sư cho biết, Bộ Văn hóa Pháp tặng huy chương “Nghệ thuật và văn chương” (Médaille des Arts et des Lettres, cấp bực officier) cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, để tuyên dương công trạng của ông làm rạng danh nhạc Việt khắp nơi trên thế giới và những cộng tác của ông với xứ Pháp từ nhiều năm qua.

Ông kể lại cho cháu H.: "Vào cái tuổi hơn ba phần tư thế kỷ của bác, khi mà thiên nhiên muốn đòi lại chủ quyền của mình, công danh như những đám phù du, khi chí cả đã gác ngoài thế sự, quả là một điểm yếu của bác khi không còn hứng thú nữa trước những lời tán dương của thiên hạ có gì là thú vị".

Tôi viết lời tưởng niệm về ông trong lúc nghe tiếng đàn tranh của ông trên Youtube. Tiếng đàn buồn, thật buồn.

Nhạc sư Vĩnh Bảo qua đời lúc 18h50 ngày 7/1 tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thọ 104 tuổi. Ngày 10/1, thi hài ông được hỏa táng tại nghĩa trang Quản Khánh, TP Cao Lãnh.

Để nhớ về một nhạc sư giảng dạy âm nhạc truyền thống trong và ngoài nước, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ đờn ca tài tử, một nghệ sĩ trình tấu nhạc tài tử, một nhà cải tiến và sản xuất đàn tranh, Thể thao và Văn hóa sẽ đăng tải 3 kỳ báo để ghi nhớ những thành tựu này của ông.

Khởi Thức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm